Tết bình dị nơi “xóm không chồng”

Trần Sỹ| 08/02/2019 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có lẽ, sau những tháng ngày lầm lũi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì những ngày Tết, những người phụ nữ và mẹ con các gia đình nơi xóm không chồng mới có thời gian rảnh rỗi để ngồi trò chuyện, tâm sự và đón một cái Tết đầm ấm với nhau.

Tết bình dị nơi “xóm không chồng”

Lãnh đạo UBND xã đến thăm hỏi gia đình trong xóm

Những người mẹ đơn thân

Cách TP.Pleiku khoảng 60km, chúng tôi đến với đồi C5 của Công ty 705 (xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vào một buổi chiều tà. Thời tiết se lạnh, những công nhân nơi đây đang tất bật dọn dẹp, cũng như chuẩn bị những thứ cần thiết để đón tết.

Tại đây, 6 ngôi nhà của 6 nữ công nhân nằm sát vào nhau như để thể hiện sự gắn bó, keo sơn của những người phụ nữ không chồng. Họ dựa vào nhau những lúc “mưa gió, trở trời”, hay san sẻ cho nhau những niềm vui trong cuộc sống. Con dốc dài hun hút chỉ có 6 người phụ nữ và 11 người con nương tựa vào nhau mà sống. Điều đặc biệt là cả 6 người phụ nữ này đều chưa một lần được mặc áo cô dâu, thứ mà bao cô gái khác luôn mong muốn. Và tất nhiên, những đứa con của họ cũng hầu như chẳng hề có một người cha hợp pháp. Thấu hiểu được những thiệt thòi khi vắng đi hơi ấm, sự dạy bảo của người cha, nên những người mẹ nơi đây luôn dành hết tất cả sự yêu thương cho các con của mình.

Trong số những người này, có người đến nay đã lên chức bà, cũng có những người con còn nhỏ. Vậy nhưng, dường như nghịch cảnh đã làm cho họ trở nên mạnh mẽ và vượt qua muôn trùng khó khăn trong cuộc sống. Họ vui vẻ nói chuyện, cười đùa với nhau, và nghĩ về tương lai với bao niềm tin và hạnh phúc phía trước.

Theo chân lãnh đạo xã, chúng tôi đến nhà của bà Nguyễn Thị Thảnh, năm nay đã 62 tuổi. Thấy có khách lạ, bà vội chạy ra dẫn chúng tôi vào nhà rồi rót nước đãi khách. Vừa uống xong ngụm nước chè xanh do chính nhà bà trồng được trong vườn, bà tâm sự: Năm 1986, hàng trăm thanh niên từ vùng đất Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) xung phong đi làm công nhân quốc phòng cho Sư đoàn 359 (nay là Công ty 705, Gia Lai). Sự nhiệt huyết, năng nổ của tuổi thanh xuân đã giúp họ khai hoang, mở rộng hàng trăm hecta đất để trồng cà phê và cao su cho Sư đoàn. Nhưng sống ở mảnh đất hoang sơ và hiu quạnh đến rợn người này, các cô gái trẻ bất đắc dĩ phải chấp nhận ở chung với muỗi và vắt. Bệnh sốt rét hành hạ, bom đạn còn sót lại sau chiến tranh luôn bủa vây họ nơi rừng thiêng nước độc.

Bà Thảnh bùi ngùi nhớ lại: “Trước lúc lên đường, chúng tôi chỉ mới tuổi đôi mươi nên ai cũng háo hức, lao đầu vào việc. Vào đây rừng thiêng nước độc, hoang vu lắm, chỉ rừng với rừng, muỗi vắt dày đặc. Có đợt, tôi bị sốt rét rừng vàng da, rụng tóc. Mặc cuộc sống khó khăn trăm bề, ăn uống chẳng no đủ, có bữa phải ăn mít luộc thay cơm. Khó khăn là vậy nhưng chị em đều đồng lòng vượt qua”.

Không “mảnh đất dựng lều”, họ đành ngậm ngùi rủ nhau lên khoảnh đất trống trên đồi C5, người thì mượn tạm lán trại để ở, kẻ dựng chòi tạm mấy chục mét vuông để che mưa che nắng, rồi đi làm thuê kiếm “miếng cơm, manh áo” sống qua ngày. Và rồi… trong những người phụ nữ xuân xanh ấy, họ cũng lần lượt ra đi, tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần, một bến bờ hạnh phúc. Duy chỉ còn lại 6 người phụ nữ, một phần vì đã quá thì, một phần cũng không muốn có sự ràng buộc vì lấy chồng nên họ rủ nhau xúm lại cho vơi bớt sự cô đơn và nỗi buồn.

Thanh xuân, những khi ở một mình, ai mà không buồn, ai mà không cô đơn, vì thế họ đã mạnh dạn xin một vài đứa con để khỏa lấp đi sự trống vắng cũng như niềm yêu thương. Với họ, khi xin con chẳng cần đòi hỏi hay ràng buộc gì ở người đàn ông cho mình đó cả, chỉ cần một người đàn ông đến cho con, rồi đường ai nấy đi, xem như chưa từng quen biết. Chỉ cần được làm mẹ với những đứa con do chính mình sinh ra là họ đã hạnh phúc lắm rồi. Thanh xuân bị “vùi lấp” trong sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, nên khi nghĩ đến cảnh về già có con cháu đỡ đần, chăm sóc cho đỡ tủi thân, hiu quạnh là họ đành nhắm mắt nhịn nhục để “xin” vài đứa con cho mình. Rồi, chuyện gì đến cũng đến, những đứa con lần lượt cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vỡ òa của những người mẹ đơn thân. Từ đây, họ không còn cô đơn một mình nữa.

Tết đoàn viên

Làm mẹ đơn thân vốn chẳng bao giờ dễ dàng, nhất là đối với những người phụ nữ nơi đây, bởi kinh tế khó khăn, nhà cửa bốn bề gió lạnh lùa vào, mưa hắt lên mọi phía. Nhưng bằng tình thương và sự chịu khó, hằng ngày các mẹ luôn “dãi nắng dầm mưa” để mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc để bù đắp cho các con khi vắng đi hơi ấm của cha, còn bản thân mình luôn cam chịu những hy sinh và vất vả.

Hạnh phúc nào hơn, khi nhìn các con của mình ngày một khôn lớn. Vì cuộc sống phải mưu sinh nên những ngày thường trong gia đình, người thì đi làm, người đi học, ít có bữa cơm nào mẹ con được ngồi đông đủ quây quần bên nhau.

Bởi vậy, trong những ngày Tết, khi những bộ quần áo mới được khoác lên người, mẹ con quây quần bên nhau, họ “nâng niu” từng giây phút hạnh phúc này để tâm sự hay gắp từng miếng rau, san sẻ từng miếng thịt cho nhau rồi lại cười toáng lên, chúc nhau một tuổi mới với nhiều niềm vui và hạnh phúc. Đến chiều mồng 1 Tết, các gia đình nơi xóm không chồng không ai bảo ai, cứ thế tập hợp lại một chỗ để đi từng nhà một chúc Tết lẫn nhau. Trong những khoảnh khắc đó, họ ôm lấy nhau, vỗ về an ủi rồi chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.

Bà Trần Thị Bé tâm sự: “Bữa cơm ngày Tết, dù không sắm sanh được mâm cao, cỗ đầy như những gia đình các nơi khác; không có bàn tay, hơi ấm của người đàn ông trụ cột nhưng mẹ con chúng tôi cũng sắm bánh chưng, ít thịt heo, thịt con gà để cúng tổ tiên. Mỗi khi con gắp thức ăn cho mình mà bản thân rưng rưng nước mắt hạnh phúc. Cứ thế, bao khó khăn, nhọc nhằn hay những tổn thương vì những lời nói bông đùa, đàm tiếu trước đây bỗng nhiên tan biến. Nhìn bọn trẻ ngày càng lớn lên khỏe mạnh, biết nghe lời mà trong lòng thầm cảm ơn ông trời đã đưa chúng đến bên tôi”.

Ở cái xóm này, cả 6 người phụ nữ đều cùng một quê, cùng chung cảnh ngộ nên họ thương nhau, coi nhau như ruột thịt. Họ giúp nhau, động viên nhau, nương tựa vào nhau cùng vượt qua những khó khăn để sống và nuôi con. Bà Bé cho biết thêm: “Tôi vào đây từ năm 1999, nơi đất khách quê người này không có họ hàng thân thích. Đến khi bị nông trường thải ra rồi cũng chẳng biết bấu víu vào đâu. Quay về quê thì tuổi cũng đã già, còn biết làm ăn gì được nữa. Vậy là chị em rủ nhau ở lại, đùm bọc nhau mà sống. Lâu lâu ngồi lại với nhau kể chuyện ngày xưa rồi lại ôm nhau khóc. Bây giờ chúng tôi đã già, chỉ mong sao con cái học hành nên người. Đời chúng tôi quá khổ rồi, mong đời con khá hơn”.

Điều đặc biệt và đáng mừng là những đứa con của bà Bé luôn hiếu thảo, chăm chỉ học hành. Hiện bà có ba người con, người con lớn đã lập gia đình, còn hai người đang đi học. Biết mẹ chịu nhiều khổ cực nên các em rất ngoan ngoãn. Đứa thứ hai hiện đang học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, còn đứa út đang học lớp 10 của một trường cấp ba trên địa bàn huyện. “Dù tôi có nhịn ăn, nhịn mặc, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hết mình để các con ăn học đến nơi đến chốn”, bà Bé quả quyết.

Cùng chung niềm vui, bà Thảnh vừa cười, vừa nói: “Thấm thoát đã mấy chục năm, nay đứa con lớn nhà tôi đã lấy chồng bên Đăk Lăk. Còn đứa nhỏ thì đi làm nhân viên bán hàng cho một cây xăng, vài ngày lại gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Từng đồng lương kiếm được, con lại tích góp sắm sanh mỗi lần một ít đồ dùng trong nhà. Đến Tết, con lại chuẩn bị bánh kẹo, hoa quả về với tôi… Sau đó, nếu còn thiếu gì thì hai mẹ con lại dẫn nhau lên chợ xã, chợ huyện mua sắm tiếp. Tuổi ngày càng già, nhưng thấy các con khôn lớn, hiếu thảo với mình nên cũng mát lòng mát dạ”.

Trước những khó khăn nơi đây, để không ai bị bỏ rơi phía sau vì nghèo đói, đến nay các ngôi nhà ở “xóm không chồng” đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ia Grai hỗ trợ xây tặng nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm tình thương”. Những căn nhà giờ đây đã không còn ọp ẹp, xiêu vẹo như trước, cuộc sống của những người mẹ, người bà nơi đây cũng đỡ bộn bề phần nào khi con cái khôn lớn và biết cách đỡ đần việc nhà giúp mẹ.

Ông Lý Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krái cho biết, cả 6 người phụ nữ ở “xóm không chồng” đều có hoàn cảnh khó khăn và có một nửa là hộ nghèo. Hằng năm chính quyền xã cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ như cấp phát về giống, phân bón và vật nuôi. Bên cạnh đó, trật tự trị an nơi đây luôn được đảm bảo. Các cháu, dù sinh ra thiếu vắng sự dạy bảo của cha nhưng chưa bao giờ vi phạm pháp luật. Trái lại, chúng còn chăm lo học hành và làm ăn, có hiếu với mẹ nên kinh tế gia đình ngày một tốt hơn.

Mặt trời dần xuống núi, những ngôi nhà của “xóm không chồng” lại sáng lên những ánh điện. Mặc cho những giọt sương lạnh buông xuống ngoài hiên, nhưng trong nhà vẫn đầm ấm tình thương và đầy ắp tiếng cười. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong ánh mắt của những người phụ nữ luôn ánh lên một niềm tin vào một tương lai tươi sáng từ những đứa con thân yêu của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết bình dị nơi “xóm không chồng”