Vạ lây vì chất tạo nạc

congly.com.vn| 13/04/2012 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu chuyện sử dụng chất tăng trọng, tạo nạc độc hại trong chăn nuôi lợn được phát hiện vừa qua ở Đồng Nai và một vài nơi khác đã nhanh chóng tác động đến ngành chăn nuôi và tâm lý người tiêu dùng trong cả nước. Những người chăn nuôi chân chính thì điêu đứng, vạ lây khi giá thịt giảm mạnh. Còn những người nội trợ, người tiêu dùng thì chỉ biết than trời "ăn gì bây giờ" khi t�

Tiểu thương “kêu cứu”

Mặc dù ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, theo thông báo chính thức của các cơ quan chức năng, thì chưa phát hiện được việc người chăn nuôi sử dụng các loại chất tạo nạc bị cấm cho lợn, nhưng thị trường tiêu thụ loại thực phẩm này giảm hẳn so với tháng trước. Hiện giá lợn bán tại trang trại giao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg (giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg). Điều trái khoáy là giá giảm mạnh nhưng lượng khách mua thịt lợn vẫn không tăng. Nhiều chủ trại nuôi lợn bức xúc tìm mọi cách quả quyết rằng hoàn toàn không có chuyện pha trộn chất kích thích tạo nạc cho lợn, bởi vì nếu làm như vậy thì chính bản thân họ tự loại mình ra khỏi thị trường. Song, một thực tế hiển nhiên là tin tức về việc lợn có chứa chất tạo nạc độc hại đang khiến cho các hộ nuôi lợn quy mô lớn chịu cảnh ế ẩm, thua lỗ nặng nề, lỗ hàng trăm triệu cho mỗi lần xuất hàng.

Chị Hà Thị Tâm, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Mơ (Hà Nội) cho biết, chị thuyết phục mãi mà người mua vẫn cứ nâng lên, đặt xuống miếng thịt rồi "chào" vì không tin thịt của hàng chị không có chất tạo nạc. Trước đây, mỗi ngày sạp hàng của chị bán được gần 1 tạ thịt, nhưng từ khi rộ lên thông tin về "chất tạo nạc" thì chỉ bán được gần 40 kg, có hôm đến trưa hàng vẫn còn ế một nửa đành phải bán lỗ cho các nhà hàng. Hiện đa số tiểu thương bàn mặt hàng này ở chợ Mơ đều không dám "ôm" nhiều thịt lợn để bán vì sợ không tiêu thụ được.

Người tiêu dùng lo ngại trước thông tin chất tạo nạc có trong thịt lợn. (Ảnh minh hoạ)

Về phía người tiêu dùng, nhiều bà nội trợ gần như đã quay lưng với thịt lợn. Bà Nguyễn Thị Sính, phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bức xúc: bây giờ chúng tôi chẳng biết ăn gì, thịt gia cầm thì lo sợ cúm, thịt lợn thì sợ có chất tạo nạc, còn thịt bò, cá thì còn có vẻ "an toàn" đấy nhưng quá đắt. Với đồng lượng hưu ít ỏi, ăn gì là cả một vấn đề đối với một gia đình 4 người như gia đình bà. Chẳng lẽ cứ quanh đi quẩn lại với điệp khúc "cá, bò, đậu phụ" mãi. Trong khi thịt lợn là nguồn thực phẩm phổ biến lâu nay, có thể chế biến khá nhiều món ăn trong gia đình.

Chị Phan Thị Hân, nhà ở đường Đại Cồ Việt (Hà Nội) cho biết, vài tuần nay chị phải hạn chế mua thịt lợn vì không biết làm thế nào phân biệt được thịt có nhiễm chất kích thích, chất phụ gia độc hại hay không. Thực phẩm bán tại chợ không có xuất xứ, chứng nhận, mạnh ai người ấy bán và thực tế là không có cơ quan nào kiểm tra. Thỉnh thoảng đổi bữa, chị cũng mua ít thịt lợn thì không chọn loại có nhiều nạc mà chỉ chọn thịt có nhiều mỡ cho ... an toàn.

Lại kêu gọi người tiêu dùng cần “thông thái”!

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) Bộ Y tế, Cục ATVSTP chưa nhận được thông tin nào từ phía chi cục thú y các tỉnh, thành phố phản ánh việc các mẫu thịt lợn có nhiễm chất Ractopamine và Clenbuterol (hay còn gọi là chất tạo nạc). Hiện nay, thịt lợn nhiễm chất cấm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chịu trách nhiệm kiểm tra, xét nghiệm. Cục ATVSTP chủ yếu quản lý các vấn đề như thực phẩm nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm… Cục ATVSTP mới có văn bản gửi sang Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản yêu cầu cung cấp thông tin về vấn đề thịt lợn nhiễm chất tạo nạc tại Việt Nam. Khi có văn bản chính thức, Cục sẽ báo cáo lên Bộ Y tế và lúc đó mới có kế hoạch mở rộng thanh, kiểm tra toàn bộ mặt hàng thịt lợn bán ra trên thị trường.

Theo bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, hiện chưa nhận được ý kiến phản ánh nào từ người tiêu dùng về vấn đề trên, cũng chưa nhận được thông tin nào từ hai Cục Quản lý thị trường và ATVSTP. "Khi nhận được thông tin, kết luận cụ thể, chúng tôi mới có thể đưa ra ý kiến, khuyến cáo biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - bà Nga cho biết.

Các nhà khoa học khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn kỹ theo tiêu chuẩn sau đây để tránh mua phải thịt lợn bị nhiễm chất cấm: ở miếng thịt, phải xem lớp mỡ dưới da, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo thì nên tránh. Thông thường lợn nạc một cách bất thường (không phải giống lợn siêu nạc) được ăn hóa chất (trộn trong thức ăn) nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1 cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5 - 2 cm. Thịt lợn có chứa các độc chất Ractopamine và Clenbuterol thường có màu đỏ khác thường (hơi giống thịt bò), sáng và bóng. Khi thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2 - 3 đốt ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất là có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng tạo nạc. Ngoài ra, cần quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nhiễm chất tạo nạc.

Thảo Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vạ lây vì chất tạo nạc