"Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị"

Hương Lan| 24/12/2014 04:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội thảo khu vực ĐBSCL với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị” vừa diễn ra đã đặt ra nhiều vấn đề, kiến nghị và đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị chưa tương xứng với năng lực

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Bình đẳng giới là một quyền con người cơ bản và là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội. Trong đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau... Thông qua đó, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách, Nghị quyết nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với năng lực, sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Không thể phủ nhận trong xã hội hiện đại, định kiến về giới vẫn còn nhưng chỉ là trong tư tưởng của một số ít người dân. Sự bình đẳng giới, vai trò cân bằng giữa nam và nữ đã được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực chính trị, không chỉ tăng lên về số lượng mà chất lượng phụ nữ tham gia cũng được tăng lên về trình độ và năng lực quản lý. Rất nhiều phụ nữ đã trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý, nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các cơ quan mà mình tham gia. Với những tính cách ưu việt của người phụ nữ Việt Nam, rất nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc.

Việt Nam xếp thứ hạng cao trên thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội

 

Dù xếp thứ hạng cao trên thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhưng Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa tỷ lệ nam và nữ (75,6% và 24,4%) và đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Khu vực ĐBSCL có tỷ lệ nữ tham gia trong cấp ủy Đảng cấp xã cao hơn trung bình cả nước cũng chỉ đạt 19%. Mặc dù công tác cán bộ đã có một bước tiến mới, song tỷ lệ nữ giữ các chức vụ quản lý, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố hiện đạt rất thấp.

Những bất cập cần giải quyết

Với thực trạng trên, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: Định kiến giới vẫn còn tồn tại ở một số cấp lãnh đạo chính quyền, còn biểu hiện khắt khe trong bố trí cán bộ nữ, thiếu tin tưởng về năng lực và đánh giá chưa khách quan, công bằng đối với cán bộ nữ. Đồng thời công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức…. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Chất lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch chưa cao, chủ yếu đưa vào cho đủ số lượng. Có một số tỉnh có tỷ lệ quy hoạch cán bộ nữ cấp ủy cao, song cơ hội trúng cử lại không cao do đại đa số là lãnh đạo cấp phòng, phó ngành (chiếm 90%). Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ nữ còn tự ti, chưa sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được luân chuyển.

Những bất cập về vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị hiện nay càng được thể hiện rõ trong nhiều ý kiến của đại biểu tại hội thảo. Đại biểu tỉnh Hậu Giang đã chia sẻ thực tế của địa phương: Tỷ lệ nữ trong cấp ủy của tỉnh là rất thấp (dưới 10%), không có nữ trong Ban thường vụ. Với thực trạng đó, các bộ và Quốc hội có giải pháp đột phá để giúp cán bộ nữ Hậu Giang tham gia vào lĩnh vực chính trị nhiều hơn không? Đại biểu tỉnh Sóc Trăng đặt vấn đề: Luật Lao động có chi phối Luật Bình đẳng giới không khi Luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của nam - nữ cách nhau 5 năm. Nhưng Luật Bình đẳng giới thì nêu rõ mục tiêu bình đẳng trong lao động, học tập, đào tạo… Đồng thời đại biểu này cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc quy định tuổi quy hoạch đào tạo phân biệt: Nam thì dưới 45, nữ dưới 40 mới được hưởng các chính sách đào tạo.

Trả lời những thắc mắc của đại biểu, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đồng tình với đại biểu và cho rằng hiện nay vẫn còn tồn tại không ít những bất hợp lý trong bình đẳng giới cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo thêm của Chính phủ.

Một nghịch lý còn tồn tại là nếu cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật thì bị xử lý, nhưng khi vi phạm, hoặc không thực hiện đúng pháp luật, nghị quyết về bình đẳng giới thì không bị xử lý. Do đó, sắp tới Chính phủ cũng cần có những biện pháp nhắc nhở hoặc xử lý mạnh hơn đối với việc không thực hiện đúng chủ trương, chính sách về bình đẳng giới, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị.

Năm 2015 và năm 2016 sẽ diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 thì vấn đề tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là vấn đề cần đặc biệt quan tâm để thực hiện được mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới” mà Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị"