Tết của những người lính chữa cháy

Quý Khôi - Lan Trần| 18/02/2015 07:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tết là dịp để mọi người đoàn tụ, để mỗi người con đi xa mong được trở về, nhưng với những người lính chữa cháy, Tết là lúc họ phải căng mình với những ca trực, đảm bảo an toàn cháy nổ, để người dân yên vui đón Tết. Và cái Tết của họ cũng thật đặc biệt.

Chúng tôi đến thăm phòng cảnh sát PCCC số 12 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) trong một ngày đông lạnh giá của những ngày cuối năm. Nằm cách Trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Nam của Thủ đô, trong cụm Công nghiệp Quất Động – Thường Tín – Hà Nội, với chức năng và nhiệm vụ trọng tâm là quản lý công tác phòng cháy chữa cháy tại hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên.

Vào dịp Tết là khoảng thời gian cao điểm và căng thẳng nhất đối với lực lượng PCCC, bởi vào thời điểm này thời tiết vốn đã hanh khô lại thêm hoạt động thắp hương, đốt vàng mã để cúng ông bà, tổ tiên khiến cho nguy cơ cháy nổ tăng cao, chỉ cần một chút bất cẩn là có thể xảy ra cháy lớn.

Trong những ngày này, tất cả cán bộ chiến sĩ PCCC của đơn vị đều được quán triệt tinh thần tập trung cao nhất cho công việc, các phương tiện chữa cháy như xe bồn chữa cháy, xe thang, vòi phun,… đều được kiểm tra kỹ càng hàng ngày để sẵn sàng khi có sự việc xảy ra.

Với mỗi người lính chữa cháy, khi đã chọn nghề là họ hiểu tính chất công việc, họ luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, bất cứ ngày nào trong năm, dù đó có thể là ngày lễ, Tết đang quây quần ấm cúng bên gia đình.

Tết của những người lính chữa cháy

Hiện trường vụ cháy nhà dân trong những ngày giáp Tết nguyên đán Ất Mùi

Dạo quanh một vòng đơn vị, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những gương mặt trẻ măng của các chiến sĩ nghĩa vụ, hầu hết đều mới tốt nghiệp cấp 3 và các em đã chọn cho mình một con đường đi khác với bạn bè cùng trang lứa.

Ba năm đi lính, với các em là ba năm thử thách, bởi nghề chữa cháy không đơn giản chỉ là có cháy là chạy đến chữa mà lính chữa cháy đòi hỏi các em phải có bản lĩnh, chấp nhận hy sinh và thật sự yêu nghề.

Tôi nhớ có lần, khi ngồi nói chuyện với những người lính trẻ, tôi đặt câu hỏi: "Nếu được chọn lại, em có chọn làm một người lính chữa cháy không?", và câu trả lời là: "Em vẫn chọn, bởi em thật sự yêu thích và tự hào khi mình là người lính chữa cháy”.

Điều đó để thấy rằng, dù còn rất trẻ nhưng các em đã tìm cho mình một con đường đi và có lý tưởng rõ ràng, trong khi đâu đó xung quanh vẫn còn có những người trẻ mải miết hưởng thụ trên những thành quả không phải do mình tạo ra.

Tết đến xuân về, cũng là lúc mỗi người chúng ta đều mong muốn được trở về quây quần bên gia đình, người thân, ngồi bên nồi bánh chưng và chờ đón năm mới với thật nhiều may mắn. Nhưng với người lính chữa cháy, một đơn vị chiến đấu đặc biệt của lực lượng Công an thì có lẽ đón Tết tại đơn vị đã trở nên quá quen thuộc.

Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy vườn tăng gia của cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 12, ở đây không thiếu thứ gì, từ gà, vịt, lợn, đến các loại cây rau, quả…

Tết của những người lính chữa cháy

Tết của những người lính chữa cháy

Tết của những người lính chữa cháy

Tăng gia sản xuất tại đơn vị để cải thiện bữa ăn

Mang sự ngạc nhiên của mình ra hỏi, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12 cho chúng tôi biết: “ Đơn vị cho chiến sĩ tăng gia vừa là để lao động sản xuất sau những giờ luyện tập hay chạy cháy căng thẳng, vừa có thêm thịt cá, rau củ để cải thiện bữa ăn cho anh em, đặc biệt là vào những ngày lễ, Tết.

Vào những ngày lễ, Tết, đơn vị luôn đảm bảo 100% quân số trực, và để cán bộ chiến sĩ cảm thấy không khí Tết như ở nhà mình, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn tạo điều kiện và chăm lo đời sống cho anh em một cách đầy đủ nhất, mâm cơm ngày Tết của đơn vị cũng không thể thiếu bánh chưng xanh, canh măng, chả giò, dưa hành…, những món ăn truyền thống có trong bữa cơm ngày Tết của gia đình Việt”.

Bánh chưng cũng là do cán bộ chiến sĩ tự tay gói, rồi luộc bánh, tạo nên một không khí quây quần, ấm cúng. Việc gói bánh chưng không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống về một phong tục cổ truyền từ bao đời nay của dân tộc, mà nó còn là hình thức rèn luyện cán bộ chiến sĩ.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến chia sẻ thêm: “Nhiều phụ huynh đã rất ngạc nhiên khi thấy con em mình tiến bộ nhanh chóng, thậm chí có cháu còn gói bánh chưng rất thuần thục. Ở nhà, các cháu là những đứa trẻ chưa biết lo toan, thậm chí chỉ dựa vào bố mẹ, nhưng khi vào lính, các cháu đã tự ý thức được mình, ý thức được công việc và trưởng thành hơn rất nhiều”.

Tết của những người lính chữa cháy

Tết của những người lính chữa cháy

Chiến sĩ trẻ gói bánh chưng đón Tết

Là một trong nhiều chiến sĩ đã ba năm liền đón Tết ở đơn vị, chiến sĩ trẻ Vũ Trường Tiệp cho biết: “ Năm đầu tiên đón Tết tại đơn vị, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, em thấy rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhưng khi nhìn các đồng đội xung quanh, cảm giác đó trôi qua rất nhanh.

Thêm vào đó ở đơn vị, bọn em đón Tết không thiếu thứ gì, có đào, quất, có bánh chưng xanh, có mâm ngũ quả, chỉ khác là bố mẹ không ở bên cạnh, nhưng bù lại có tình cảm của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, có đồng chí, đồng đội nên chúng em không cảm thấy hụt hẫng, thiếu thốn”.

Và năm nay là năm thứ 3, Trường Tiệp đón Tết tại đơn vị cùng với đồng chí, đồng đội của mình. Đơn vị giờ cũng chính là ngôi nhà thứ 2 của hầu hết các chiến sĩ trẻ tại đây.

Còn với chiến sĩ Đỗ Anh Tuấn đây là lần đầu tiên đón Tết tại đơn vị, Tuấn cho biết: “Thực sự em cũng có chút hồi hộp bởi chưa bao giờ em đón Tết ở đơn vị, lại là một đơn vị chiến đấu. Mặc dù cũng được các anh đi trước kể nhiều về Tết ở đơn vị, nhưng có lẽ chẳng gì bằng trải qua thực tế, nên là em cũng rất hào hứng và sẵn sàng cho thời khắc đón giây phút giao thừa thiêng liêng”.

Bản lĩnh, cứng rắn nhưng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, không ít người, đặc biệt là những chiến sĩ trẻ đã lặng lẽ lui về một góc, lặng lẽ khóc, chỉ một chút thôi, bởi lúc đó họ đang nghĩ về cha mẹ, vợ con, về những người thân yêu đang đợi họ ở nhà.

Tuy vậy, không phải giao thừa năm nào cũng chỉ là niềm vui, bởi có những năm khi thời khắc giao thừa, họ vẫn phải lên đường làm nhiệm vụ khẩn cấp, vì với họ lúc đó, không có gì quan trọng hơn tính mạng và tài sản của người dân. Và khi trở về, họ lại quây quần vui vẻ, cùng nhau đón năm mới bên tình yêu thương của đồng đội, đồng chí.

Chúng tôi chợt nhớ đến một câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai... Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người”. Các anh, những người lính chữa cháy đã không chọn cho mình công việc nhẹ nhàng, các anh đã chọn cuộc sống vì mọi người, chọn sự hy sinh thầm lặng để mang lại bình yên cho cuộc sống và các anh luôn tự hào về con đường mình đã chọn.

Mùa Xuân đã về trên khắp các nẻo đường của đất nước, xin chúc cho những người lính chữa cháy một mùa xuân mới an vui và dù mong muốn các anh “thất nghiệp” như lời chúc Tết của Bác ngày nào song với người lính chữa cháy, họ vẫn luôn trực chiến, sẵn sàng chiến đấu với giặc lửa khi sự cố xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết của những người lính chữa cháy