Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Mỗi phi công khi xông vào trận chiến đã là anh hùng

Ý Thơ| 19/12/2014 13:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến tranh đã thử thách mình, đã tôi luyện mình. Sẽ không có một trường đại học, một học viện quân sự nào giúp mình tiến bộ nhanh được bằng những cuộc chiến đấu vẻ vang trên đất nước thân yêu này”...

Cách đây hơn 40 năm (cuối tháng 12/1972), quân dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh lân cận và bộ đội Phòng không - Không quân đã làm nên một chiến tích kỳ diệu: Đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô chưa từng có trong lịch sử, chủ yếu bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, là chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mãi mãi là biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, là bài học lịch sử giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam về vai trò của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam trong chiến đấu cũng như trong tương lai, về những năm tháng hào hùng, về những đồng đội một thời vào sinh ra tử…

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Mỗi phi công khi xông vào trận chiến đã là anh hùng

Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

Bảo vệ mục tiêu trong lãnh thổ - Nhiệm vụ quan trọng của Không quân

PV: Thưa ông, lực lượng Không quân Việt Nam ra đời khá muộn so với các đơn vị khác của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vậy ông có thể cho độc giả, đặc biệt là những bạn trẻ, biết hoàn cảnh ra đời của lực lượng đặc biệt này?

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Lực lượng không quân ra đời muộn hơn so với các đơn vị khác. Ngày 03/3/1955, Ban Nghiên cứu Sân bay trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu được chính thức thành lập, về sau được lấy làm ngày truyền thống của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Một năm sau, tháng 3/1956, 110 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban nghiên cứu sân bay được cử đi nước ngoài học tập. Đoàn học lái máy bay tiêm kích MiG-17 có 50 người, do đồng chí Phạm Dưng làm trưởng đoàn được cử sang học tại Trung Quốc. Về sau, ông được giao nhiệm vụ phụ trách nhóm huấn luyện máy bay vận tải Li-2 và trực thăng Mi-4. Đoàn học lái máy bay tiêm kích MiG-17 giao lại cho đồng chí Đào Đình Luyện phụ trách.

Cuối năm 1961, đoàn học viên không quân chiến đấu đầu tiên của Việt Nam được đưa sang Liên Xô học. Đoàn học lái tiêm kích có hơn 100 học viên. Đây cũng là đoàn học viên phi công đầu tiên của Việt Nam tới Liên Xô.

Ngày 30/5/1963, đơn vị không quân Tiêm kích đầu tiên được thành lập mang số hiệu Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921, mật danh là Đoàn không quân Sao Đỏ. Trung đoàn được trang bị 33 máy bay tiêm kích MiG-17 và 3 máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-15UTI, do Trung tá Đào Đình Luyện làm Trung đoàn trưởng. Căn cứ đóng quân của Trung đoàn tại sân bay Mông Tự, Trung Quốc.

Tuy nhiên, mãi đến 03/02/1964, lễ ra mắt Trung đoàn không quân đầu tiên mới được tổ chức tại Mông Tự, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” và cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ vào một số mục tiêu trên miền Bắc ngày 05/8/1964, ngày 06/8/1964 của Trung đoàn Không quân 921 đã bay chuyển sân về sân bay Nội Bài để làm nhiệm vụ chiến đấu.

Năm 1965, trước nguy cơ Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Đảng, Nhà nước ta đã sớm nhận thức được vai trò của không quân nên đã quyết định cần phát triển thật nhanh lực lượng không quân, điển hình là trong năm đó đã cử 250 học viên đi học lái máy bay chiến đấu.

Cụ thể sang ở Liên Xô 120 người, sang trường không quân của Trung Quốc 70 người và trường không quân của Việt Nam 50 người. Năm 1968, đội ngũ phi công này tốt nghiệp về nước. Nhờ lực lượng này, nên đã có đủ lực lượng để thành lập thêm một trung đoàn không quân trang bị Mig-19 (năm 1969) và một trung đoàn Mig-21 (năm 1972).

PV: Đặc điểm của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến đấu là tác chiến hiệp đồng. Vậy Lực lượng Không quân có vai trò như thế nào trong tác chiến, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Đặc điểm của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và của Quân chủng Phòng không - Không quân trong chiến đấu là tác chiến hiệp đồng nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng lực lượng. Ba lực lượng tác chiến chủ yếu bao gồm pháo cao xạ, tên lửa và máy bay chiến đấu. Pháo cao xạ bảo vệ các trọng điểm, tên lửa bố trí ở những hướng địch vào đánh ở bánh kính rộng hơn, cách khoảng 30 - 60 km trở lại. Không quân thì đánh địch từ biên giới cho đến vùng hỏa lực đó.

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong tác chiến phòng không là bảo vệ cho được mục tiêu, không để địch lọt được vào đánh phá các mục tiêu đó. Khi địch bay từ xa vào thì lực lượng không quân cất cánh đánh chặn từ xa, nhằm vào các tốp máy bay ném bom của địch khi vào đến vùng hỏa lực của tên lửa, máy bay của ta thoát ly, bay xuống thấp để bộ đội tên lửa đánh.

Và nếu máy bay địch tiến đến sát mục tiêu thì sẽ nhiệm vụ đánh trả sẽ thuộc về cao xạ. Nhờ có các phương án tác chiến hiệp đồng chặt chẽ và khoa học nên trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Bắc, bộ đội Phòng không - Không quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

PV: Trong trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, vai trò của Lực lượng Không quân được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Trước khi dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác, phía Mỹ cho rằng với hệ thống gây nhiễu nhiều chủng loại đang có, họ có thể vô hiệu hóa hệ thống tên lửa phòng không của ta do rađa không bắt được mục tiêu.

Lực lượng có thể tấn công B-52 chỉ có thể là không quân ta. Vì vậy, ngay từ chập tối 18/12/1972, không quân Mỹ đã đánh phá tất cả các sân bay nhằm ngăn không để các máy bay Mig có thể xuất kích. Điều bất ngờ với phía Mỹ đã xảy ra, bằng kinh nghiệm chiến đấu dày dạn và khả năng sáng tạo, bộ đội tên lửa đã trở thành lực lượng nòng cốt tiêu diệt B-52 của địch.

Do cần tập trung đánh các mục tiêu chủ yếu là B-52 vào ban đêm nên ban ngày tên lửa thường ngụy trang, cất giấu. Ban ngày, hàng trăm các máy bay F-4 cỉa địch ra sức lùng sục và tấn công các trận địa tên lửa. Bộ đội không quân dược giao nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết đều phải xuất kích đánh địch và đã góp phần bảo vệ thành công lực lượng tên lửa của ta.

Ngoài ra, không quân ta cũng đã xuất kích ban đêm, đánh nhiều trận, xua đuổi, buộc B-52 phải ném bom ngoài mục tiêu và đã bắn hạ được 2 chiếc B-52.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Mỗi phi công khi xông vào trận chiến đã là anh hùng

Hình ảnh không thể nào quên. Ảnh: Tư liệu

PV: Ông có thể chia sẻ về vai trò, nhiệm vụ của Lực lượng Không quân trong hiệp đồng tác chiến trong tương lai?

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Trong tác chiến tương lai, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc không chỉ trên đất liền nữa mà bao gồm cả vùng biển mênh mông. Vai trò hiệp đồng tác chiến hết sức quan trọng, trong đó đặc biệt là yêu cầu hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội không quân và bộ đội hải quân. Yêu cầu của hiệp đồng tác chiến là phát huy thế mạnh và khắc phục được các điểm yếu của mỗi lực lượng.

Mỗi phi công khi xông vào trận đã là anh hùng

PV: Về đại đội 3 Trung đoàn 972 của mình, ông có kỷ niệm gì đặc biệt?

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Đầu năm 1972, do nhu cầu phát triển lực lượng chỉ huy, Trung đoàn 921 được tách ra và thành lập Trung đoàn Không quân 927, trang bị máy bay Mig-21. Trung đoàn 927 có hai đai đội là đại đội 3 và đại đội 9.

Hai đại đội của Trung đoàn đã bắn rơi 43 trên tổng số 83 máy bay Mỹ bị không quân ta bắn rơi năm 1972, trong đó đại đội 3 có hiệu suất chiến đấu rất cao, bắn rơi được 29 máy bay và 6 phi công được tuyên dương anh hùng, hầu hết phi công trẻ đều bắn rơi máy bay, có những phi công đầu tháng 9 mới chuyển loại lên từ Mig-17 lên Mig-21, tháng 11 về đại đội, tháng 12 tham gia chiến đấu đã bắn rơi máy bay.

Số phi công tham gia chiến đấu và trở thành anh hùng rất nhiều. Nhưng ngày xưa quy định rất chặt chẽ, phi công phải bắn rơi 5 máy bay trở nên mới được phong tặng anh hùng.

Bản thân tôi nghĩ bất kỳ phi công nào khi xông vào trận đã là anh hùng, bắn rơi 1 chiếc cũng xứng đáng là anh hùng… Giữa vòng vây của máy bay địch, lằn ranh giữa sống và chết không thể xác định được.

PV: Trong đại đội 3, người đồng đội nào để lại cho ông kỷ niệm sâu sắc nhất ạ?

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Tôi rất mừng là mới đây Nhà nước đã truy tặng danh hiệu anh hùng cho phi công Ngô Duy Thư. Trong năm 1972, anh Thư bay số 2 trong biên đội do tôi chỉ huy. Chúng tôi đánh ba trận cùng nhau, tôi bắn rơi 3 chiếc, còn anh bắn rơi 2 chiếc F-4 của Mỹ.

Trong một trận đánh khác, anh bắn thêm 1 chiếc F-4 nữa, vậy là anh bắn hạ được 3 F-4. Rất tiếc là anh đã hy sinh trong một chuyến bay huấn luyện năm 1979. Có thể nói anh là một phi công giỏi. Chúng tôi hiểu ý nhau, lâm trận thấy có điều kiện tiêu diệt địch là tấn công.

Xin cảm ơn ông!

Những dòng nhật ký

Không khí cuộc nói chuyện trở nên trầm lắng hơn khi ông lần giở từng trang nhật ký một thời theo ông vào sinh ra tử. Cầm một cuốn ông bảo: “Cháu biết vì sao nó lại sờn màu thế này không? Là vì khi đi chiến đấu lúc nào bác cũng để trong túi áo bay mang theo mình. Để nếu như mình có ra đi thì nó cũng đi theo mình…”.

Tôi hỏi: “Bác có ý định viết hồi ký không ạ?”, ông trả lời: “Hồi ký là lại áp đặt suy luận, ý nghĩ hiện tại của mình với quá khứ. Mà lấy ý nghĩ hiện nay để lắp vào những cảm xúc ngày xưa thì không còn đúng nữa. Những dòng nhật ký này là cảm xúc, là bằng chứng của một thời… cháu ạ”.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Mỗi phi công khi xông vào trận chiến đã là anh hùng

Một trang nhật ký của Trung tướng Nguyễn Đức Soát

Ngày… (viết về Đại đội 3 Trung đoàn 927)

Thật không còn lời nào đẹp hơn để ca ngợi nữa. Những tiêu đề của báo quân đội nhân dân viết: “Một tập thể kiên cường, dũng cảm tuyệt vời, sục sôi ý chí tiến công, đã đánh là thắng, thắng liên tục, càng đánh càng mạnh, xây dựng giỏi, chiến đấu giỏi, sang tạo được nhiều cách đánh có hiệu suất cao. Đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, mọi người đều lập công vẻ vang”.

Ngày…

Chưa bao giờ Hà Nội, miền Bắc phải chịu một thử thách lớn lao quyết liệt như thế nào. Cũng chưa bao giờ Hà Nội viết được những trang sử chói lọi chiến công và lòng dũng cảm như những ngày qua. Một bài hát cứ vang lên mãi trong lòng Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.

Ngày…

Chiến tranh đã thử thách mình, đã tôi luyện mình. Sẽ không có một trường đại học, một học viện quân sự nào giúp mình tiến bộ nhanh được bằng những cuộc chiến đấu vẻ vang trên đất nước thân yêu này.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Mỗi phi công khi xông vào trận chiến đã là anh hùng