Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và “Một thời Quảng Trị”

13/07/2012 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng năm, cứ gần đến mùa báo ân của đất nước, có một vị tướng lại lặng lẽ tìm về nơi chiến trường Quảng Trị xưa. Nơi ấy, với ông, mỗi cái tên như: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9 Khe Sanh, Tà Cơn, Thành Cổ, sông Thạch Hãn... đã ăn sâu vào trong tâm thức.

Ông là Thượng tướng - Viện sĩ - Tiến sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Từ ký ức hào hùng

Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Huy Hiệu, người con của miền đất quai đê lấn biển Hải Long, Hải Hậu lên đường nhập ngũ. Được sống và chiến đấu qua nhiều đơn vị khác nhau, tình đồng chí đồng đội và bản lĩnh gan dạ, mưu trí đã giúp ông dần trưởng thành qua từng trận đánh. Đặc biệt là những tháng ngày chiến đấu trong Trung đoàn 27, còn gọi là Trung đoàn Đỏ - Nghệ An, sau này là Trung đoàn Triệu Hải đã làm nên một chân dung người lính đầy bản lĩnh trên mặt trận.

Ông đã từng tham gia nhiều trận chiến có thể coi là ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Trị thời bấy giờ như trận đánh xe cơ giới trên đường số 9, đoạn Sa Mưu, cầu Đầu Mầu, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, năm 1971; trận đánh tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài, Tân Kim, Cam Lộ, năm 1970…  

Tại chiến trường Quảng Trị, ông nhớ nhất trận vây ép cứ điểm Cồn Tiên, nơi quân đội Mỹ đã xây dựng thành một trận địa quân sự kiên cố cùng một hệ thống phòng ngự gồm 17 căn cứ bố trí liên hoàn với nhiều hàng rào điện tử, hàng rào bê tông cốt thép. Cùng với các lực lượng quân giải phóng Bắc Quảng Trị, trung đội của Nguyễn Huy Hiệu đã chiến đấu ròng rã suốt 52 ngày đêm, đánh bại các chiến thuật của địch.
Với tư cách là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 27, trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã chỉ huy tiểu đoàn đánh trận mở màn chiến dịch, tiêu diệt một tiểu đoàn và làm thiệt hại một tiểu đoàn ngụy ở cứ điểm 288, 322, cầu Thiện Xuân - Đường 9 - Cam Lộ, bắt sống tên Thiếu tá Hà Thúc Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 quân đội Sài Gòn. Sau đó, tiểu đoàn cùng với Trung đoàn 27 thực hiện mũi vu hồi cánh đông, giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Kể từ đây, Trung đoàn 27 còn được mang tên Trung đoàn Triệu Hải. Sau trận đánh này, trung đoàn được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cũng được phong danh hiệu Anh hùng LLVT.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và “Một thời Quảng Trị”

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (bên phải) và những trang “Một thời Quảng Trị”

Quảng Trị giải phóng nhưng kẻ thù vẫn chưa chịu khuất phục mà liên tiếp mở các đợt tấn công nhằm chiếm lại các căn cứ quân sự và các khu vực chúng từng kiểm soát. Vậy là, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng với những người lính của Trung đoàn Triệu Hải anh hùng lại tiếp tục chiến đấu đánh bại các cuộc phản kích của địch từ phía Thanh Hương, bảo vệ cánh đông thành cổ Quảng Trị, góp phần gây sức ép với địch, dẫn đến sự kiện ký kết Hiệp định Pa-ri tháng 2-1973.

Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Huy Hiệu đã giữ cương vị Trung đoàn trưởng. Trung đoàn Triệu Hải của ông từ hướng “Búng” Lái Thiêu, tiến quân theo đường 13 (còn gọi là đường Đại Hàn), đập tan tuyến tử thủ phía bắc Sài Gòn, chiếm nguyên vẹn ba cây cầu chiến lược, đánh chiếm Gò Vấp, khu hậu cần kỹ thuật của quân đội Sài Gòn với 13 mục tiêu quan trọng như Bộ Tư lệnh thiết giáp quân nguỵ, Trung tâm truyền tin, Tổng kho quân nhu, Tổng kho dự trữ nhiên liệu, tiếp quản Tổng Y viện Cộng Hòa, Trung tâm tiếp huyết...

Ngày 30-4 đã đi vào lịch sử của dân tộc, đi vào lịch sử thế giới về một cuộc chiến thần thánh, một chiến thắng vĩ đại của một dân tộc có bề dày lịch sử chống giặc ngoại xâm. Nhưng với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, trong một góc sâu nơi trái tim ông đã và sẽ mãi lưu dấu những câu chuyện thấm đẫm nước mắt, nụ cười trong những ngày tháng binh lửa ấy.

Đến một vị tướng thời bình

Đầu những năm 80, anh hùng Nguyễn Huy Hiệu được đưa sang CHLB Nga đào tạo tại Học viện quân sự cao cấp. Hoàn thành khoá học, ông về nhận nhiệm vụ tại Quân đoàn I và tiếp tục làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 anh hùng. Sắc sảo chuyên môn nghiệp vụ cùng với bản tính năng động, sáng tạo, ông đã cùng với sư đoàn tạo nên nhiều dấu ấn mang tính đột phá đi đầu trong công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện quân sự.  

Năm 39 tuổi, Nguyễn Huy Hiệu được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn I (hay còn gọi là Binh đoàn Quyết Thắng) và rồi phong hàm Thiếu tướng ở tuổi 40. Từ ngày thành lập đến nay, ông là vị Tư lệnh Quân đoàn trẻ nhất.

Năm 1994, Nguyễn Huy Hiệu được bổ nhiệm giữ cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 1998, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và có ba nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương Đảng. Trên cương vị đầy vinh quang và trọng trách này, vị tướng đã tham mưu cho quân đội, Đảng và Nhà nước những quyết sách quan trọng trong việc xây dựng quân đội ngày một chính quy, vững mạnh, đồng thời tạo lập mối quan hệ tốt, hoà bình, cùng phát triển với các nước láng giềng, trong khu vực nhưng cũng là để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và “Một thời Quảng Trị”

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (đứng giữa) thắp nén nhang tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh

Bộn bề với những công việc mang tầm chiến lược của đất nước, song Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn dành thời gian nghiên cứu khoa học công nghệ để nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Là người đã từng tham gia công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã dày công nghiên cứu những mối quan hệ với các quốc gia láng giềng và quan hệ thế giới. Trong hơn 10 năm làm công tác đối ngoại quốc phòng, ông đã đến thăm và làm việc tại 67 quốc gia trên thế giới. Ông đã vận dụng nhuần nhuyễn những nguyên lý, tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại quốc phòng, đặc biệt là trong việc giải quyết các tranh chấp và bảo vệ chủ quyền của nước ta tại Biển Đông hiện nay.

Với những cống hiến về khoa học Quân sự cùng những đóng góp xứng đáng vào sự củng cố và phát triển tình đoàn kết giữa hai quốc gia, năm 2010, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã được Viện Hàn lâm khoa học Quân sự Liên bang Nga bầu chọn và trao bằng Viện sĩ. Điều đó chứng tỏ Chính phủ Nga đã đánh giá cao trình độ nghiên cứu khoa học quân sự của của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng như những thành tựu mà ông đã đạt được trong nhiều năm qua.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là người nước ngoài đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Liên bang Nga trao bằng Viện sĩ và cũng là người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng Viện sỹ về nghệ thuật chiến tranh Quảng Trị - mảnh đất nhỏ bé ấy hiện có tới 72 nghĩa trang, là nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn ngôi mộ của các liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Nhưng những vùng đất nơi Thành Cổ này, những xoáy nước xuôi dòng Thạch Hãn này còn là những nghĩa trang khổng lồ không mộ chí khiến bất cứ ai đến nơi đây đều không khỏi nghẹn ngào rơi nước mắt

Những ký ức về một thời lửa đạn ấy, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lưu giữ thật kỹ trong tâm trí để rồi sau này, ông cùng với Đại tá, Nhà văn Lê Hải Triều đã tái hiện thành những dòng hồi ức mang đậm dấu ấn văn học, đó là cuốn “Một thời Quảng Trị”. Sau 5 năm kể từ ngày ra mắt, “Một thời Quảng Trị” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, có thể nói Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu rất có duyên với văn học nghệ thuật và rất quý trọng, gắn bó với các văn nghệ sỹ. Nhiều nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sỹ tìm thấy ở ông những nét tương đồng cho nhân vật mà họ đang tìm kiếm trong tác phẩm của mình. Có thể kể đến nhiều tác phẩm lấy nguyên mẫu từ người lính Nguyễn Huy Hiệu đã gây được tiếng vang như vở kịch “Đại đội trưởng của tôi” của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm; ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư”, “con suối La La” của nhạc sỹ Huy Thục; tập truyện ký “Bến sông tuổi thơ” của nhà văn Lê Hoài Nam; các tập bút ký văn học, báo chí “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”, “Vị tướng với tấm lòng tri ân”….

Đã gần bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng vị tướng trận giữa đời thường vẫn phong độ. Ông dành nhiều thời gian hơn cho quê hương Hải Long, Hải Hậu, dành nhiều thời gian hơn để về bên đồng đội, cùng hàn huyên những tháng ngày lửa đạn và dốc sức vận động, quảng bá cho Trung tâm Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội.

Trung Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và “Một thời Quảng Trị”