Tết của những người con xa xứ

Trung Thành| 05/02/2019 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tết trong tâm thức người Việt bao đời nay mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Dù phải đi đâu, làm gì, mỗi khi Tết đến xuân về, ai cũng mong muốn trở về với gia đình, với quê hương.

Thế nhưng, có một lượng lớn người Việt vì công việc, vì mưu sinh, vì nhiệm vụ và vì nhiều lý do khác mà phải đón Tết bên ngoài biên giới. Song không phải vì thế mà cái Tết đối với họ bớt thiêng liêng.

Nửa thế kỷ sinh cơ trên đất bạn

Trong màn sương mù dày đặc, đỉnh núi Giăng Màn trùng điệp giữa mây ngàn sương trắng. Ngọn núi ấy cũng là nơi khởi nguồn của hai dòng nước. Một dòng đổ về triền Đông trôi về đất Việt mang tên Ngàn Phố, dòng nước anh em còn lại là Nậm Tuồng xuôi cánh Tây về vùng đất Chămpa. Ngàn năm qua, hai dòng chảy ấy đã bền bỉ mang trong mình biết bao trầm tích văn hóa của hai dân tộc Việt – Lào thủy chung, sâu nặng.

Lịch sử ghi lại, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường 8A từ Hồng Lĩnh tới ngã ba Thoọng Pẹ là một trong những con đường vận chuyển chiến lược của ta vào chiến trường miền Nam. Những đôi vai trần của bao chàng trai, cô gái Lào năm xưa đã sát cánh cùng bộ đội Việt Nam tạo nên những cây cầu tre bắc trên vai người để hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men vượt qua truông, qua suối, chuyển vào tuyến lửa. Rồi những ngày tháng sau đó, nhân dân các bản Thoọng Pẹ, Na Pê, Lạc Xao, Na Hạt… cũng là những người đầu tiên đổ ra đường chào đón hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu vì đất nước và nhân dân Lào anh em. Nghĩa tình ấy, miền đất ấy, con người ấy thì không quí, không thương sao được!

Tết của những người con  xa xứ

Cụ Sùng Thị Sà: “Tôi lúc nào cũng nhớ Việt Nam”

Trên 9 bản thuộc địa bàn huyện Căm Cớt, bạn sẽ luôn được nghe câu chào dễ thương của những người bạn Lào hồn hậu: “Việt Nam - Lào Samakhi”. Và, bạn cũng đừng ngạc nhiên khi nghe ai đó nói một câu tiếng Việt: “Anh chị mới ở quê ta sang đấy à”. Điều đó có nghĩa là bạn đã gặp một người Lào gốc Việt. Bà Khăm Con - một người già ở bản Na Pê kể rằng: “Ngày xưa chiến tranh, đói quá nên cha mẹ chúng tôi tìm đến đây để kiếm củ sắn, củ mài. Một số người khác thì do bị Pháp bắt đi phu khai tác mỏ ở bản Kim Cương, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh bây giờ. Cuộc sống nơi rừng thiêng nước độc khiến cho nhiều dân phu chết và đổ bệnh, những người khác khiếp hãi nhưng không dám trở lại quê nhà, đành vượt rừng trốn sang bên này từ trước những năm 45 của thế kỷ trước và được nhiều gia đình người Lào cưu mang, che chở”.

Hơn nửa thế kỷ sinh cơ trên đất bạn, sống một cuộc sống lam lũ, nghèo khó xem lẫn giữa các tộc Lào Sùng, Lào Thơm và Lào Nùng trên dọc tuyến biên giới Việt Lào, họ mang theo quê hương trong mỗi khung cửi dệt, trong giọng nói tiếng Việt ngập ngừng. Ông Nguyễn Khắt chủ một hiệu tạp hóa nhỏ ở bản Thoong Pẹ bảo: “Ngày xưa nghèo quá, bố ta được ông bà gánh sang bên này bán cho người Lào. Sau bị người Pháp lùng bắt, bố ta được ông trưởng bản Na Hương nhận làm con nuôi thì mới thoát chết. Chính ông trưởng bản đã cưới vợ cho bố ta rồi cho đất làm nhà, cho ruộng, rẫy để làm ăn. Giờ ta vẫn còn bà cô sống ở làng Chè bên Việt Nam ấy. Mỗi năm ta đều về thăm quê”.   

Ngày đó, để không bị lẫn và đồng hóa cùng các tộc người sinh sống khác, họ đành phải chọn cách bỏ những cái họ mang theo từ Việt Nam để tránh tai mắt của bọn do thám và cũng ngầm quy định rằng, những ai không mang họ là người Việt mình. Mãi sau này, khi có điều kiện trở lại thăm quê cũ, họ mới nhận lại cho mình những cái họ như Nguyễn, Trần, Vi, Thào, Sùng…

Không quên nguồn cội

Ở bản Na Pê, gần 90% người dân đều mang dòng máu Việt. Quê gốc của họ là những bản người Thái yên bình ở làng Chè, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Họ đã bén rễ trên đất biên giới Lào. Rồi như cái cây già thì nảy mầm, chia nhánh, thấm thoắt đã bốn thế hệ được sinh ra và lớn lên trên đất nước Triệu Voi này. Nhưng mỗi lần có người Việt sang chơi hoặc các bác sĩ quân y ở Trạm y tế Thọong Pẹ xuống bản, bà con lại kéo đến hỏi thăm tình hình ở quê nhà.

Ông Vi Văn Tít, trưởng bản Na Pê cũng người gốc làng Chè được sinh ra tại Lào. Được bà con tín nhiệm, ông tham gia công tác xã hội và được bầu làm Trưởng bản, một chức vụ tương đương với vị trí Chủ tịch xã của nước ta. Là đảng viên Đảng nhân dân cách mạng Lào, ông là cây cầu nối để đưa những nguyện vọng của bà con đến các cơ quan chính quyền của nước bạn Lào và khuyến khích, vận động bà con nghiêm túc làm theo những chủ trương chính sách của nhà nước Lào nên Vi Văn Tít được chính quyền huyện Căm Cớt tặng nhiều bằng khen. Chăm chỉ làm ăn, gia đình 8 người của ông sống khá đủ đầy. Người vợ của ông không những giỏi cái miệng hát Khắp, siêng cái tay làm rẫy mà còn biết giữ nét duyên của người con gái Thái. Những bát phẩm màu mua từ Việt Nam sang được nhuộm trên lóng tơ bằng đôi tay vén khéo của chị sẽ nở hoa trên khung dệt, tạo nên nét duyên trên váy áo người phụ nữ Na Pê.

Tết của những người con  xa xứ

Đồng bào người Việt trên đất Lào quây quần đón Tết 

Gia cảnh ông Nguyễn Khắt cũng vậy. Khi trưởng thành, ông tham gia quân đội Pha Thét Lào chiến đấu ở Xiêng Khoảng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Khắt lập gia đình với một phụ nữ người Lào và cùng nhau làm ăn, nuôi dạy con cái. Hiện nay, ông Khắt được bầu vào Ban lãnh đạo phụ trách lực lượng dân quân và an ninh của chín bản của huyện Lạc Xao. Tận tụy với nhiệm vụ, ông thường xuyên đi kiểm tra, thị sát khắp các xóm để hiểu được cuộc sống của bà con và vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh trật tự. Ông dạy con nói tiếng Việt và thường xuyên đưa con cháu về thăm họ hàng tại Việt Nam

Đến đất này vào đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, những gia đình người Mông di cư từ Kỳ Sơn, Nghệ An hiện đang an cư tại bản Thoọng Pẹ cũng đã trở thành một phần quan trọng trong cộng đồng cư dân ở bản. Một cách tích cực, họ đã có nhiều đóng góp trong việc tham mưu giúp lãnh đạo bản và nhân dân trong việc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống. Ông Dông Nụ, Chủ tịch Mặt trận bản Thoọng Pẹ là một trong 4 đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam sau khi sang nhập quốc tịch Lào đã được các cơ quan chức năng hướng dẫn, giúp đỡ để chuyển Đảng và trở thành đảng viên Đảng nhân dân cách mạng Lào.

Dông Nụ được trưởng bản Dông Dé người Lào coi như anh em ruột vì đã giúp trưởng bản được “việc tốt nhiều nhiều” và giúp dân bản Thoọng Pẹ biết thêm nhiều điều hay, vỡ thêm nhiều điều sáng. Nhà của Dông Nụ bây giờ cũng được liệt vào dạng khá giả vì có tới 3 ô tô cùng 3ha đất ruộng, 15ha đất rẫy và con cái Dông Nụ đều đã trở thành cán bộ của chính quyền nước bạn. Nhưng Dông Nụ bảo vẫn nhớ quê, nhớ Việt Nam và bất cứ lúc nào quê hương, bà con thân thuộc của Dông Nụ gặp khó cần giúp đỡ, Dông Nụ sẽ dốc lòng dốc sức!

Nặng lòng với quê hương

Mỗi chiều, bà cụ già người dân tộc Mông có tên Sùng Thị Sà đều nhờ con cháu đưa ra đầu sàn. Không rõ bà chờ đợi điều gì từ ánh mặt trời le lói hay những sợi tơ nằm trên guồng xa cũ kỹ, chỉ biết là bà vẫn ngồi đây dù cho mưa hay nắng. Đã sống qua gần 90 mùa rẫy, ăn qua hơn 70 mùa măng ở đất Na Pê, huyện Căm Cớt, tỉnh Bôlykhămsay, nước CHDCND Lào này, bà như con nai con hoẵng thuộc rừng quen rú, nhưng cái lòng của người già thì cứ như dòng Nậm Tuồng đã đổ nước về Lào, nhưng vẫn không nguôi nhớ thác ghềnh Keo Nưa trên đất Việt.

Dẫu cuộc sống của những người gốc Việt sinh sống trên đất Lào lâu năm như cụ Sà có nhiều điểm giống với người địa phương nhưng họ vẫn không từ bỏ những phong tục gốc của mình. Họ vẫn lập bàn thờ gia tiên và đặt ở trên cao, nơi trang trọng nhất trong nhà. Các gia đình gốc Việt vẫn chọn cách hung táng rồi cát táng và tổ chức cúng giỗ bố mẹ hàng năm. Thậm chí bà con còn cử ông Vi Văn Pan, thầy cúng của bản về Việt Nam để học cách xây đền thờ cho bản. Đây sẽ là nơi bà con đến để cầu xin mọi điều may mắn cho gia đình và người thân.

Ngoài những ngày Tết của người Lào, họ còn tổ chức đón nguyên đán theo phong tục Việt vào ngày đầu tiên của năm âm lịch. Những năm âm lịch của Lào và Việt Nam không trùng nhau, bà con thường về Việt Nam ăn Tết.  Gia đình nào không về được thì cũng rộn ràng chuẩn bị rượu thịt để mời bà con trong bản đến chơi Tết. Và quan trọng nhất là không thể thiếu được mâm cơm cũng tổ tiên để mời tổ tiên về thăm con cháu.

Trong những ngày Tết, mọi công việc đều gác lại, họ tụ tập nhau lại để ăn uống và chơi đùa suốt một tuần. Trước cửa mỗi gia đình thường treo cờ đỏ búa liềm - biểu tượng của các nước khối xã hội chủ nghĩa. Ai nấy đều mặc quần áo đẹp để đến thăm nhau. Trẻ con được nhận tiền mừng tuổi và tổ chức nhiều trò vui như hát khắp, múa sạp, ném còn hoặc múa lăm vông.

Tết của những người con  xa xứ

Một góc Na Pê

Đã sâu rễ bền gốc trên quê hương mới, được nhân dân các bộ tộc Lào cưu mang, giúp đỡ, nhưng những người Lào gốc Việt như Nguyễn Khắt, Nguyễn Thạch, Vi Văn Tít, Dông Nụ, Sùng Thị Sà… sống dọc dải đất biên giới vẫn nặng lòng hướng về triền Đông chang chang nắng đốt. Ở đó, cha ông họ hay chính bản thân họ đã được mẹ chôn cuống nhau xuống đất ấm để nhắc nhở trong mình vẫn đang chảy một dòng máu Việt Nam. Bà con ở đây chính là sợi dây kết nối tình đoàn kết giữa nhân dân các bộ tộc Lào và nhân dân Việt Nam sống hai bên biên giới, đồng thời cũng là tai mắt cho Bộ đội biên phòng Việt Nam trong việc nắm bắt mọi diễn biến trên khu vực biên giới, cung cấp thông tin về các đường dây tội phạm buôn bán ma túy và hàng lậu từ Lào về Việt Nam.

Giờ đây, nếu có dịp đến thăm nước bạn Lào qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh người ta sẽ thấy những chòm bản yên bình trên biên giới. Ở đó có những người con đất Việt đang sống trên một vùng biên cương xa ngái của nước bạn nhưng vẫn nặng lòng với quê theo một cách mộc mạc, giản đơn mà vô cùng trân quý. Và đến đó, người ta cũng sẽ được thưởng thức rượu cần chếnh choáng, được đắm chìm trong niềm vui bình dị của những đồng bào nơi xa xứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết của những người con xa xứ