TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục KTVB Bộ Tư pháp: Chất lượng văn bản ban hành phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm của cán bộ làm chính sách

Mai Thoa (thực hiện)| 31/12/2014 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với 530 văn bản vi phạm các quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về tính hợp hiến, hợp pháp đã ban hành là kết quả mà Cục Kiểm tra văn bản (KTVB), Bộ Tư pháp đã rà soát và công bố trong năm 2014.

Việc ban hành những văn bản sai sót đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (KTVB) Bộ Tư pháp về thực trạng này.

PV: Ông có thể cho biết kết quả kiểm tra văn bản trong năm vừa qua của đơn vị mình?

TS. Lê Hồng Sơn: Trong năm qua (từ tháng 1/2014 đến ngày 20/11/2014), Cục KTVB đã tiến hành kiểm tra 1.934 văn bản (gồm 589 văn bản cấp Bộ và 1.345 văn bản của địa phương). Kết quả bước đầu phát hiện 530 văn bản vi phạm các quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP (trong đó có 58 văn bản của cấp Bộ, 472 văn bản của địa phương). Cụ thể: Có 38 văn bản sai về nội dung; 5 văn bản sai về thẩm quyền; 47 văn bản sai về hiệu lực; 4 văn bản sai về hình thức và về căn cứ pháp lý; thể thức và kỹ thuật trình bày có 436 văn bản sai, quan trọng là các văn bản sai về nội dung, thẩm quyền và căn cứ pháp lý, hiệu lực cần phải xử lý nghiêm. Các văn bản sai về thể thức có thể đính chính và chấn chỉnh, rút kinh nghiệm tại các cơ quan ban hành văn bản.

Từ tháng 1/2014 đến nay, Cục KTVB cũng đã tham mưu cho lãnh đaọ Bộ thành lập các Đoàn công tác liên ngành trực tiếp thực hiện việc kiểm tra văn bản tại 13 địa phương: Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Lắk, Lâm Đồng… và các Bộ: TN&MT, VH,TT&DL, Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, trên cơ sở theo dõi tình hình ban hành, xử lý văn bản QPPL của các địa phương, Cục KTVB đã chủ động tổ chức ba đoàn kiểm tra tại ba tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh về một số văn bản có dấu hiệu trái luật được báo chí và dư luận quan tâm.

Đặc biệt, trong năm 2014, Cục KTVB đã thực hiện kiểm tra theo chuyên đề văn bản QPPL về kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, chuyên về bán đấu giá tài sản do các Bộ, ngành và địa phương ban hành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục KTVB Bộ Tư pháp: Chất lượng văn bản ban hành phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm của cán bộ làm chính sách

TS. Lê Hồng Sơn

PV: Qua kiểm tra phát hiện nhiều văn bản sai như vậy, Cục KTVB đã tiến hành những biện pháp nào đối với các địa phương, thưa ông?

TS. Lê Hồng Sơn: Sau khi kiểm tra phát hiện ra những sai sót, Cục KTVB đã kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác soạn thảo, ban hành văn bản. Trao đổi, làm rõ các văn bản có dấu hiệu vi phạm về nội dung, thẩm quyền, hiệu lực, đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, xử  lý và thông báo kết quả về Bộ Tư pháp như trên đã nói. Đối với những văn bản sai về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, sai về căn cứ pháp lý thì đề nghị cơ quan ban hành xem xét, rút kinh nghiệm, đảm bảo ban hành văn bản đúng quy định của pháp luật. Sau đó, lãnh đạo các cơ quan cấp Bộ hay UBND các tỉnh đều đã chỉ đạo khắc phục những hạn chế như đã nói ở trên.

Trong tổng số 530 văn bản có dấu hiệu vi phạm các quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010 mà Cục KTVB đã phát hiện, Cục KTVB đã ra thông báo yêu cầu tự kiểm tra, xử lý theo quy định đối với 68 văn bản sai về nội dung và thẩm quyền ban hành văn bản, đồng thời thường xuyên đôn đốc các cơ quan ban hành văn bản xử lý các văn bản có nội dung trái luật đã được thông báo. Nhìn chung, sau khi nhận thông báo của Cục KTVB thì hầu hết các cơ quan ban hành văn bản đều có văn bản trả lời và đưa ra hướng khắc phục, xử lý, hoặc có kế hoạch xử lý theo quy định. Đáng chú ý, số lượng văn bản sai được phát hiện kỳ này, kể cả sai nhỏ (thể thức, câu chữ) lẫn sai lớn (trái quy định cấp trên, trái thẩm quyền…) là tương đối nhiều, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 số các văn bản đã được kiểm tra. Số văn bản có nội dung trái quy định cấp trên, trái thẩm quyền chiếm tỷ lệ ít hơn nhiều, chỉ khoảng 3% trong tổng số văn bản đã được kiểm tra. Vấn đề quan trọng là phải tìm cho được, xử lý nghiêm và có giải pháp khắc phục để các văn bản QPPL được ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ và tính khả thi.

PV: Từ thực tế trên cho thấy, số lượng văn bản có dấu hiệu trái luật phát hiện hàng năm vẫn tăng, vậy theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này và phải khắc phục như thế nào?

TS. Lê Hồng Sơn: Nhiều lần tôi đã nói, việc ban hành văn bản sai có nhiều lý do, từ nhận thức, trình độ, thái độ trách nhiệm cho đến cách thức, cơ chế còn nhiều bất cập, kẽ hở. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng. Để khắc phục tình trạng này cần chú ý cả một loạt giải pháp từ khâu lựa chọn nhân tài đến khâu đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, quản lý con người trong bộ máy công quyền.

Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, quá trình chuẩn bị dự thảo, cán bộ nắm thực tiễn chưa chắc chắn, còn mơ hồ, tầm hiểu biết hạn chế, không đầy đủ, thấu đáo dẫn đến lúng túng trong hoạch định chính sách. Kinh nghiệm, bản lĩnh cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản, chính sách đó còn hạn chế, yếu kém.

Bên cạnh đó, có một thực tế hiện nay là khi xây dựng văn bản, thường cấp trên hay “khoán trắng” cho cấp dưới làm, cấp dưới lại giao tiếp cho chuyên viên thực hiện. Cứ nói là văn bản của Bộ nọ, Bộ kia, tỉnh nọ, tỉnh kia, cuối cùng, nhiều khi chỉ một nhóm chuyên viên chuẩn bị và một số không ít trong đó là những người “ăn chưa no, lo chưa tới”, trình độ kinh nghiệm của một số có thể nói là còn hạn chế, non kém, rồi quy trình lại vội vàng, gấp gáp, thành ra việc nghiên cứu, phản biện nhiều khi chưa thật kỹ càng, thấu đáo.

Chúng ta phải biết rằng, thực tiễn xã hội luôn sống động, đa dạng và phức tạp, việc nắm bắt được thực tiễn của yêu cầu quản lý để hoạch định chính sách và “phản ánh” nó trong văn bản QPPL rất quan trọng, nhưng đây lại đang là khâu yếu nhất; mà yếu do đâu thì như tôi đã phân tích ở trên. Trình độ, bản lĩnh, nhận thức và đưa ra những chính sách cơ bản có tính vĩ mô để quản lý không phù hợp, đúng đắn dẫn đến nội dung văn bản sẽ bị hạn chế hoặc sai. Dư luận cũng nói nhiều đến yếu tố lợi ích nhóm, ngành chi phối các nội dung, chính sách của văn bản.

Bên cạnh đó là cơ chế phối hợp lấy ý kiến của các chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp bây giờ cũng không thực sự được chú trọng. Lấy ý kiến một cách hình thức, mặc dù cũng có hạn chế về mặt thời gian, kinh phí thực hiện, nên chính sách dự kiến trong dự thảo văn bản đó không đủ độ chín. Có tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thi hành nhiệm vụ một cách hời hợt, có phần cơ hội, thực dụng thậm chí còn tình trạng làm dối, nói dối, một số người còn nói là hiện tượng “ăn cắp vặt” trong khi thi hành công vụ, thực hiện công việc qua loa, đối phó.

Việc thi hành công vụ nếu tận tâm, tận lực, có trách nhiệm sẽ khác. Có chuyện kêu thiếu kinh phí, đúng là có thiếu kinh phí thật, nhưng vẫn còn hiện tượng lạm dụng như tùy tiện xin chữ ký khống của đại biểu dự hội nghị, hợp thức hóa chứng từ để giải ngân. Trong khi thực chất chi cho nội dung, yêu cầu công việc chỉ một phần thôi. Lãng phí cũng là vấn đề rất đáng quan ngại. Làm hời hợt, đối phó đương nhiên kết quả sẽ không phản ánh đúng thực tế và tình trạng này không còn là hiện tượng cá biệt trong bộ máy hoạch định chính sách, làm thể chế văn bản rất cần phải được chấn chỉnh một cách nghiêm túc để bộ máy vận hành chuyên nghiệp, trung thực, hợp ý Đảng, lòng dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục KTVB Bộ Tư pháp: Chất lượng văn bản ban hành phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm của cán bộ làm chính sách