TP.HCM: Đòi nợ BHXH chẳng lẽ… bó tay?

congly.com.vn| 13/04/2012 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

hgày 12-10, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh sơ kết 9 tháng đầu năm 2011 về công tác thu nộp BHXH. Thực tế cho thấy, số doanh nghiệp nợ đọng, chiếm dụng BHXH trên địa bàn thành phố đang ngày càng gia tăng, trong khi những giải pháp thu nợ lại không mấy hiệu quả.


Theo báo cáo của BHXH thành phố, tính đến 30/9, thành phố đã thu 11.203,69 tỷ tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 74,21% kế hoạch. Cũng trong thời gian trên, các doanh nghiệp đã nợ 1.120,78 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN, trong đó nợ trên 6 tháng (thuộc diện khó đòi) chiếm đến 21,71 %.


Từ năm 2008 đến 6-2011, toàn hệ thống BHXH thành phố đã khởi kiện 265 đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH kéo dài với số nợ theo đơn khởi kiện là 120 tỷ đồng, đã thu hồi trên 57% số nợ. Riêng 9 tháng năm 2011, thành phố đã khởi kiện 117 doanh nghiệp với gần 40 tỷ đồng tiền nợ, thu hồi được 15 tỷ đồng (đạt 37,5%). Việc khởi kiện được coi là giải pháp cuối cùng sau những quyết định xử phạt hành chính không mấy kết quả. Công tác khởi kiện hiện đang dần trở thành một nghiệp vụ công tác thường xuyên của BHXH trên lĩnh vực thu nộp BHXH.

Đại diện doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động tại BHXH TP.HCM. Ảnh: SGGP

Tuy nhiên, đi kèm với quyết tâm khởi kiện là những thách thức cả về mặt chủ quan lẫn khách quan. Kết quả khởi kiện còn ở mức thấp, số tiền thu hồi được chưa cao. Sự quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp hiện đang bị buông lỏng, đơn vị di chuyển khỏi địa bàn vẫn không xác định được. BHXH quận Bình Thạnh đưa ra một ví dụ đối với Công ty TNHH Khoa Việt: Công ty này bị khởi kiện và đã có bản án của Tòa án nhưng khi BHXH quận đến xác minh điều kiện thi hành án thì mới vỡ ra rằng Công ty đã ngừng hoạt động. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, nơi cấp giấy phép kinh doanh cũng ngỡ ngãng vì chưa thấy Công ty trả giấy phép kinh doanh sau khi giải thể!


Thủ tục khởi kiện cũng không mấy suôn sẻ. Theo BHXH quận 2, khi tiếp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn (cơ quan BHXH) thì Tòa án cần liệt kê đầy đủ các yêu cầu mà nguyên đơn phải cung cấp, tránh tình trạng bổ sung nhiều lần, mất thời gian. BHXH quận 8 đưa ra một ví dụ là việc khởi kiện Công ty TNHH TMDL XNK Thành Công từ năm 2009 đến nay vẫn chưa tiến hành xong. Nợ cũ chưa trả lại sinh nợ mới, dẫn đến cái vòng luẩn quẩn: Thu nợ - nhắc nhở - kiến nghị - khởi kiện – thi hành án.

Một trong những điều kiện để đảm bảo thi hành án là phải xác minh tài sản. BHXH sẽ phải xuống xác minh nhưng không hiếm trường hợp bị doanh nghiệp từ chối tiếp xúc, thậm chí gặp gỡ nhưng lại khai báo tài sản thiếu trung thực. Do vậy án lâu thi hành, chủ doanh nghiệp có cơ hội tẩu tán tài sản, tài sản phát mãi không còn nhiều giá trị, không đủ trả tiền nợ.


Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội danh chiếm dụng BHXH bổ sung chức năng xử phạt trực tiếp cho cán bộ đốc thu BHXH. Hiện, BHXH chỉ có thẩm quyền kiến nghị xử phạt chứ không có thẩm quyền phạt nên không ít doanh nghiệp tỏ ra “coi thường”, dẫn đến nợ kéo dài, dây dưa, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Thời gian tiến hành tố tụng và thi hành án cần được rút ngắn (3 tháng cho 1 hồ sơ), đồng thời bổ sung vào Luật doanh nghiệp quy định tước giấy phép kinh doanh nếu doanh nghiệp chiếm dụng BHXH, BHYT...


Trần Xuân Tình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Đòi nợ BHXH chẳng lẽ… bó tay?