Vỉa hè biến thành… quán nhậu, bãi đỗ xe

congly.com.vn| 13/04/2012 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên danh nghĩa có rất nhiều cơ quan quản lý nhưng có lẽ chưa bao giờ vỉa hè hàng trăm tuyến phố của Hà Nội lại bị lấn chiếm, cơi nới kinh doanh buôn bán tuỳ tiện như hiện nay.

Như chưa hề có cuộc... ra quân

Khả năng lấn chiếm lòng đường vỉa hè của nhà hàng Hồng Hường (chuyên bia hơi và các món nhậu) ở ngã tư Nguyên Hồng - Huỳnh Thúc Kháng rất đáng ngạc nhiên! Từ 4 giờ chiều hàng ngày đến đêm là giờ cao điểm, hàng chục dãy bàn ăn san sát chiếm trọn hàng trăm mét vuông vỉa hè. Lòng đường, vỉa hè đối diện quán cũng bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe máy, ô tô chật cứng.

Đại diện tổ dân phố 68 phường Thành Công - nơi có nhà hàng Hồng Hường, nhà hàng bia G23, cơm niêu... phản ánh: Cả dãy nhà hàng mọc ngay dưới tầng 1 và 2 của khu chung cư cũ nên rất ô nhiễm. Mùi hôi thối bốc lên từ các cống thoát nước thải, từ khu vực chế biến thực phẩm, bếp nấu xộc vào mặt suốt ngày đêm. “Tại đây còn thường xuyên xảy ra những cuộc ẩu đả, đâm chém rất ghê sợ. Cả chục năm qua, tổ dân phố nhiều lần kiến nghị phường nhưng không hiểu sao không bị xử lý?” - đại diện một hộ dân tổ 68 nói.

Sau nhiều đợt ra quân rầm rộ của nhiều lực lượng từ Công an đến tự quản, từ phường đến quận, Thanh tra giao thông..., tình trạng vi phạm lòng đường, vỉa hè không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng phức tạp hơn. Những tuyến phố được mang danh là văn minh đô thị, văn minh thương mại cũng kinh doanh tràn lan trên vỉa hè; mái che, mái vẩy mọc khắp nơi.

Dọc phố Cát Linh, Trường Chinh bày bán vật liệu xây dựng, sứ vệ sinh tràn lan trên vỉa hè. Trên phố Chùa Bộc, Thái Hà biển quảng cáo, nhà hàng bia hơi, bãi đỗ xe thoả sức tung hoành.

Có bảo kê?

“Cả chục năm vi phạm, ai cũng biết cả. Ấy vậy mà không hiểu những nhà hàng lấn chiếm lòng đường vỉa hè có quan hệ thế nào với chính quyền, với Công an mà lại được lờ đi vi phạm?” - Đại diện tổ dân phố 68 phường Thành Công đặt câu hỏi. Một cán bộ có trách nhiệm của UBND phường Thành Công thừa nhận, vi phạm nhiều nhưng xử lý không xuể.

Ông Trần Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho biết, quy định về xử lý vi phạm còn nhiều bất hợp lý. Ví dụ, mức xử phạt từ hơn 20 triệu đồng trở lên là không khả thi, không bao quát hết được các trường hợp vi phạm nhỏ dẫn đến Công an, tự quản thường chỉ thu giữ bàn ghế, hàng hoá lặt vặt. Việc cấp giấy phép kinh doanh chưa xem xét đến khả năng để xe của nhà hàng, doanh nghiệp. Hàng tỷ đồng mỗi năm chi cho lực lượng tự quản trên địa bàn quận nhưng hiệu quả rất hạn chế, nhiều nơi bị vô hiệu hóa.

Theo ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, nhiều nơi tập trung thu tiền từ trông giữ xe mà không chăm lo quản lý đô thị, văn minh thương mại. Ý thức của nhiều người dân còn kém cộng với tình trạng thiếu trách nhiệm của một bộ phận lực lượng chức năng đã tạo điều kiện cho tình trạng lấn chiếm ngày càng trầm trọng hơn...

Nhà hàng Hồng Hường (ngã tư Nguyên Hồng - Huỳnh Thúc Kháng) chiếm cả vỉa hè, lòng đường nhưng vẫn được lực lượng chức năng “cho qua”

Chỉ lo “khoán”, bỏ quên “quản”

Trong khi quận Hoàn Kiếm thí điểm hình thức khoán quản thì nhiều địa phương khác lại cho rằng không nên áp dụng hình thức này vì doanh nghiệp chỉ tập trung khoán thu tiền mà không quan tâm đến quản.

Đại diện lãnh đạo Công an quận Ba Đình cho rằng, không nên áp dụng hình thức khoán quản theo kiểu giao cho doanh nghiệp trông giữ xe máy ô tô rồi yêu cầu họ tham gia vào việc giữ trật tự đô thị. Lý do là khi kẻ đường giao cho doanh nghiệp, họ chỉ tập trung lo thu thật nhiều tiền mà không đủ khả năng và thẩm quyền nhắc nhở các hộ kinh doanh, nhà hàng, hàng rong về việc giữ gìn lòng đường, vỉa hè.

Cũng theo ông Trần Việt Hà, đã có thời kỳ quận khoán cho các phường phải phạt đủ 50 triệu đồng/tháng/phường. Nhưng vi phạm quá nhiều, phạt không xuể. Theo quy định, thành phố (Sở GTVT chủ trì) sẽ quản một số tuyến phố lớn trọng điểm, các tuyến khác có sự thoả thuận giữa quận với thành phố nhưng đến nay chưa thể triển khai.

Ông Hà lý giải điểm yếu nhất trong cơ chế quản lý hiện nay là khối lượng công việc của lực lượng trật tự đô thị thì nặng, phải làm thêm giờ, làm buổi tối, va chạm thường xuyên nhưng chế độ bồi dưỡng quá thấp, không hợp lý.

Tuyến “khoán - quản” Đinh Lễ nhiều ô tô đỗ trái phép, hàng rong tràn lan.

Một chuyên gia về đô thị của Hà Nội cho hay, đi liền với đầu tư hạ tầng, vỉa hè đang rất cần khả năng quản lý khoa học. Nếu lòng đường, vỉa hè không sớm được quản lý tốt thì sẽ tác động hết sức tiêu cực đến an toàn giao thông, văn minh đô thị. Và, dù hằng năm Nhà nước phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho cải tạo vỉa hè, chỉnh trang bộ mặt đô thị thì hiệu quả cũng không đáng là bao và hàng triệu mét vuông vỉa hè vẫn trở thành những “bầu sữa” cho nhiều người kiếm lợi bất chính.

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đồng cho hay, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ kiểm tra tổng thể các tuyến phố văn minh thương mại, văn minh đô thị. Tuyến nào vi phạm, nhếch nhác, lấn chiếm lòng đường vỉa hè thì cần xoá tên, rút bỏ danh hiệu tuyến phố văn minh thương mại, văn minh đô thị.

Đây không là biện pháp có sức nặng với những phường, quận nơi có những cán bộ chủ trương bán vỉa hè không chính thức. Hằng ngày, ở rất nhiều tuyến đường, tuyến phố, những chiếc xe trật tự đô thị đi qua các cửa hàng cà phê, bia đầy ắp bàn ghế trên vỉa hè mà không chịu dừng lại, thậm chí không thèm nhắc nhở bằng loa điện. Ai cũng biết, để có được sự “thông thoáng” ấy, chủ hàng cà phê, bia bọt kia đã đều đặn nộp “tô thuế” ngầm hàng tháng. Đó cũng là lý do khiến ẩm thực vỉa hè vừa đắt, vừa bẩn!

Minh Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vỉa hè biến thành… quán nhậu, bãi đỗ xe