Thanh Hóa chưa xem xét chủ trương xây dựng tượng đài Bà Triệu

Thanh Phương| 08/05/2020 10:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8/5, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch tỉnh đã có văn bản chỉ đạo liên quan đến chủ trương xây dựng tượng đài Bà Triệu tại Khu công viên Quảng trường trung tâm huyện Yên Định gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng chưa xem xét chủ trương đầu tư xây dựng tượng đài Bà Triệu tại Khu công viên Quảng trường trung tâm huyện Yên Định. Yêu cầu UBND huyện Yên Định tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện các công trình, dự án dở dang, các nhiệm vụ do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho địa phương.

Thanh Hóa chưa xem xét chủ trương xây dựng tượng đài Bà Triệu

Huyện Yên Định còn nợ hơn 50 tỷ đồng chi tiêu thường xuyên nhiều năm chưa trả

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được Báo cáo số 176/BC-UBND ngày 5/5/2020 của UBND huyện Yên Định về việc xây dựng tượng đài Bà Triệu tại Khu công viên Quảng trường trung tâm huyện Yên Định (hay Quảng trường Bà Triệu).

Công trình tượng đài Bà Triệu do huyện Yên Định làm chủ đầu tư, quy mô xây dựng dự kiến chiều cao khoảng 12-18m, chất liệu được làm bằng đá. Với mức kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách huyện và nguồn huy động hợp pháp khác. Thời gian dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2023.

Theo lý giải của huyện Yên Định, việc xây tượng đài Bà Triệu - người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đông Ngô năm 248 ở vùng đất Cửu Chân (nay thuộc làng Quan Yên, hay gọi là Yên Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định) thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau.

Điều khiến dư luận phản ứng là huyện Yên Định còn nợ hơn 50 tỷ đồng của nhiều tổ chức, cá nhân từ lâu mà không chị trả vẫn đi xin 20 tỷ đồng xây dựng tượng đài Bà Triệu.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện (cả 2 đã nghỉ hưu), 2 cơ quan này đã vay hơn 50 tỷ đồng của nhiều cá nhân để chi tiêu. Các khoản nợ được dùng cho các khoản: Sửa sang công sở Huyện ủy, UBND huyện, tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo, tiền sửa xe khi hư hỏng, tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm, tiền chè nước, giấy mực in, tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa chưa xem xét chủ trương xây dựng tượng đài Bà Triệu