Thanh Hóa: Công bố nguyên nhân ngao chết hàng loạt

Thanh Phương| 22/02/2017 18:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua hiện tượng ngao chết tại xã Hải Lộc và xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng và thiệt hại về kinh tế của nhân dân. Sau 1 thời gian vào cuộc, cơ quan chức năng đã có kết quả kiểm tra, xác minh nguyên nhân.

Thanh Hóa: Công bố nguyên nhân ngao chết hàng loạt

Người dân "khóc ròng" vì ngao chết hàng loạt

Căn cứ kết quả phân tích tác nhân gây bệnh trên ngao; chất lượng nước và trầm tích vùng nuôi ngao; kết quả phân tích một số độc tố hóa học trong nguồn nước và chất xả thải; kết quả phân tích mẫu ngao thương phẩm tại vùng nuôi ngao xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc do Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương (thu mẫu ngày 23/12/2016); Chi cục Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường (mẫu thu ngày 29/12/2016); Trung tâm Quan trắc và cảnh báo môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường (mẫu chất thải thu ngày 31/12/2016); Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc – Viện nghiên cứu NTTS 1 (mẫu thu ngày 06/01/2017); Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1- Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản (mẫu ngao thương phẩm thu ngày 8/1/2017), xác định nguyên nhân ngao chết: Ngao chết hàng loạt không phải do dịch bệnh; Ngao không bị nhiễm tảo độc, kim loại nặng độc hại (chì, thủy ngân, cadimi) do đó, sản phẩm ngao tại vùng nuôi Hải Lộc vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Một số mẫu phân tích có chỉ tiêu cơ bản cao hơn giới hạn cho phép đối với nuôi trồng thủy sản như (NH4), sắt tổng số, coliform; nhưng không thể gây ngao chết hàng loạt.

Ngao nuôi chết hàng loạt do kết hợp giữa hai yếu tố sau: Ngao nuôi với mật độ quá cao nên ngao rất gầy và yếu do sự cạnh tranh nguồn thức ăn và không gian sống nên khi gặp môi trường xấu và biến động mạnh, ngao dễ bị sốc và chết; Điều kiện kiện thời tiết, khí hậu và chế độ thủy triều vùng Hòn Nẹ trong khoảng thời gian từ ngày 10/12/2016 đến hết tháng 12/2016 có sự biến động rất lớn: Ngày 11/12/2016, nhiệt độ không khí ban ngày 260C, nhưng ban đêm xuống còn 120C; ngày 12/12/2016, nhiệt độ ban ngày 30ºC và ban đêm xuống còn 23ºC; từ ngày 14/12 – 18/12/2016, nhiệt độ ban ngày cao nhất 23ºC và ban đêm xuống xuống còn 10ºC. Đồng thời, kết quả phân tích chế độ thủy triều cho thấy thời gian phơi bãi ngao dài vào ban đêm (khoảng từ 06 – 08 tiếng/đêm) và kéo dài liên tục từ 5 – 7 ngày.

Do sự biến động lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm, nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm trùng với thời gian phơi bãi ngao kết hợp với ngao yếu đã gây hiện tượng ngao chết hàng loạt. Trong những năm qua, tình trạng ngao chết vẫn thường xuyên xảy ra, cụ thể: trong các năm 2012, 2014, 2015, ngao nuôi bị chết rải rác tại xã Hải Lộc với tỷ lệ 30% diện tích, tỷ lệ chết 10 – 30%. Sau đó, việc nuôi vẫn phát triển trở lại. Nguyên nhân được xác định là do môi trường nước ô nhiễm (kết quả phân tích mẫu nước có hàm lượng NH3 cao làm ảnh hưởng đến sức sống của ngao nuôi) kết hợp với biến động của thời tiết và ngao nuôi mật độ dầy.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh hóa đề nghị UBND huyện Hậu Lộc, UBND các xã Hải Lộc tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi tuân thủ quy trình kỹ thuật đối với nuôi ngao. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn…

Trong 1 diễn biến khác, theo kết quả kiểm tra của huyện Hậu Lộc, 30/30 chủ cơ sở và hộ kinh doanh sơ chế biến thủy sản nhỏ lẻ truyền thống chưa làm cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản mà chỉ ký cam kết với UBND xã Ngư Lộc. Có 4/30 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, truyền thống có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; 16/30 hộ có giấy phép kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh còn lại không có một loại giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh của chủ hộ. Bên cạnh đó, quy trình sơ chế của nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa đảm bảo, chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện về VSATTP.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh kiểm tra thực tế hiện tượng ngao chết và xác định rõ nguyên nhân ngao chết trên địa bàn xã Hải Lộc và xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc để xử lý theo đúng quy định của pháp luật báo cáo, kết quả trước ngày 25/2; có các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa không để tái diễn tình trạng ngao chết như trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, tổ chức thu dọn xác ngao chết để xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh theo quy định; vệ sinh các bãi ngao để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường khu vực bãi ngao. Các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có lượng phát sinh chất thải lớn trên địa bàn huyện Hậu Lộc; yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt lưu ý nước thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Công bố nguyên nhân ngao chết hàng loạt