Trách nhiệm xã hội của báo chí là thông tin chính xác, khách quan, đúng định hướng

Khôi Anh| 04/10/2016 09:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên thực tế, có không ít các tờ báo, trang tin điện tử đăng tải những bài viết có nội dung sai phạm trong thông tin.

Ngày 3/10/2016, Bộ TT&TT đã ra Quyết định số 1702/QĐ-BTTTT với nội dung đình bản tạm thời Báo điện tử Petrotimes trong thời hạn 3 tháng “vì báo đã để xảy ra sai phạm trong hoạt động báo chí, bị cơ quan chủ quản đề nghị tạm đình chỉ hoạt động”. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 3/10. Sau khi hết thời hạn đình bản tạm thời, Bộ TT&TT sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục xuất bản Báo điện tử Petrotimes theo các quy định của pháp luật về báo chí.

Trách nhiệm xã hội của báo chí là thông tin chính xác, khách quan, đúng định hướng

Quyết định đình bản báo điện tử Petrotimes của Bộ Thông tin và Truyền thông

Luật báo chí đã quy định rõ ràng, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân. Chính vì vậy báo chí phải có nhiệm vụ đưa tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân.

Bên cạnh đó, báo chí phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội…

Cùng với các nghĩa vụ và quyền hạn của báo chí, Luật cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trên báo chí.

Trên thực tế hoạt động báo chí hiện nay, có rất nhiều những sai phạm về nội dung thông tin đã được đăng tải, phát hành trên báo chí. Điều này phần nào lý giải cho việc có không ít độc giả đã “quay lưng” lại với báo chí.

Tại Điều 10 của Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999, Điều 5 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí đã có quy định về những điều không được thông tin trên báo chí. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy, đã có không ít bài viết vô tình hoặc cố tình “đi chệch” định hướng chính trị, thông tin sai trái, lệch lạc về quan điểm, tư tưởng. Thực tế, có nhiều nhà báo, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chưa ý thức được rõ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình.

Điều 10. Những điều không được thông tin trên báo chí

Để quyền tự do ngôn luận trên báo chí được sử dụng đúng đắn, báo chí phải tuân theo những điều sau đây:

1. Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;

2. Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác;

3. Không được tiết lộ bí mật Nhà nước: bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

4. Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Có những bài viết thậm chí còn xuyên tạc lịch sử, thỏa hiệp với nhiều quan điểm, luận điệu sai trái… Tất nhiên, hầu hết các báo này khi vi phạm đều đã bị Bộ TT&TT xử lý cả cá nhân và tập thể.

Và mặc dù những sai phạm này không phổ biến, nhưng lại là sai phạm nghiêm trọng nhất, bởi nó có thể khiến công chúng phân tâm, hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá.

Có không ít các cơ quan báo chí còn thiếu thận trọng, thiếu trách nhiệm khi đăng tải thông tin về các vấn đề phức tạp, nhạy cảm gây bức xúc dư luận như các vụ bạo loạn chính trị, xung đột biên giới, hải đảo, vấn đề sắc tộc, tôn giáo…làm nảy sinh mâu thuẫn trong cộng đồng, làm phức tạp thêm tình hình, gây bất ổn chính trị, văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế.

Gần đây, trên một số trang tin điện tử tổng hợp đã có những bài viết tiết lộ thông tin bí mật, vi phạm Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật nhà nước như việc đưa bản đồ Việt Nam trong đó chỉ rõ các địa điểm đóng quân hay các bài viết miêu tả về các loại vũ khí mới, trang thiết bị, lực lượng… của quân đội nhân dân Việt Nam. Những trang tin này ngay sau đó đã bị Ban Tuyên giáo nhắc nhở.

Hành vi sai phạm phổ biến nhất đó là việc đưa thông tin thiếu chính xác, sai sự thật. Thông tin thiếu chính xác đó là việc đưa thông tin có sự sai lệch, thường gây hậu quả ít nghiêm trọng, còn thông tin sai sự thật đó là việc tác giả bài báo tự bịa ra hoặc khai thác từ những nguồn tin sai lệch, gây hậu quả nghiêm trọng.

Những sai phạm này thường rơi vào việc đưa thông tin về các loại thực phẩm, các loại thuốc chữa bệnh như việc hoa quả ngâm hóa chất, ăn bưởi bị ung thư,… khiến người tiêu dùng hoang mang, người sản xuất rơi vào cảnh khốn khó vì những tin đồn thất thiệt.

Còn có rất nhiều các sai phạm phổ biến khác như: thông tin sai, bịa đặt, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là với các cán bộ cấp cao. Hay việc các báo khai thác đậm nét về các vụ án mạng, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác, giật tít câu view; khai thác các thông tin kỳ bí, mê tín dị đoan, đồn thổi không có căn cứ, cơ sở hoặc đăng tải các bức hình dung tục, khiêu dâm; xâm phạm đời tư của cá nhân các nhân vật nổi tiếng…, những sai phạm này chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp.

Để xảy ra sai phạm, trước hết là do nhận thức, bản lĩnh chính trị của các phóng viên, nhà báo, do chuyên môn yếu kém, áp lực về thông tin, chỉ tiêu, áp lực câu “view” để thu hút quảng cáo….

Và để siết chặt quản lý báo chí cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, nhà báo trong hoạt động báo chí, Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, trong đó có quy định rõ ràng những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí và những vi phạm sẽ bị rút giấy phép hoạt động.

Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, nhà báo, phóng viên... có hành vi vi phạm các quy định tại Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cũng bị xử lý thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp cơ quan báo chí gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân ngoài việc bị xử phạt như trên còn phải công khai xin lỗi, cải chính trên báo và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trở lại vụ việc của Báo Petrotimes, việc đình bản 3 tháng một tờ báo cũng là lời cảnh báo đối với hoạt động của báo chí nói chung, đặc biệt trong việc đăng tải thông tin và định hướng dư luận xã hội.

Điều 9 của Luật Báo chí sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017:

1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung:

a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;

b) Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Gây chiến tranh tâm lý.

2. Đăng, phát thông tin có nội dung:

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

3. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

5. Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

6. Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

7. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

8. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

9. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

10. In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm xã hội của báo chí là thông tin chính xác, khách quan, đúng định hướng