Vân Đồn (Quảng Ninh): Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Lê Dung| 26/04/2019 10:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm qua, cụ thể hóa chỉ đạo của tỉnh về thực hiện phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường (BVMT), huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hiện nay, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được ví như một công trường xây dựng khổng lồ, đang triển khai rất nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, vận chuyển nguyên vật liệu, khai thác đất phục vụ san nền… ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường không khí, bụi, nước thải, vật liệu thải; đồng thời ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện các nhiệm vụ vệ sinh môi trường, quét dọn đường phố cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư các dự án về thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tập trung.

Để phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ bền vững môi trường, huyện Vân Đồn đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy chế, quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn huyện nói chung đã có nhiều bước chuyển biến đáng kể. 

Vân Đồn (Quảng Ninh): Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Đảo Ngọc Vừng Vân Đồn sở hữu nét đẹp huyền bí, hoang sơ. Ảnh: Thư viện Báo Quảng Ninh

Bảo vệ môi trường các khu, điểm du lịch

Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện Vân Đồn đã có những bước phát triển khá mạnh. Bên cạnh thế mạnh về thủy sản, du lịch cũng đang từng bước trở thành một mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển du lịch, huyện Vân Đồn đã có nhiều giải pháp BVMT các khu, điểm du lịch để thu hút nhà đầu tư cũng như du khách trong ngoài nước, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Theo đó, công tác vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn huyện trong mùa lễ hội (chùa Cái Bầu, đền Cặp Tiên) luôn được chú trọng; không để xảy ra tình trạng khách du lịch xả rác bừa bãi tại các điểm thăm quan, du lịch.

Vân Đồn (Quảng Ninh): Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Du lịch cũng đang từng bước trở thành một mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Vân Đồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, huyện luôn tăng cường công tác BVMT tại các bãi biển, bãi tắm công cộng trong mùa du lịch. Lắp đặt mới các biển báo, pano quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường tại các bãi tắm. Đặc biệt đã lắp đặt 16 nhà vệ sinh tắm tráng di động tại khu vực bãi biển Minh Châu phục vụ du khách và người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, không xả thải trực tiếp ra bãi biển, rừng trâm.

Tiếp tục thực hiện xây dựng chương trình du lịch cộng đồng tại xã Quan Lạn. Khai thác hiệu quả địa thế bãi biển sạch đẹp của xã Quan Lạn để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch rà soát, kiểm tra các trang thiết bị đã xuống cấp để thay thế kịp thời, bố trí đầy đủ các thiết bị chứa, thu gom rác thải phát sinh từ hoạt động tắm biển, du lịch.

Tại bãi tắm cộng đồng của các xã, định kỳ 1-2 lần/tháng tổ chức huy động toàn thể nhân dân xung quanh, lực lượng đoàn viên thu dọn rác thải trên bãi biển tạo nên những bãi tắm sạch - đẹp như xã Quan Lạn. Ngoài ra cần có sự chấp hành tốt vấn đề bảo vệ môi trường từ các doanh nghiệp trong kinh doanh du lịch trên địa bàn. Tiêu biểu phải kể đến Công ty TNHH MTV Mai Quyền, được nhiều du khách và người dân đánh giá có bãi tắm sạch đẹp và chấp hành tốt công tác BVMT.

Bảo vệ môi trường nông thôn

Công tác BVMT nông thôn cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Việc xây dựng phát triển Nông thôn mới gắn với nhiệm vụ BVMT tại các xã, có thể kể đến xã Đông Xá, Vạn Yên, Ngọc Vừng, Bình Dân, Đài Xuyên…., đã làm tốt công tác BVMT nông thôn thông qua hành động cụ thể như: định kỳ 01 - 2 lần/tháng thực hiện ngày Chủ nhật xanh, toàn dân dọn vệ sinh môi trường tại đường làng, ngõ xóm, tổ dân phố, khu vực công cộng, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, bãi biển... xây dựng 22 công trình bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, tập trung chủ yếu tại xã Bình Dân và Đài Xuyên; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình khí sinh học (biogas) ngành chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường. Phòng NN&PTNT hướng dẫn các hộ dân thực hiện quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi và xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo nguồn phân hữu cơ…. Duy trì vận hành khu xử lý rác thải tại xã Quan Lạn.

Nhằm phòng ngừa, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường sống, Vân Đồn còn tích cực cải thiện chất lượng môi trường sống tại các khu vực, địa bàn dân cư; tổ chức nạo vét, khơi thông cống rãnh, khắc phục tình trạng ngập úng; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường đô thị - nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Thực hiện việc xanh hóa đô thị

Quảng Ninh mong muốn xây dựng Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, mang lại nền kinh tế có giá trị cao, vì vậy công tác phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường cần phải có những giải pháp cụ thể trong việc xanh hóa đô thị. Theo đó, đôn đốc khẩn trương đầu tư hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải trong dự án Khu đô thị ven biển thị trấn Cái Rồng. Triển khai làm hệ thống vỉa hè đô thị dọc theo trục đường 334 và trồng mới dải cây xanh dọc một số tuyến đường chính của huyện.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhiều nghị quyết chuyên đề được ban hành, hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp phải luôn chú trọng đảm bảo tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Trong đó có Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông phụ trách dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Đông Xá luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Cụ thể, Công ty đã cho xây dựng con đường riêng để xe chuyên dụng vận chuyển vật liệu xây dựng tránh ảnh hưởng tối đa đến môi trường sống của người dân. Ngoài ra, công ty còn chú trọng việc rửa đường, trồng cây ven đường, tưới nước chống bụi và tham gia nhiều hoạt động công ích trên địa bàn.

Bảo vệ môi trường biển

Vân Đồn có diện tích mặt nước biển rộng gấp 3 lần diện tích đất nổi của huyện chiếm khoảng 1.600km2, ôm trọn vịnh Bái Tử Long, thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, địa phương đang trong quá trình đô thị hóa cao, hạ tầng du lịch được đầu tư mạnh, nhất là tại xã đảo và khu vực ven biển, điều này đang là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường biển.

 

Vân Đồn (Quảng Ninh): Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Đông Xá của Công ty CP đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông

Nhiều năm qua, huyện quan tâm ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác BVMT biển để tập trung chỉ đạo theo từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển thực tế tại địa phương; triển khai các giải pháp làm thay đổi nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong công tác BVMT biển. Thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như thành lập, xây dựng Đề án thu gom, xử lý rác thải tại các xã đảo (Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng và Bản Sen). Đồng thời, triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt BD-ANPHA500. Định kỳ 1-2 lần/tháng tổ chức huy động toàn thể nhân dân, lực lượng đoàn viên thu dọn rác thải trên bãi biển.

Trong phát triển ngành thủy sản, Vân Đồn cũng thực hiện đổi mới các phương pháp nuôi trồng theo hướng bền vững, áp dụng tiến bộ KHCN ở các vùng nuôi, hạn chế tình trạng nuôi quảng canh. Cùng với đó, trong công tác quản lý quy hoạch và xây dựng, huyện yêu cầu các đơn vị, nhà hàng khách sạn, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cam kết có giải pháp xử lý rác, nước thải; quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng với các dự án gần biển, trên biển. Trong định hướng phát triển, Vân Đồn được xác định là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo lớn của tỉnh, kinh tế biển là mũi nhọn, vì vậy thực hiện tốt công tác BVMT biển là nền tảng vững chắc để Vân Đồn sớm đạt mục tiêu.

Bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Ngoài ra, huyện còn chú trọng chỉ đạo các phòng ban, địa phương tăng cường quản lý khoáng sản, quản lý các dự án nạo vét, duy tu, thanh thải chướng ngại vật trên tuyến luồng thủy nội địa, các điểm khai thác đất phục vụ thi công các dự án hạ tầng trên địa bàn huyện. Đồng thời, hướng dẫn chủ đầu tư các dự án phải công khai quy hoạch ranh giới dự án được phê duyệt tại trụ sở UBND các địa phương nơi có dự án và nơi thực hiện dự án để nhân dân, các cơ quan chức năng nắm bắt, giám sát. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát hiện, xử lý khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản trái phép, tận diệt… Đầu tư các công trình cung cấp nước sinh hoạt sạch, nước sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn cho huyện Vân Đồn.

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Môi trường nông thôn, đô thị đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; môi trường du lịch được giữ gìn, đầu tư đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh. Đồng thời là trung tâm kinh tế và văn hoá của khu vực với trọng tâm phát triển là ngành dịch vụ và các ngành nghề mới, là trung tâm khởi nghiệp và giao thương quốc tế... gắn với bảo vệ bền vững môi trường. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vân Đồn (Quảng Ninh): Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường