Trạm quân y trên đỉnh Giăng Màn

congly.com.vn| 13/04/2012 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày cuối năm, đỉnh Giăng Màn trùng điệp giữa mây ngàn sương trắng. Ngọn núi ấy là nơi khởi nguồn của hai dòng nước, một đổ về triền Đông trên đất Việt mang tên Ngàn Phố, dòng nước anh em là Nậm Tuồng xuôi cánh Tây về vùng đất Triệu Voi, bền bỉ mang trong mình biết bao trầm tích văn hóa của hai dân tộc Việt - Lào.

Cuối năm 2007, trạm quân y bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cớt, tỉnh Bolykhamsay nước Cộng hòa nhân dân Lào do Đồn biên phòng Cầu Treo, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh xây dựng bên dòng Nậm Tuồng được khánh thành trong niềm vui chung của quân dân hai miền biên giới. Và, trở thành trạm quân y duy nhất của ta xây trên nước bạn, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết Việt - Lào keo sơn, gắn bó.


Trong màn sương mù dày đặc, chiếc xe U oát của chúng tôi vẫn lầm lũi chạy giữa những cánh rừng nguyên sinh rậm rịt, anh Sáng Phử, Công an huyện Căm Cớt kể, từng có những cán bộ của huyện Căm Cớt xuống xây dựng, củng cố cơ sở chính quyền địa phương trước đây ở Thoọng Pẹ than rằng: “Vào được nhà người Mông ở Thoọng Pẹ khó như đi vào rừng, khuyên được người Mông đừng trồng cây thuốc phiện khó bằng xuống dưới khe sâu, bảo được người Mông khi ốm đau đừng cúng con ma rừng mà phải đi bệnh viện khó hơn trèo lên đỉnh núi. Khó thế mà BĐBP Việt Nam làm được. Giờ người Mông ở Thoọng Pẹ đi đâu, làm gì thì khéo chỉ có Giàng biết và… BĐBP Việt Nam biết”.

Một góc Thoọng Pẹ


Thoọng Pẹ đang mùa hoa sở nở trắng trời, những nếp nhà yên bình nằm trên sườn đồi thoai thoải như báo hiệu sự no ấm, yên vui. Trước cửa nhà Trưởng bản Nềnh Pá Sồng, bà con đã đến rất đông để chào đón khách. Tất cả đều chắp tay trước ngực đầy trọng thị: “Săm-bai-đi ! Mạnh khoẻ chứ!...” tiếng Lào, tiếng Việt xen trong cái bắt tay ấm áp đằm thắm, thân quen như người thân gặp lại.


Đi từ đầu bản đến cuối bản mới thấy, hầu hết người lớn, trẻ em ở Thoong Pẹ đều nói được dăm ba câu tiếng Việt. Riêng các vị chức sắc lãnh đạo bản và các tổ chức, đoàn thể của bản thì đều rất thạo tiếng Việt. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc của bản vốn gốc là người Mông ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An di cư sang đây từ đầu những năm 60 nói rành rẽ từng lời: "Nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi rất biết ơn Bộ đội Biên phòng Việt Nam, biết ơn Thào (anh) Hải, Thào Hùng, Thào Phương, Thào Sơn… lắm. Không có thầy thuốc biên phòng và trạm quân y thì dân bản mình còn khổ vì cái bệnh, còn khổ vì cúng ma"


Bằng giọng nói ấm áp mang ngữ điệu miền Trung, Trung tá Võ Trọng Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho chúng tôi biết thêm nhiều điều về vùng đất ngoại biên mà các anh đang dốc lòng giúp đỡ. Lịch sử ghi lại, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường 8A từ Hồng Lĩnh tới ngã ba Thoọng Pẹ là một trong những con đường vận chuyển chiến lược của ta vào chiến trường miền Nam qua đất bạn Lào. Những đôi vai trần của bao chàng trai, cô gái Thoọng Pẹ năm xưa đã sát cánh cùng bộ đội Việt Nam tạo nên những cây cầu tre bắc trên vai người để hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men vượt qua truông, qua suối, chuyển vào tuyến lửa. Rồi những ngày tháng sau đó, nhân dân Thoọng Pẹ cũng là những người đầu tiên đổ ra đường chào đón hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu vì đất nước và nhân dân Lào anh em. Nghĩa tình ấy, miền đất ấy, con người ấy thì không quý, không thương sao được!?

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm quân y Thoọng Pẹ đang khám bệnh cho một em bé Lào.


Dân Thoọng Pẹ đa số là người Mông sống xen cư với một số hộ người Lào. Ngày trước, đồng bào sống chủ yếu nhờ vào cây thuốc phiện và làm nương rẫy nên đời sống khó khăn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn có nhiều biến động. Năm 2003, BĐBP đồn Cầu Treo phối hợp cùng Đồn Công an Nậm Phao (Lào) giúp dân bản phát triển kinh tế, văn hóa, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Cũng từ đó nương rẫy của người dân Thoọng Pẹ có bạt ngàn hoa gừng nở đỏ thay cho hoa anh túc. Những hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi; những căn bệnh truyền đời từng cướp đi sinh mạng bao người dân trong bản được chữa lành; những đối tượng xấu chuyên luồn rừng đến các bản người Mông giáp biên để kêu gọi xây dựng Nhà nước Mông tự trị bị vạch mặt… Từng việc làm đầy ắp nghĩa tình của các anh đã khiến bà con Thoọng Pẹ cảm động và tin tưởng.


Chủ trương xây trạm quân y ở "nơi ghi tạc nghĩa tình từ trước" này là một câu chuyện dài và đầy cảm động về tình quân dân biên giới. Trước đó, mỗi lần trong bản có người ốm bệnh, trưởng bản lại cho người sang báo với Trạm Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo xin được giúp đỡ. Mỗi lần như vậy là quân y của đồn phải vượt hàng chục cây số để sang khám chữa bệnh cho nhân dân nước bạn rồi lại vượt chừng ấy đường đất quay về.


Được xây dựng kiên cố trên đỉnh ngọn đồi cao nhất trung tâm bản, Trạm quân y Thoọng Pẹ có đầy đủ các trang bị y tế cần thiết cho việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người bệnh và một cơ số thuốc dự trữ đủ dùng trong một năm. Ba y sỹ quân y của đồn được giao nhiệm vụ cắm chốt tại trạm, thường trực khám chữa bệnh, sơ cấp cứu miễn phí cho bà con. Trong trường hợp bệnh nhân có chuyển biến xấu, các anh sẽ giới thiệu đi các bệnh viện ở Hà Tĩnh và Nghệ An để cứu chữa. Từ chỗ được xây dựng để khám, chữa bệnh miễn phí cho bản Thoọng Pẹ, đến nay trạm y tế này trở nên quá tải khi bà con nhân dân ở nhiều bản khác trong huyện Căm Cớt và các huyện lân cận của nước bạn Lào cũng tìm đến đây để chữa bệnh.


Điều thú vị là ở trạm quân y đặc biệt này, bệnh nhân không cần quan tâm đến giới hạn địa chính, không lo bị phân tuyến, có thể đến trạm xá bất cứ lúc nào mà không cần có bảo hiểm y tế hay giấy giới thiệu và khi đi khám bệnh lại càng không phải lo đến chuyện tiền nong... Người bệnh sau khi khám không thể dùng đơn thuốc hướng dẫn như thông thường mà các y sỹ phải chia các loại thuốc theo từng ngày rồi cho vào từng túi nilon nhỏ. Đến hẹn, nếu không thấy bệnh nhân đến tái khám thì các y sỹ phải thay nhau tìm đến nhà bệnh nhân để kiểm tra.


Nếu ở những trạm xá nội địa khác, người bệnh phải cầu cứu bác sỹ thì ở đây, họ nói tỉnh bơ rằng: "Con tao nó ốm thì tao đem đến cho "thàn mỏ Việt Nam" (Bác sỹ Việt Nam) chữa thôi. Tao không cúng ma nữa, nên nhớ phải chữa khỏi cho con tao đấy". Thậm chí có trường hợp như gia đình anh Tềnh Phồng thì còn "oai" hơn, khi đưa vợ đến chữa bệnh sốt rét tại trạm, anh còn mặc cả trước rằng: " Nếu "thàn mỏ" không đuổi được bệnh trong người vợ tao đi, để vợ tao chết thì tao cũng bỏ bản đi nơi khác sống thôi". Ở trạm quân y Thoọng Pẹ, những trường hợp như anh Tềnh Phồng cũng chẳng phải là chuyện hiếm...


Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng - Trạm trưởng Trạm quân y Thoọng Pẹ cho biết, các loại bệnh thường gặp ở đây chủ yếu là các bệnh đường ruột, sốt rét và bệnh phụ nữ do ý thức sinh hoạt của bà con rất tuỳ tiện, ăn uống mất vệ sinh… Được biết, người trạm trưởng quân y này có một bản lý lịch cũng khá ấn tượng trong việc lăn lộn chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới.


Chuyện chữa bệnh cho bà con ở Thoọng Pẹ cũng có bao nhiêu điều để kể. Năm 2008, Thiếu tá Hùng đã cùng với anh em trong trạm chữa khỏi bệnh cho Ông Clông - thầy mo giỏi nhất bản - khi đó đã 70 tuổi. Chữa trị cho người bệnh bình phục đã là một niềm vui, nhưng trong trường hợp này, niềm vui ấy còn nhân lên gấp bội khi ông Clông đi đâu cũng nói với dân bản khi ốm đau phải đến trạm xá chứ không được cúng con ma rừng như trước nữa. Đến nay thì hầu hết các thầy mo đều đã bỏ nghề.


Rồi trường hợp của bà Con Khăm ở bản Na Pê lân cận cũng là cơ hội để các anh củng cố niềm tin với nhân dân. Do bà bị ốm lâu ngày, lại điều trị hết rất nhiều tiền mà vẫn không lành, bệnh viện huyện Căm Cớt trả về cho gia đình để chờ làm ma. Được người thân mách, các con bà đưa sang trạm quân y với hi vọng còn nước còn tát. Sau khi thăm khám và cho thuốc, sang ngày thứ 3, bà đã cắt sốt và có dấu hiệu phản ứng tích cực. Hiện nay, bà đã có thể đi nương rẫy bình thường. Mỗi lần có việc đi qua Thoọng Pẹ, bà đều mang mớ rau, nắm chè lên thăm Thào Hùng, Thào Phương (trong tiếng Việt nghĩa là anh Hùng, anh Phương) vì nhớ cái ơn cứu mạng.


Thoắt cái đã hơn 4 năm làm nhiệm vụ tại Trạm quân y Thoọng Pẹ, những quân y như y sỹ Hùng, y sỹ Phương, y sỹ Sơn. Ba năm sống trong tình hữu nghị, đoàn kết Việt Lào anh em, ba năm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân nước bạn đủ để thấy các anh đã đặt toàn bộ hoài bão, tâm huyết của mình vào vùng đất này. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng sự ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân trong bản đã làm ấm lòng người chiến sỹ. Các anh được bà con nơi đây coi là người “con của bản” - một danh dự mà người Mông thường tuyệt đối không bao giờ dành cho người ngoại tộc, trừ những người có công cứu dân tộc mình.


Chia tay các anh khi ngày Tết của dân tộc Mông còn chuyếnh choáng men rượu ngô và những cánh mai vàng trên biên giới phía Tây cũng bắt đầu thắm sắc. Như mọi năm, năm nay, những người lính quân y “ nơi ghi tạc nghĩa tình từ trước” phải chia nhau trực nên gia đình vắng bóng các anh khi Tết đến, xuân về.


Dòng Nậm Tuồng sẽ in bóng các anh, những người lính tình nguyện thời bình!

Trung Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạm quân y trên đỉnh Giăng Màn