Thu hồi giấy phép khu du lịch có hổ cắn đứt lìa 2 tay nhân viên

Hà Kim| 08/06/2019 19:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cơ quan chức năng cho biết, những con hổ ở khu sinh thái Thanh Cảnh (Bình Dương) có nguồn gốc không rõ ràng. Trong khi đó, cơ sở nuôi nhốt hổ thiếu minh bạch chưa chắc mục đích chính là bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Ngày 8/6, UBND tỉnh Bình Dương cho biết vừa nhận được văn bản do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị thu hồi giấy phép thí điểm nuôi hổ bảo tồn tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).

ENV đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi giấy phép của cơ sở Thanh Cảnh vì không đảm bảo cho hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã. Bên cạnh đó, EVN đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chuyển giao toàn bộ những con hổ tại cơ sở này đến Trung tâm cứu hộ phù hợp.

Thu hồi giấy phép khu du lịch có hổ cắn đứt lìa 2 tay nhân viên

Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (Ảnh: Internet)

Theo ENV, khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh được cơ quan chức năng cấp phép nuôi thí điểm bảo tồn hổ từ năm 2007. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở không đảm bảo cho hoạt động nuôi nhốt hổ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Ngoài ra, năm 2011 chủ sở hữu Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh từng bị xử lý hình sự về hành vi buôn bán hổ trái phép.

Trước đó, vào chiều 4/6, ông Võ Thành Quới (quê An Giang là nhân viên cũ của khu sinh thái Thanh Cảnh) bị hổ nuôi nhốt trong chuồng cắn mất hai cánh tay. Ông Quới nhập viện trong tình trạng rất nặng, sốc chấn thương, vết thương đứt lìa tay bên trái, vai bên phải. Ngoài ra, ông Quới bị chấn thương ngực khá nặng. Nguyên nhân được cho là nạn nhân đứng gần chuồng nuôi nhốt hổ.

Khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đến hiện trường kiểm tra và ghi nhận có 3 cá thể hổ đang được nuôi nhốt. Chuồng nuôi được xây bằng gạch, cửa chuồng làm bằng sắt, chiều cao chuồng khoảng 2m. Tại đây có vết máu bên trong chuồng và ngoài cửa chuồng. Nhận thấy chuồng nuôi nhốt hổ quá sơ sài, lực lượng chức năng đề nghị chủ khu sinh thái khẩn trương xây mới chuồng hổ để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra trường hợp tương tự.

Được biết, tại Bình Dương có 2 cơ sở nuôi nhốt hổ là Khu sinh thái Thanh Cảnh và Công ty Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc cấm phép này được thực hiện khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện nuôi nhốt hổ trái quy định sau đó mới cấp phép cho nuôi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi giấy phép khu du lịch có hổ cắn đứt lìa 2 tay nhân viên