Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm từ siêu dự án giữa lòng hồ Dầu Tiếng

congly.com.vn| 13/04/2012 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày qua, trên diễn đàn báo chí, nhiều nhà khoa học đang ra sức cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm từ nguồn thải của siêu dự án phim trường kết hợp với du lịch sinh thái do Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư trên đảo Nhím - nếu thành hiện thực.

Siêu dự án được chấp thuận giữa lòng hồ


Dự án nằm trên khu đất rộng gần 500ha nằm giữa hồ Dầu Tiếng (một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất ở Việt Nam) thuộc địa bàn xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.


Như Báo Công lý trước đây đã phản ánh, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 526 ngày 17-5-2002 phê duyệt dự án di dời, tái định cư dân trên 4 ấp đảo Lòng hồ Dầu Tiếng (ấp Suối Bà Chiêm, ấp Tà Dơ, ấp Đồng Kèn và ấp Suối Nhím) nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường nước hồ Dầu Tiếng. Công tác di dời dân đến nay vẫn còn một số vướng mắc vì trong quá trình di dời các cơ quan chức năng chưa bố trí được đất sản xuất ở địa điểm mới như tinh thần của Quyết định số 526 của UBND tỉnh Tây Ninh.


Ấy vậy mà vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh lại có văn bản chấp thuận cho việc thực hiện dự án phim trường kết hợp du lịch sinh thái tầm cỡ quốc tế tại khu đảo Nhím, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Dự án có 3 hạng mục chính là: Khu du lịch sinh thái dành cho khách tham quan, ẩm thực, nghỉ dưỡng; khu sản xuất phim và khu hành chính. Đại diện chủ đầu tư đã trình bày phương án bảo vệ môi trường như sẽ có hệ thống cấp thoát nước riêng cũng như hệ thống thu gom, xử lý nước thải, xung quanh đảo sẽ trồng hàng cây xanh cách ly với mục tiêu ngăn chất thải bên trong không chảy ra lòng hồ.

Hồ Dầu Tiếng

Thế nhưng, tại Hội thảo về bảo vệ an toàn hồ Dầu Tiếng vừa tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học có ý kiến lo ngại rằng, siêu dự án này sẽ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cho hồ Dầu Tiếng khi có sự thay đổi về thủy văn.


Hiện nay, đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng do Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (gọi tắt công ty Dầu Tiếng – Phước Hòa) thực hiện. Theo công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa, hồ Dầu Tiếng có diện tích 27.000ha, trải dài trên địa bàn 3 tỉnh là Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh. Hồ có nhiệm vụ cung cấp nước ngọt, điều tiết lũ và đẩy mặn cho vùng hạ lưu sông Sài Gòn, là nguồn nước tưới trực tiếp cho khoảng 65.000 ha và tạo nguồn nước cho hơn 40.000ha ở 5 địa phương là: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Long An, Tp. Hồ Chí Minh.


Nhiều năm qua, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa đã có nhiều văn bản cảnh báo về việc nguồn nước ngày càng ít và nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng. Do hồ “bị cưỡng ép” tiếp nhận nguồn chất thải chưa qua xử lý của nhiều nhà máy sơ chế mủ cao su, nhà máy chế biến sắn tươi, cùng hàng chục trại chăn nuôi trên các phần đất bán ngập ven hồ. Chưa kể, 1.200 lồng nuôi cá có nguy cơ ô nhiễm hữu cơ cao vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia môi trường, khi mực nước hồ hạ xuống 17,28m, thì tại một số khu vực trong lòng hồ xuất hiện mùi hôi thối khó chịu.


Trước mắt, để giải quyết vấn đề này, hồ Dầu Tiếng đã phải bổ sung nguồn nước có dung tích 50m3/giây từ hồ Phước Hòa (lấy nguồn nước của sông Bé). Tuy nhiên để có thể bảo đảm cung cấp đẩy đủ nguồn nước cho sinh hoạt và tưới tiêu trong mùa khô, cũng như đảm bảo chức năng cắt lũ cho hạ lưu khi có mưa to thì cao trình tích nước của hồ Dầu Tiếng cần tăng thêm 2m so với cao độ tích nước hiện hữu là 24,4m.


Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm


Trong khi chất lượng nước hồ Dầu Tiếng đang ngày càng xấu đi thì những thông tin cảnh báo của nhiều nhà khoa học về nguy cơ ô nhiễm từ nguồn thải của siêu dự án phim trường do Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, càng làm dư luận lo ngại.


Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa khẳng định: Không ai đảm bảo được khu vực dự án phim trường kết hợp du lịch sinh thái có tránh được ngập nước hay không. Khi xảy ra sự cố thì tất cả nguồn ô nhiễm trong dự án sẽ tràn ra cộng hưởng với ô nhiễm từ các hoạt động chăn nuôi, sản xuất trên lòng hồ sẽ làm tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ Dầu Tiếng thêm trầm trọng.


Theo GS.TSKH Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi Tp. Hồ Chí Minh: Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi có cửa xả tại Tây Ninh nhưng tác động đến liên tỉnh nên vấn đề an toàn phải đặt lên trên hết. Nếu hồ Dầu Tiếng xảy ra sự cố thì hàng tỷ mét khối nước theo độ dốc của địa hình sẽ tràn về hạ du gây ra thảm họa khó lường, đặc biệt là đối với Tp. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất nước với dân số cư ngụ gần 12 triệu người. “Phải thay đổi tư duy làm dự án kiểu cục bộ địa phương để có tầm nhìn toàn cục vì sự phát triển bền vững của khu vực Đông Nam Bộ với nguồn nước hồ Dầu Tiếng là sẽ nguồn cung cấp chính trong tương lai gần khi mà hệ thống lưu vực sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm và nhiễm mặn…” – GS.TSKH Nguyễn Ân Niên nói.


Theo các nhà khoa học, chúng ta phải có những đánh giá thật khách quan về những bất hợp lý, những được mất đối với hồ Dầu Tiếng khi xây dựng siêu dự án phim trường kết hợp du lịch trên đảo Nhím. Trong điều kiện hiện nay, nên chăng cần giữ nguyên hiện trạng đảo Nhím để có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ Dầu Tiếng thay vì cấp phép đầu tư bằng mọi giá.


Theo Nghị định số 112/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi thì việc xây dựng dự án tại đảo Nhím cần phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ Dầu Tiếng.


Vậy, những cảnh báo của các nhà khoa học và dư luận nhân dân rất cần các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lưu tâm xem xét.

Văn Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm từ siêu dự án giữa lòng hồ Dầu Tiếng