Thanh Hoá: Thực hư xã có hơn 500… cán bộ

13/07/2012 08:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, dư luận nhân dân vô cùng“choáng váng” trước thông tin tại xã Quảng Vinh (Quảng Xương, Thanh Hoá) có tới hơn 500 cán bộ.

Một số người gọi đây là “lạm phát đầy tớ”, khiến nhiều độc giả liên tưởng ngay tới việc người dân phải đóng hàng chục các khoản phí để nuôi bộ máy cồng kềnh này. Thực hư sự việc này như thế nào, chúng tôi đã đi tìm hiểu và nhân đây bàn một chút về những người “vác tù và”.

Thực hư xã có trên 500 cán bộ?

Trước thông tin một xã có tới hơn 500 cán bộ, Sở Nội vụ Thanh Hoá và UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo xã Quảng Vinh báo cáo thực tế tình hình. Tại Báo cáo số 19/BC-UBND ngày 5-7-2012, Quảng Vinh là một xã ven biển thuộc vùng bãi ngang, có tổng diện tích tự nhiên là 473,79ha. Xã có 2.202 hộ với 9.485 khẩu, số hộ nghèo còn 670 hộ, (tương đương 30,6% theo tiêu chí mới). Tổng số cán bộ được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước và do địa phương chi trả từ xã tới thôn là 254 người. Trong đó có 22 cán bộ, công chức và 18 người hoạt động không chuyên trách. Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 về chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và Quyết định số 619/2010/QĐ-UBND ngày 11-2-2010 về cán bộ, công chức xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn xã. Quảng Vinh thuộc xã loại 1 được bố trí cán bộ, công chức không quá 25 người, hiện nay mới bố trí 22 người, thấp hơn 3 người theo quy định. Những người hoạt động không chuyên trách ở xã loại 1 không quá 22 người, hiện Quảng Vinh mới có 18 người, thấp hơn 4 người so với quy định.

Theo Điều 4, Luật Cán bộ, công chức công bố năm 2008 có hiệu lực từ 2010 thì “... Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực HĐND, UBND, Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách”.

Thanh Hoá: Thực hư xã có hơn 500… cán bộ

Lãnh đạo Huyện uỷ Quảng Xương trao đổi với PV về xã Quảng Vinh

Ở dưới thôn (xã chia thành 15 thôn) có 214 người được hưởng phụ cấp. Bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (30 người) được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước với hệ số 0.9 mức lương tối thiểu/người/tháng. Mỗi năm xã chi trả thêm 400kg thóc/người. Công an viên 15 người/15 thôn hưởng phụ cấp 0.6 mức lương tối thiểu. Tổ an ninh gồm 30 người (mỗi thôn 2 người) hưởng phụ cấp 0.3 mức lương tối thiểu. Thực hiện theo Quyết định số 378/QĐ-UBND ngày 4-2-2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo an ninh, trật tự ở xã, phường, thị trấn, tổ bảo vệ an ninh trật tự thôn, bản, khu phố và tổ chức nội dung hoạt động của tổ an ninh xã hội ở khu dân cư. Thôn đội trưởng 15 người/15 thôn hưởng phụ cấp 0.5 mức lương tối thiểu (thực hiện theo Luật Dân quân tự vệ 2010). Các tổ chức đoàn thể ở thôn (cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, đoàn thanh niên, khuyến học, cựu thanh niên xung phong) có 105 người, do địa phương chi trả 200 kg thóc/đoàn thể/năm. Ngoài các khoản chi trả trên, ngân sách xã phải chi trả cho 25 giáo viên mầm non theo diện hợp đồng (không dưới mức lương cơ bản).

Như vậy, tất cả cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các tổ chức chính trị - xã hội tại Quảng Vinh đều được bố trí, sắp xếp theo đúng các văn bản hướng dẫn của cơ quan các cấp có thẩm quyền.

Những người “vác tù và” dũng cảm  

Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì đã rõ. Dư luận quan tâm nhiều tới bộ máy hoạt động ở dưới thôn. Nhiều chức danh, nhiều cơ quan đoàn thể như vậy liệu có cần thiết và hoạt động có hiệu quả hay không? Hiện nay rất nhiều người có lối suy nghĩ, tư duy là sẽ kiếm chác, màu mè gì đó khi ngồi vào vị trí này, vị trí kia. Oai, oách và “béo bở” nhất là chiếc ghế Trưởng thôn. Ngoài phụ cấp và chi trả thêm của ngân sách xã còn có quyền cấu, xén khoản này, khoản nọ… Đó là suy nghĩ của những người ngoài cuộc. Bởi thực tế hiện nay, kiếm được một người Trưởng thôn có đủ sức, đủ lực để cáng đáng công việc vô cùng khó. Hàng ngày, Trưởng thôn có cả trăm công việc có tên và không tên. Lại còn hội họp ở xã, huyện, nếu ở gần nhà thì chớ chứ cách xa thì coi như phụ cấp mất toi vào khoản xăng xe. Các khoản thu chi đều công khai, trong thôn có cả trăm người tính toán nhanh gọn, chi ly hơn hẳn Trưởng thôn nên nếu có ý định tư lợi chỉ một sớm, một chiều là lộ tẩy ngay.

Ngày nay ăn uống đã không còn là vấn đề thời sự nữa nhưng vì lịch sự hay lề thói địa phương mà người ta vẫn cứ mời “cán bộ thôn”. Không cầm đũa, không uống thì coi như “bác khinh em”, còn nếu thật tâm thì leng beng, nát rượu như chơi. Đấy là chưa kể tới các đám hiếu, hỷ ở trong thôn thì “cán bộ” được lên danh sách khách mời đầu tiên. Không đi thì còn ra thể thống gì, còn đi hết lượt thì chắc phải 3, 4 lần phụ cấp mới đủ chi trả khoản này. Khổ nhất là các bà vợ của “cán bộ thôn” quanh năm “giật gấu, vá vai”. Tôi đã đi hầu khắp các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá mà chưa thấy nhà một cán bộ thôn nào “giàu nứt đố, đổ vách”. Chẳng nói đâu xa, ngay ở thôn tôi ở, có ông Trưởng thôn rất tận tâm với công việc, nhưng chỉ làm chưa đầy 2 năm ông này phải xin từ chức vì hục hặc chuyện gia đình. Làm “đệ nhất phu nhân thôn” quả không sung sướng gì vì chồng suốt ngày “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, trong người thường xuyên có nồng độ cồn, bao nhiêu bực tức bên ngoài đều về trút vào má vợ. Từ ngày từ chức, vợ chồng con cái kéo nhau vào miền Nam làm ăn, mấy năm phất lên nhanh chóng, ông này quay về quê xây một cái nhà to tướng  mà người ta gọi là “biệt phủ” oách nhất vùng.

Oai như Trưởng thôn còn vậy. Làm công tác đoàn thể cũng có cả trăm công nghìn việc, “làm dâu trăm họ” không khéo còn bị chửi oan. Trình độ dân trí không đồng đều, có người chưa nói đã hiểu, có người nói một lần, mười lần, có cả trăm lần vẫn chưa thấu hiểu. Giải thích mãi, thấy người ta làm nhiều rồi cũng hiểu đôi ba phần. Còn chế độ được hưởng 200kg thóc/năm, quy ra tiền được khoảng 1 triệu đồng, tương đương 83.000 đồng/tháng. Trong khi đó, một ngày công đi cấy cũng từ 150-180.000 đồng (gấp đôi 1 tháng phụ cấp) thì “ôm rơm làm gì cho nặng bụng”. Cứ làm anh “phó thường dân” ngày đi làm, tối về nằm ngủ, tội gì phải tới tận nhà giải thích, vận động, hô hào các phong trào cho mệt. Nguy nhất là cán bộ y tế thôn. Ngày nay có hàng trăm, hàng nghìn thứ bệnh mà ngay cả y học hiện đại cũng phải bó tay. Nên việc ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí là tính mạng con người là không thể tránh khỏi. Trong tình thế cấp bách, chỉ cần một thao tác nhỏ cũng có thể cứu sống một mạng người song rủi ro cũng rất lớn. Còn chế độ, phụ cấp chẳng thấm vào đâu. Công an viên, tổ an ninh thôn cũng dễ bị ăn đòn như chơi. Cách đây không lâu, cũng trên địa bàn huyện Quảng Xương, 3 Công an viên xã Quảng Ninh bị hành hung trọng thương vì quá mẫn cán với công việc là nhắc nhở quán karaoke hoạt động quá giờ. Nằm viện cả tháng trời tốn ngót nghét chục triệu bạc, khi đó chẳng ai thấy phụ cấp 0.3 là to.

Nhưng đó cũng là cái nghiệp. Đảng cử, dân bầu phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, được mất xưa nay cũng chỉ là tương đối. Rồi mọi người, xã hội cũng sẽ nhìn nhận ra vai trò để chia sẻ, cảm thông và cảm ơn họ - những con người “vác tù và” dũng cảm!

Thanh Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hoá: Thực hư xã có hơn 500… cán bộ