Về Bạc Liêu, thăm cây xoài cổ

Nam Hoàng| 02/12/2015 08:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giữa bời bời lau lách, giữa mênh mang đất bằng Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu bỗng nổi lên một gò đất cao. Trên đó, có một cây xoài cổ ước chừng trên 300 tuổi.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm, chiến tranh, bom đạn, cây vẫn sừng sững, tỏa bóng xanh rợn ngợp. Xung quanh “cụ” xoài này đã và đang có rất nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn khách phương xa.

 “Địa chỉ đỏ” cho du khách

 Bạc Liêu là vùng đất trẻ được khai mở vào cuối thế kỷ 17, nổi tiếng trù phú phì nhiêu với những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn cùng nguồn lợi thủy hải sản vô cùng phong phú. Nơi đây hội tụ nhiều dòng văn hóa Kinh, Hoa, Khơme đã tạo cho Bạc Liêu một diện mạo văn hóa riêng biệt. Nhắc đến Bạc Liêu người ta nghĩ ngay đến Công tử Bạc Liêu hay quê hương của phong trào đờn ca tài tử nổi tiếng với “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu.

Với hơn 40 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh có giá trị tham quan, nghiên cứu như: Đền thờ Bác Hồ xã Châu Thới; Khu di tích lịch sử Nọc Nạng; Tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc huyện Vĩnh Lợi; Bia Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu; Thành hoàng cổ miếu; Phước đức cổ miếu; Đình An Trạch; Chùa Cỏ Thum; Khu căn cứ Tỉnh ủy… Bạc Liêu được xem là một “địa chỉ đỏ” cho du khách muốn tìm hiểu và khám phá.

Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch Bạc Liêu còn được biết đến là vùng đất hội tụ nhiều nét đẹp về văn hóa truyền thống, tín ngưỡng trong dân gian. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều lễ hội được diễn ra, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách, như: Lễ hội Quán âm Nam Hải; Lễ hội Dạ cổ hoài lang, Lễ hội Nghinh ông…

Về Bạc Liêu, thăm cây xoài cổ

Cận cảnh cây xoài cổ thụ ở Bạc Liêu

Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng như thế, Bạc Liêu đã và đang gặt hái nhiều thành công, đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bạc Liêu tích cực khai thác nét độc đáo riêng của từng điểm đến, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Khi đến du lịch Bạc Liêu, thì việc thăm cây xoài cổ thụ hơn 300 tuổi, nằm trong khuôn viên chùa Ông Bổn ở ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, là lựa chọn của nhiều du khách. Cây có chiều cao 15m, đường kính 1,92m, chu vi thân cây tại độ cao 1,3m là 6,05m, có đặc điểm hình thái bạnh vè, chu vi bạnh vè đạt 6,3m, gốc to khoảng 5 - 6 người ôm, tán tỏa bóng mát rộng đến 300m2. Dựa vào lịch sử vùng đất Bạc Liêu, tính đến năm 2015, cây xoài cổ thụ có tuổi thọ khoảng 335 năm. Đây là cây xoài cổ thụ có tuổi thọ lớn nhất tại Bạc Liêu, được chăm sóc, bảo tồn phục vụ du lịch tham quan, nghiên cứu.

Cọp thần dưới gốc cây cổ thụ   

Một số người dân ở Vĩnh Trạch Đông cho biết, vào cuối thế kỷ 17, do không tuân phục triều đình, một nhóm lưu dân Trung Quốc đã lên thuyền đi về phía Nam. Khi đến khu vực miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, thấy đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi, họ quyết định chọn mảnh đất này làm nơi nương náu. Trong đoàn lưu dân đó, đông nhất là những người của dòng họ Lưu Kỳ, dòng họ được cho là những người Hoa đầu tiên đặt chân khai phá dải đất ven biển của tỉnh Bạc Liêu.

Những ngày tháng đó, vùng đất này còn là rừng rậm hoang vu, lau lách bời bời. Giữa mênh mông đất bằng ấy nổi lên một gò đất cao, trên gò có một cây xoài, thân to bằng một vòng tay người lớn, cao vọt hẳn lên. Các lưu dân liền rủ nhau dựng làng lập ấp, quần tụ quanh khu vực đó, để mỗi khi có công việc gì, cứ nhìn bóng xoài mà đến; người đi kiếm ăn xa cũng ngó cây mà về, tuyệt đối không bị lạc đường bao giờ. Người sinh sôi, xóm ấp mở mang, trải qua mấy trăm năm, từ nhóm lưu dân ban đầu ấy đã dần hình thành nên cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu ngày nay.

Ông La Lự (62 tuổi, có bố người Hoa, mẹ người Khơme), người hiện trông coi, chăm sóc cây xoài cho biết: “Hồi còn nhỏ, tôi thường nghe các cụ kể lại rằng, có một con cọp lấy gốc xoài làm nơi trú ngụ. Giống loài dữ dằn là thế mà lạ thay, cọp chẳng bao giờ quấy phá dân làng, cứ ngày đi săn, tối về ngủ dưới gốc xoài. Bởi thế, dân trong vùng tôn cọp thành Thần, gọi tên Ông Cọp. Và, cứ đến dịp lễ Cầu an của chùa Ông Bổn, tức là ngày 28/7 âm lịch hằng năm, các lão làng lại trịnh trọng cúng cho cọp thần một con heo sống”.

Đến một ngày nọ, không hiểu sao cọp thần bị mất một chân. Tuy bị thương nhưng cọp vẫn tỏ ra hiền lành đối với con người. Từ ngày khuyết một chân, người ta cũng ít thấy cọp đi săn bắt hơn, chủ yếu nằm phủ phục dưới gốc xoài. Thấy cọp thần gầy sọp đi, sức khỏe suy giảm, dân trong vùng thay nhau mang thức ăn cho cọp. Ngày lễ Cầu an, thay vì cúng heo sống, người ta cúng heo mổ sẵn. Và, khi thần cọp 3 chân mất đi, người ta lại cúng thần bằng đầu heo quay đặt dưới gốc xoài cổ thụ.

Về Bạc Liêu, thăm cây xoài cổ

Ông La Lự, người trông coi, chăm sóc cây xoài

Từ khi Ông Cọp mất đi, người dân quanh vùng lập bát nhang cúng lễ, xem gốc xoài ven chùa Ông Bổn như một chốn linh thiêng, chuyên che chở, hộ mệnh cho dân làng. Hơn nữa, do thường xuyên bị biển xâm lấn, nên nước của cả một vùng rộng lớn bị nhiễm mặn quanh năm. Nhưng lạ thay, xung quanh khu vực gốc xoài lại có mạch nước ngầm, giúp thân cây phát triển tươi tốt. Người dân liền làm lễ cúng tế trước cây, trước Ông Cọp để “xin phép” đào một cái giếng lấy nước ngọt mang về sử dụng. Những chuyện đó, cộng với tuổi thọ khó tin của “cụ xoài” nên dần dà bắt đầu xuất hiện một số lời đồn đại rằng, cây có thể “truyền năng lượng” trường thọ cho những ai đến viếng thăm, thưởng thức trái, hay ôm vào gốc.

Theo ông Lự thì những lời đồn thổi trên bắt đầu từ khoảng giữa năm 1999, khi đó, gia đình người nhận trông coi gốc xoài này đã chuyển đi nơi khác ở, dù đã sinh sống ở đây đến 4-5 đời. Sau khi gia đình này rời bỏ mảnh đất hương hỏa của cha ông để đi kiếm sống, nhiều người bắt đầu nghi ngờ có chuyện “kỳ bí” xung quanh gốc xoài này. Thực chất gia đình này không muốn bám trụ nơi đây nữa là do đây là khu nhị tỳ, còn chuyện “kỳ bí” là do một số người dựng lên, thêu dệt để dọa nhau…

Chứng tích lịch sử của “vùng đất trẻ”

Từ khi địa phương công bố cây xoài đã sống trên 300 năm và lắp đặt một số biển chỉ dẫn đường đến cây xoài, nhiều du khách đã tìm đến. Và những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai lại được dịp bùng lên. Một số người mê tín bắt đầu thêu dệt thêm, tự gán cho cây những khả năng đặc biệt như cây có “linh khí”, có khả năng trị được “bách bệnh”, kể cả những căn bệnh hiểm nghèo. Và, tin đồn thì lan nhanh như gió thổi... Phải đến khi chính quyền và các cơ quan đoàn thể địa phương vào cuộc, tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích thì những câu chuyện kỳ bí ấy mới có phần lắng xuống.

“Cách đây khoảng 5-6 năm, tưởng chừng cây xoài đã “qua đời” do bị ảnh hưởng của môi trường, nấm gốc, mối ăn và đặc biệt là bị một loại sâu tấn công nhưng may nhờ các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu phát hiện và cứu chữa kịp thời nên hiện xoài vẫn rất xanh tốt. Thông thường thì mỗi mùa ra trái, cây xoài chỉ có trái ở một bên cây; qua mùa khác lại ra trái ở phần cành khác; tuy cây to nhưng trái xoài chỉ nhỏ bằng quả cóc, dính với nhau thành từng chùm, chứ không riêng lẻ nên bà con trong vùng gọi là xoài cóc. Trái của cây xoài này không lớn như trái của những giống xoài phổ biến hiện nay nhưng có vị chua - ngọt và mùi thơm khá đặc biệt”, ông Lự kể.

Đã mấy thiên niên kỷ trôi qua, ngần ấy thời gian đủ để chứng minh cho sự trường tồn của cây xoài cổ. Dù đã trải qua nhiều biến cố, chiến tranh, bom đạn, cây vẫn chưa hề có dấu hiệu của sự tàn lụi mà tiếp tục xanh tốt, cành tỏa ra che phủ cả một không gian rộng, những chiếc rễ to, xù xì, gồ ghề, uốn lượn trườn đi như những con mãng xà, như những búi dây thừng vĩ đại. Để ghi nhận vai trò của cây trong đời sống văn hóa của cư dân vùng đất Vĩnh Trạch Đông, ngày 20/5/2015 vừa qua, cây xoài này đã được công nhận là "Cây di sản Việt Nam".

Hiện tại, nơi cây xoài “tại vị” đã được UBND TP. Bạc Liêu đầu tư nâng cấp thành khu du lịch với tổng diện tích khuôn viên xung quanh gốc xoài là 237,66m2, thiết lập bảng chỉ dẫn và xây dựng đường vào tham quan cây xoài. Cây xoài ở Bạc Liêu có thể được xếp vào loài cây cổ thụ quý hiếm với tán tròn, đều, rộng, không gian thoáng mát, sạch đẹp ngày càng trở thành một nơi hấp dẫn, thu hút khách thập phương.

Hy vọng rằng, đây là điểm tham quan, du lịch đầy thú vị khi du khách đến với Bạc Liêu. Cây xoài không chỉ là “hiện vật cổ xưa” lưu tồn đến ngày nay mà còn phản ánh cuộc sống đầy gian nan, thử thách của cha ông ta thời mở cõi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Bạc Liêu, thăm cây xoài cổ