Tư liệu Hán Nôm đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động

Nguyễn Phan Khiêm| 06/06/2014 14:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa chính thức giới thiệu tập sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông”.

Cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc những tư liệu hết sức quý giá.

 

Khu tư liệu đồ sộ

 

Từ năm 2009 -2012, Viện nghiên cứu Hán Nôm đã triển khai đề tài Thư mục Hán Nôm về biển, đảo Việt Nam với khoảng 50 cán bộ của Viện tham gia. Đề tài đã tiến hành khảo sát toàn bộ kho sách Hán Nôm của Viện nghiên cứu Hán Nôm và tuyển chọn những đoạn ghi chép hoặc vẽ về biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam trong lịch sử. Đề tài đã được nghiệm thu, bản thảo dày đến 3000 trang. Đây là những tư liệu hết sức có giá trị, cung cấp căn khoa học và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với biển đảo của Việt Nam.

 

Trong kho tư liệu đồ sộ đó, ta có thể lần theo sử sách, thấy nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đều chú trọng đến việc đo vẽ bản đồ lãnh thổ quốc gia. Ngay từ thời Lý, theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”: “Mùa thu năm 1075… Lý Thường Kiệt đã cho vẽ bản đồ hình thế núi sông ở ba châu Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý”… Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng cho biết, tháng 11 năm Đại Định thứ 22 (1161) đời vua Lý Anh Tông, nhà vua sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm Phó, đem 2 vạn quân đi tuần vùng ven biển Tây Nam để giữ yên biên giới… Đặc biệt là tháng 2 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (1172) đích thân nhà vua đi tuần các hải đảo ở địa giới các bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật mang về.

 

Tư liệu Hán Nôm đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động

Phần bản đồ trong “An Nam dư địa chí” có vẽ và ghi “ Hoàng Sa chử” . ”Chử” nghĩa là bãi

 

Thời Lê Thánh Tông (năm 1470) định bản đồ trong cả nước và có tập “Hồng Đức bản đồ”. Sang thời Lê Trung hưng, Đỗ Bá vẽ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ”. Đến thời Nguyễn có bản đồ thời Đồng Khánh với tiêu đề “Đồng Khánh địa dư chí”.

 

Còn ghi chép về địa lý đất nước, từ thời Lê sơ đã có tác phẩm “Nam Việt dư địa chí” của Nguyễn Trãi ghi chép về địa lý nước ta từ thời Kinh Dương Vương đến thời Lê. Các thế kỷ sau, loại sách dư địa chí do người Việt ghi chép liên tục phát triển, thời Mạc có cuốn “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An viết về địa lý vùng Ô Châu (Quảng Bình đến Thừa Thiên). Thời Lê Trung hưng có “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn trong đó có ghi chép về địa lý, lịch sử. 

 

Đặc biệt dưới triều Nguyễn sách địa chí rất phát triển, có những cuốn như “Đại Nam quốc cương giới vựng biên” của Hoàng Hữu Xứng, “Đại Việt địa dư toàn biên” của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, “Hoàng Việt địa dư chí” và “Nam quốc địa dư chí” của Lương Thúc Đàm.

Trong các thư tịch đó, có rất nhiều tư liệu liên quan trực tiếp đến biển Đông, đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngoài các bộ sử, hội điển, kho tư liệu Hán Nôm của Việt Nam còn một dạng tư liệu đặc biệt quý giá là các tập Châu bản triều Nguyễn. Đây là các văn bản hành chính được nhà vua ngự lãm hay ngự phê bằng mực son. Gần đây Bộ Ngoại giao đã công bố 19 trong vài chục tài liệu Châu bản viết bằng chữ Hán, chữ Nôm về thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó cho thấy các chúa Nguyễn và các đời vua sau này đã thường xuyên sai người đi thăm dò, đo vẽ, đóng mốc chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Bên cạnh đó là thơ văn có liên quan đến biển đảo khá nhiều.

 

46 tài liệu gốc được giới thiệu

 

Bước đầu, để phục vụ kịp thời cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo hiện nay, Viện Hán Nôm đã tuyển chọn 46 tư liệu Hán Nôm ghi chép về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông để công bố rộng rãi trong nước và quốc tế.

46 đơn vị tư liệu Hán Nôm  này gồm các bộ sử, các tập bản đồ, địa chí, hội điển, văn bản hành chính… khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tư liệu đầu tiên trong cuốn sách là “An Nam dư địa chí” đóng chung trong sách “Nghệ An nhân vật chí” có vẽ và chú thích “Hoàng Sa chử” đối diện với Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

 

Tư liệu thứ hai là “An Nam hình thắng đồ” hiện bảo quản tại Cộng hòa Pháp, là tập bản đồ toàn quốc, kinh đô và 13 thừa tuyên. Trong đó có đoạn ghi chép về Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) kèm hình vẽ như sau: “Giữa khơi có một dải cát gọi là Bãi Cát Vàng, dài ước năm trăm dặm, rộng năm mươi dặm, chạy từ cửa biển Đại Chiêm đến đây, đứng sừng sững giữa biển. Khi có gió Tây Nam thì thuyền bè các nước đi ở phía trong…”.

 

Tư liệu Hán Nôm đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động

Buổi họp báo giới thiệu cuốn sách

 

Hay một tài liệu khác được giới thiệu trong tập sách là “Càn khôn nhất lãm” của Phạm Đình Hổ, hiện bảo quản tại Viện nghiên cứu Hán Nôm và Cộng hòa Pháp ghi chép về địa lý cả nước, có đoạn ghi chép về Trường Sa: “Mỗi năm vào tháng quý đông (tháng Chạp), đưa 18 chiếc thuyền đến đây thu nhặt hóa vật, phần nhiều thu được các loại tiền vàng, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đây mất một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ vượt đến đây mất nửa ngày. Xứ Trường Sa cũng có đồi mồi.”

 

Tập tài liệu cũng chụp nguyên bản và trích một số nội dung trong “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn. Ví dụ ở “Tiền biên” có ghi: “Mùa hạ, tháng 4, Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn. Chúa hậu thưởng. Sai đi đo các chỉ số ngắn dài rộng hẹp của bãi biển Trường Sa”. Hay năm Gia Long thứ 16 (1817): “Thuyền Ma Cao đậu tại Đà Nẵng đem bản đồ Hoàng Sa dâng trình, [nhà vua] thưởng 20 lạng bạc”.

 

Tài liệu thứ 10 là “Đại Việt sử ký tục biên”, bộ sách được Chúa Trịnh Sâm sai biên soạn năm 1775 có viết: ”Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa trong hải đảo tìm lấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan, huyện Văn Xương, phủ Lô Châu (nước Thanh). Quan địa phương xét đúng sự thực rồi đưa trả về nguyên quán. Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế ta [tức Nguyễn Phúc Khoát] sai Cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu viết thư phúc đáp. 

 

Ngoài biển xã An Vĩnh có các đảo gồm hơn 130 đảo, cách nhau hoặc một ngày đi thuyền, hoặc cách nhau vài canh giờ. Trên đảo có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi Hoàng Sa dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, nước trong. Đảo có vô số tổ yến, ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi…

 

Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo tìm sản vật. Hàng năm vào tháng 3 ra khơi, mang theo lương ăn 6 tháng, đi thuyền 3 ngày 3 đêm mới đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, thu được bao nhiêu, đến tháng 8 trở về cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong thời gian ấy, có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, nồi đồng, khí giới, ngà voi, bát sứ”

 

Tài liệu thứ 46 được giới thiệu là “Việt sử dư địa” của Phan Đình Phùng, khảo về đại lý và lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương đến nhà Nguyễn, có đoạn ghi về Trường Sa (thời nhà Lý): “Năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 1 (1044), nhà vua tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành, thuyền qua của biển Đại Ác (tức Đại Nha) bỗng sóng gió ngừng bặt. Nhà vua ra lệnh đổi tên thành Đại An. Đến núi Ma Cô, qua vũng Não Hà, có đám mây che, nên thuyền vượt qua được hai đảo Trường Sa lớn và Trường Sa bé, thẳng đến cửa biển Ô Long... Đại tiểu Trường Sa, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi như sau: Bờ biển kéo dài từ cửa Nhật Lệ đến cửa biển Minh Linh, gọi là Đại Trường Sa, tử cửa Việt đến cửa Tư Dung gọi là Tiểu Trường Sa”…

 

Sẽ xuất bản bằng tiếng Anh

 

Đúng như nhận định của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tại buổi ra sách: “Đây là những tư liệu rất có giá trị khoa học, trong đó có nhiều tài liệu gốc lần đầu công bố, sẽ là căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động khẳng định chủ quyền cũng như để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”… 

 

Đại diện Ban biên  tập cũng cho biết, sắp tới cuốn sách này sẽ dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, để đưa tới cho bạn bè quốc tế những tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư liệu Hán Nôm đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động