Thoại Sơn (An Giang): Dân "khát" nước sạch

Văn Út| 07/12/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều người dân sinh sống tại thị trấn Phú Hoà, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đang loay hoay tìm cách để có nguồn nước sạch sinh sống, nhưng vẫn đi vào bế tắc mà không hề được trợ giúp. Vậy là, họ đành ngậm ngùi dùng nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng.

Thoại Sơn (An Giang): Dân

Hàng ngày, người dân gánh nước sông bị nhiễm bẩn về sử dụng

Mặc dù sống ngay trong thị trấn, nhưng ngày nào người dân cũng phải chờ con nước lên để mang thùng ra sông gánh nước về sử dụng. Điều đáng nói là, nguồn nước mà người dân đang sử dụng này đã bị ô nhiễm nặng. Trên mặt sông nổi lềnh phềnh nhiều rác rưởi, túi nilon, xác chết động vật, có chỗ lục bình giăng kín… Nhưng người dân ở đây vẫn dùng nguồn nước này để uống, nấu ăn, tắm, giặt,...

Các tuyến kênh khác trên địa bàn thị trấn Phú Hoà như kênh An Giang 7, Xẻo Gòn… cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Một số đoạn kênh còn được bế lại nhằm để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Lâu ngày, nước sông bị tù đọng dần dần bị ô nhiễm và bốc mùi. Lấy nước về dùng, không ít người bị dị ứng nổi mẩn ngứa ở da, nên nhiều người cũng không dám lấy nước về sử dụng nữa.

Thoại Sơn (An Giang): Dân

Nước tại kênh đục ngầu, cây dại phủ kín trên mặt, thậm chí, nhiều khi còn có rác và xác động vật nổi lềnh phềnh

Một số hộ dân không sử dụng nước sông, đã tự tích cóp, dành dụm tiền lắp đặt giếng khoan để nấu ăn. Chi phí lắp đặt cho một giếng khoan dao động từ 3 – 5 triệu đồng. Chi phí này khá cao đối với những người dân lao động nghèo, vì thế, có những hộ vẫn chẳng thể nào đủ tiền đầu tư cho mình một giếng khoan riêng để sử dụng.

Hơn nữa, nước giếng khoan cứ sử dụng một thời gian ngắn lại bị nhiễm phèn, nước chua không thể sử dụng được. Đầu tư cả triệu đồng giờ lại nằm yên ở đó chờ ngày tháo bỏ. Người dân lại tiếp tục trông chờ vào những tháng mưa tranh thủ lấy nước mưa chứa trong các bồn, hay lu để tích trữ dùng dần. Tuy nhiên, lượng nước tích trữ cũng chỉ đủ để dùng cho vài ba tháng. Trong khi, mùa khô nơi đây lại kéo dài gần 6 tháng.

Loay hoay nghĩ cách, cuối cùng, nguồn nước sinh hoạt chính của hàng trăm hộ dân ở thị trấn Phú Hoà vẫn quay trở về là nước sông nhiễm bẩn, trong khi, nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Phú Hoà lại cách đó chưa đầy 3 km.

Bà Nga, một người dân sống tại địa phương bức xúc: “Trước đây, tôi không bao giờ giám nghĩ tới việc sẽ dùng nước máy vì sợ tới tháng mà không có tiền trả. Giờ đây, thì dù thế nào tôi cũng cố tằn tiện để được sử dụng nước sạch. Chúng tôi luôn  mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chúng tôi có nguồn nước sạch để dùng, vì nguồn nước sông giờ quá ô nhiễm không thể dùng được nữa rồi”.

Thoại Sơn (An Giang): Dân

Dù ô nhiễm nặng, nhưng nước sông vẫn là nguồn nước chính của người dân nơi đây

Được biết, nhà máy nước Phú Hoà đã được đưa vào vận hành từ tháng 6 qua, với công xuất hoạt động 4500 m3/ngày, tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ hoạt động 1500 m3/ ngày, đáp ứng 2500 hộ dân tại trung tâm thị trấn Phú Hoà có nước sạch để sử dụng, một số hộ dân còn lại vẫn chưa có nước máy để sinh hoạt và đang rất bức xúc.

Về phía chính quyền địa phương cũng thấu hiểu nhu cầu sử dụng nước tại thị trấn Phú Hòa là chính đáng và cấp thiết. Ông Văng Công Khanh, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Hoà cho biết: “Một số hộ dân trên địa bàn thị trấn chưa lắp đặt được đường ống cung cấp nước sạch từ nhà máy nước Phú Hòa, là do ngân sách địa phương còn khó khăn, kinh phí nhà máy nước hạn hẹp. Tới đây, đơn vị sẽ sớm phản ánh tình hình lên cấp trên để có biện pháp giải quyết”.

Vậy là trong thời gian đợi chính quyền địa phương phản ánh lên trên, những hộ dân nơi đây lại tiếp tục "xài tạm" nước sông nhiễm bẩn gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tiềm ẩn đầy nguy cơ về bệnh dịch, với nỗi khắc khoải "không biết bao giờ mới được chạm tay vào nước sạch?"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoại Sơn (An Giang): Dân "khát" nước sạch