Thực hiện “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”: Tăng thuế sẽ làm giảm hút thuốc lá

Hương Lan| 27/11/2014 04:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

47,4% nam giới hút thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch, …

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam chiếm 47,4% (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc). Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ. Theo điều tra năm 2010, 56% người hút thuốc bắt đầu hút trước tuổi 20. Theo điều tra năm 2007, 17% học sinh lứa tuối 13-15 từng sử dụng thuốc lá, trong đó, cứ 5 em có một em thử hút thuốc trước tuổi lên 10. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. 

Kết quả điều tra năm 2000 tại bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật. Gánh nặng bệnh tật các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng: Tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% năm 1976 xuống còn 19,8% năm 2010 thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm gia tăng từ 42,6% năm 1976 lên 71,6% năm 2010. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” trong đó quy định rõ mục tiêu đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thiếu niên từ 26% xuống 18%, tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm từ 47,4% xuống 39%, tỷ lệ hút thuốc nữ giới xuống dưới 1,4%. Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của chiến lược quốc gia, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, những biện pháp về kinh tế sẽ mang lại hiệu quả.

Nhiều người hút thuốc lá vì giá rẻ

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, tăng thuế thuốc lá sẽ giúp tăng giá thuốc lá và đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa thanh thiếu niên tập hút thuốc lá và giúp những người đang hút thuốc lá giảm hay bỏ hút thuốc nhằm góp phần giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Giá thuốc lá càng cao, khả năng tiếp cận với thuốc lá của thanh thiếu niên nói riêng, người hút thuốc càng ít đi.

Thực hiện “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”: Tăng thuế sẽ làm giảm hút thuốc lá

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới

Theo ông Lương Ngọc Khuê, tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam cao có nhiều nguyên nhân trong đó, giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá. Hiện, Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá thấp, chỉ chiểm 44,9% trong khi đó tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ tại các nước trong khu vực là: Bru-nây 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%, Myanmar 50%; và các nước phát triển như Úc là: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%...

Tính toán của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới cho thấy, để giúp đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần tăng từ 65% lên 105% từ năm 2015, và tăng từ 105% lên 145% từ năm 2018.

Theo tính toán của các chuyên gia, mức tăng thuế này có các tác động tích cực. Thứ nhất, tăng giá bán lẻ cao hơn tăng thu nhập bình quân đầu người. Giá bán lẻ trung bình cả giai đoạn 2015-2020 tăng khoảng 7%. Mức tăng giá này cao hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn này (khoảng 4,8%), như vậy sẽ có tác dụng giảm sức mua thuốc lá. Thứ hai, giảm tỷ lệ hút thuốc theo mục tiêu của Chiến lược Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Tỷ lệ hút thuốc của nam giới giảm từ 47,4% năm 2014 xuống 39% năm 2020 và ngăn ngừa được 726.000 ca tử vong sớm do sử dụng thuốc lá. Tiêu dùng thuốc lá giảm từ 4.495 triệu bao năm 2014 xuống 4.096 triệu bao năm 2015 và giảm xuống 3.826 triệu bao năm 2018 (giảm nhiều hơn so với mức tăng thuế 5% trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt). Thứ ba, tăng thu ngân sách. Tổng thu ngân sách từ tăng thuế thuốc lá trong giai đoạn 2015-2018 là 230.494 tỷ đồng, cao hơn mức thu ngân sách theo phương án trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là 76.074 tỷ đồng

Với mức tăng thuế từ 65% hiện nay lên 105% năm 2015 thì tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ cũng chỉ tăng từ 41,6 % lên 50,5% năm 2015. Mức thuế này vẫn còn thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Ngân hàng thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (66-80%) và cũng thấp hơn của nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Philippine, Singapore, Malaysia... Trường hợp không thể tăng thuế ở mức giúp đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, thuế thuốc lá cũng cần tăng ít nhất ở mức giữ cho sức mua thuốc lá không tăng, cụ thể: thuế thuốc lá cần tăng từ 65% lên 85% vào năm 2015 và tăng lên 105% vào năm 2018, tương đương với việc tăng 10% mỗi năm từ nay đến năm 2018.

Thực tế, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy tăng thuế thuốc lá không làm giảm nguồn thu ngân sách. Do đó, biện pháp tăng thuế đối với với thuốc lá được nhiều chuyên gia ủng hộ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”: Tăng thuế sẽ làm giảm hút thuốc lá