“Thế trận lòng dân” nơi biên giới

Gia Bảo| 28/03/2019 08:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Giữ gìn “phên giậu” của Tổ quốc

Vùng biên giới, biển, đảo, chủ quyền quốc gia không chỉ có vai trò là phên giậu, cửa ngõ của Tổ quốc, là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, mà còn có ý nghĩa to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước. Quản lý, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, canh giữ biên cương của Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) mà là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị.

Lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Bất cứ lúc nào sức mạnh của nhân dân được phát huy, thì đất nước vững mạnh, phát triển; ngược lại, khi nào lòng dân ai oán, bức xúc, thiếu niềm tin vào các cơ quan quyền lực, thì đất nước sẽ suy yếu và lâm nguy. Nhận thức rõ chân lý “đẩy thuyền đi là dân, mà lật thuyền cũng là dân”; trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”; phát huy những giá trị cao đẹp tư tưởng của Bác, Đảng ta xác định, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Nhiều chủ trương phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện. Nội dung, hệ thống chính sách khá toàn diện, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Đối tượng, hệ thống chính sách bao phủ cả địa bàn, khu vực đến hộ gia đình và một số dân tộc cụ thể.

Nhờ vậy, diện mạo vùng DTTS&MN đã có những thay đổi căn bản. Tính đến nay, ở vùng DTTS&MN, có đến gần 98% xã có đường ô tô tới trung tâm; 98,5% xã có trạm y tế; 94% xã có điện lưới quốc gia; 90% xã được phủ sóng phát thanh, 80% xã phủ sóng truyền hình; 100% xã có các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; hơn 75% gia đình có điện thoại và 17,7% hộ có kết nối Internet. Giá trị văn hóa của các DTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy. Vùng DTTS&MN những năm vừa qua tiếp tục duy trì tăng trưởng và phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các tỉnh đạt từ 8 đến 10%. Tỉ lệ giảm nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3,5% năm. Tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm xuống còn khoảng 20%.

“Thế trận lòng dân” nơi biên giới

Thiêng liêng giây phút chào cột mốc

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của quân và dân các tỉnh biên giới, nòng cốt là Bộ đội Biên phòng, tình hình trên tuyến biên giới cơ bản ổn định; chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững; quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng ngày càng được củng cố và tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch, giao lưu văn hóa với các nước và hội nhập quốc tế.

Xây dựng mối đoàn kết quân - dân

Tuy đã có nhiều thay đổi tích cực, song biên giới nước ta vẫn còn nhiều khu vực khó khăn do thời tiết, địa hình phức tạp, giao thông không thuận tiện, đời sống của đồng bào các dân tộc còn thấp. Hơn nữa, hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán người, buôn lậu, truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do...

Hơn nữa, do đặc điểm khu vực biên giới nước ta chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ, nên các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng đặc điểm đó cùng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để xuyên tạc, kích động, lôi kéo, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân, làm giảm lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và cấp ủy, chính quyền địa phương để chúng dễ bề chống phá. Điều đó, tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Trước thực trạng đó, cùng với việc triển khai đồng bộ, toàn diện, các lực lượng chức năng, đặc biệt là BĐBP đã quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nhất là ở đơn vị cơ sở, bằng những mô hình, việc làm thiết thực, cụ thể, để dân hiểu, dân tin, dân làm theo và giúp đỡ bộ đội. Trọng tâm của công tác tuyên truyền là làm cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc nắm vững các văn bản mới, nhất là các hiệp định, hiệp nghị, quy chế, quy định về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phòng, chống các loại tội phạm. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên khu vực biên giới của Tổ quốc.

Để đồng bào tin tưởng và làm theo, từng bước xây dựng “thế trận lòng dân”, các đồn trạm biên phòng đã cử cán bộ cùng ăn, cùng ở với dân, thực sự coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Ở Điện Biên, trong các làng bản vùng sâu vùng xa, người ta đã quá quen với hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh kiên trì bám dân, bám bản, chủ động tìm cách giúp đồng bào phát triển kinh tế. Nhờ vậy, hàng loạt các mô hình sản xuất đã được xây dựng và nhân rộng, góp phần phát triển đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, tiêu biểu như mô hình chuyên canh lúa nước ở huyện Nậm Pồ…

“Thế trận lòng dân” nơi biên giới

Quân và dân cùng xây dựng và bảo vệ đường biên, cột mốc

Với phương châm “Bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), chỉ trong vòng 2 năm, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới trên 5.000 ngày công lao động sản xuất; sửa chữa, làm mới hơn 100 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa 90 ngôi nhà dân. Lực lượng Biên phòng đã phối hợp với các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 6.500 lượt người; vận động gần 560 trở lại trường học sau khi bỏ học; đỡ đầu hơn 80 học sinh ở các xã biên giới và địa bàn ngoại biên với số tiền gần 500 triệu đồng/năm...

“Gần dân, giúp dân, học dân”

Còn ở Nghệ An, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng nội dung ký kết tham gia tự quản theo từng mô hình; phối hợp với Công an tỉnh kết hợp nội dung xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự” tại các thôn, bản ở các xã biên giới. Các đồn biên phòng và chính quyền các xã đều xây dựng quy chế phối hợp trong thực hiện phong trào, trong đó xác định đồn biên phòng là lực lượng chủ trì, nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Hiện tại, hơn 73 thôn, bản, 30 tập thể và gần 4.500 hộ dân đã đăng ký tự quản hơn 366km đường biên; gần 3.700 hộ đăng ký tự quản 149 cột mốc và 5 cọc dấu...

Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã phối hợp với đoàn viên thanh niên các địa phương tổ chức các hoạt động giúp đỡ nhân dân trên địa bàn với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả như Tuổi trẻ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy phối hợp cùng các lực lượng tổ chức chương trình “Bát cháo tình thương”, phát hàng trăm bát cháo cho người nghèo, bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương; Đồn Biên phòng Na Loi phối hợp với đoàn xã Na Loi, Ban quản lý bản Na Khướng phát quang đường tuần tra biên giới, tu sửa và làm mới cầu bắc qua suối tại bản Na Khướng, giúp dân thuận tiện trong việc đi lại và thu hoạch mùa màng của bà con nhân dân trên địa bàn xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn; Đồn Biên phòng Diễn Thành phối hợp đoàn xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu tổng dọn vệ sinh, thu gom rác thải trên trục đường ven biển từ đơn vị ra Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Vạn với chiều dài hơn 1km; Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (BĐBP Nghệ An), huyện Đoàn Quế Phong, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và xã Nậm Giải đã tiến hành làm đường bê tông tại bản biên giới Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong...

“Thế trận lòng dân” nơi biên giới

“Gần dân, giúp dân...”

Nhờ “gần dân, giúp dân” như thế nên công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng BĐBP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới đã phát triển ngày càng sâu rộng. Biểu hiện sinh động của phong trào này là có tới hàng nghìn người dân tộc thiểu số tham gia vào phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới. Theo thời gian, một mạng lưới người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc đã dần trở thành “cánh tay nối dài” trong công tác giữ gìn an ninh trật tự. Có những người tự nguyện trông coi cột mốc nơi núi cao, hiểm trở trong suốt mấy chục năm trời. Khi già yếu, họ giao lại công việc thiêng liêng đó cho con cháu của mình. Đồng bào vừa là “tai mắt” giúp BĐBP phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu chống phá của kẻ địch, các loại tội phạm xuyên quốc gia và các loại tệ nạn xã hội, vừa là cầu nối xây dựng và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thế trận lòng dân” nơi biên giới