Sương Nguyệt Anh: Nữ chủ bút đầu tiên trong làng báo Việt Nam

Hà Kim| 19/06/2018 09:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bằng tất cả tài năng, tâm huyết, Sương Nguyệt Anh đã để lại trong tâm trí người Việt hình ảnh đẹp về một nữ chủ báo đầu tiên, một nhà báo, nhà thơ đa tài và một người tiên phong trong công cuộc đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ nước nhà.

Trong “Nữ thi hào Việt Nam”, Phạm Xuân Độ đã viết những dòng đầy trân trọng về nữ chủ bút đầu tiên trong làng báo chí Việt Nam - nữ sĩ Sương Nguyệt Anh rằng: “Mỗi lần nói đến văn học sử Nam bộ, người ta lại nghĩ tới bà, ngâm những câu thơ tế nhị của bà, nhớ đến tinh thần và chí khí thanh cao mà bà đã nêu gương cho hậu thế. Bà là nữ sĩ Thanh Quan của miền Nam”.

Theo tài liệu ghi chép lại, bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Khuê là con gái thứ tư của nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, sinh ngày 1/2/1864, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Từ nhỏ, bà đã nổi tiếng thông minh, đảm đang, tháo vát. Lớn lên trong gia đình đông người, cha lại mù lòa nên bà sớm biết cách chăm lo cuộc sống. Bà thường giúp cha dạy học, bốc thuốc, chữa bệnh, có thời gian rảnh lại đọc sách, làm thơ. Chính quãng thời gian sống bên cha, bà đã ảnh hưởng tinh thần yêu nước thương dân, khí phách hiên ngang của cha.

Khi cụ Nguyễn Đình Chiểu mở trường ở Ba Tri dạy chữ Nho, học trò đến rất đông, ngoài việc phụ giúp cha trong công việc, bà cũng thường trau dồi, học hỏi, làm thơ xướng. Sương Nguyệt Anh luôn làm thơ, nhắc nhở mọi người hãy nhớ đến cảnh nhà tan, nước mất, phải có ý thức hãy sống sao không hổ với một đất nước có truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng...

Giữa cảnh đất nước đang rên xiết dưới gót quân thù, bên người cha - nhà thơ, chí sĩ tài năng, giàu khí tiết, suốt đời cùng ngọn bút không mệt mỏi đấu tranh vì nhân đạo, vì tự do và người mẹ hiền thục, tảo tần, bà sớm được thừa hưởng chí cha, đức mẹ, có bản lĩnh hơn người và luôn nuôi ước vọng tạo nên “một sự nghiệp”.

Năm 1888, cha mất, Tri phủ Ba Tường đến hỏi bà làm vợ không được nên mang lòng oán hận, tìm cách hãm hại. Để tránh họa, bà cùng gia đình người anh là Nguyễn Đình Chúc chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một Phó Tổng sở tại góa vợ tên Nguyễn Công Tính và sinh được một con gái. Năm con gái được 2 tuổi thì chồng bà mất. Bà ở vậy nuôi con, và thêm vào bút danh Nguyệt Anh của mình một chữ “Sương” (Sương trong nghĩa sương phụ là người đàn bà góa), với ý nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng, bên cạnh nhiều bút danh khác như Xuân Khuê, Nguyệt Nga…

Sương Nguyệt Anh: Nữ chủ bút đầu tiên trong làng báo Việt Nam

Chân dung chủ bút đầu tiên trong làng báo Việt Nam - Sương Nguyệt Anh

Cuối năm 1917 đầu năm 1918, nhận lời mời của viên Tổng lý báo chí Nam Kỳ là Trần Văn Chim, Sương Nguyệt Ánh lên Sài Gòn, làm chủ bút tờ Nữ giới chung (Tiếng chuông giới phụ nữ) - tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam.

Nữ giới chung tập hợp những cây bút báo chí khá tiến bộ, lên tiếng đòi nam nữ bình quyền, thúc giục, vận động giới phụ nữ hãy học hành, đấu tranh được ngang hàng với nam giới...; lấy những gương sáng của phụ nữ các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ để khuyến khích chị em; với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tòa soạn báo đặt tại số nhà 155 đường Taberd, Sài Gòn lúc bấy giờ (nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TP Hồ Chí Minh), có những bài thơ đề cao tinh thần quật khởi của các nữ anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, hoặc đăng những bài thơ đề cao nữ quyền, trong đó có những câu nói rõ tiêu chí của tờ báo:

Vang lừng nữ giới những hồi chuông,

Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng...

Trong một bài bàn về nữ quyền, Sương Nguyệt Anh viết:

“Thời thế bể dâu, cục diện đã khác...

Ngày nay ngọn sóng Âu tràn qua Nam Hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, học thuật thế kia. Trông người mà ngẫm đến ta, tình cảm buồn mà không buồn, lại buồn cảnh bông tàn trăng khuyết, lý tưởng làm sao mà lạ vậy?

Kìa ta mở cặp mắt ngó ra Hoàng Hải, người Âu Mỹ làm thầy giáo cũng đàn bà, mà thầy kiện (luật sư) cũng đàn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ người nam tử. Ấy cái học người ta như thế, há như người mình không bệnh mà rên!

Chị em ơi!... Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam giới thì (chẳng những) việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, tình thế trong ngoài cũng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ, song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng".

Nữ giới chung là tờ tuần báo, ra vào ngày thứ Sáu, số đầu tiên ra vào ngày 01/02/1918, với 18 trang nội dung và 8 trang quảng cáo. Báo có các chuyên mục là phần xã thuyết, văn nghệ, dạy gia chánh, học nghề cùng các trang cách ngôn, lời hay ý đẹp và mẹ con nói chuyện. Tờ Nữ giới chung còn đăng những bài thơ khuyên thanh niên Việt Nam không nên đi lính cho Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918, trong đó có bài Chinh Phụ thi của Sương Nguyệt Anh.

Sương Nguyệt Anh: Nữ chủ bút đầu tiên trong làng báo Việt Nam

Ấn phẩm Nữ giới chung do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút

Là tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, Nữ giới chung cũng là tờ báo đầu tiên chú trọng tới việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe đối với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ. Ngay từ những số báo đầu tiên, Nữ giới chung đã có ảnh hưởng không nhỏ, khiến mật thám Pháp e ngại. Vào tháng 07/1918, tờ Nữ giới chung bị đình bản.

Trong suốt 20 số báo, bà Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình để góp phần làm chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Bà là một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ “Nữ giới chung” nhiều vấn đề về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội.

Bà không những có vai trò to lớn trong việc làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam khi đó, đồng thời tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như “Phụ nữ tân văn”, “Phụ nữ thời đàm”.

Rời Sài Gòn đầu năm 1919, bà Sương Nguyệt Anh trở lại Ba Tri, khi này sức yếu và mắt kém, không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng bà vẫn tiếp tục dạy học, thổi lửa cho những tâm hồn yêu nước, yêu văn thơ và vẫn nối nghiệp cha bốc thuốc giúp đời, sáng tác thơ văn. Bà tạ thế ngày 04/01/1921, thọ 57 tuổi.

Cho tới nay, mỗi khi nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta vẫn nhắc tời bà như một tấm gương hoạt động cho giới nữ không ngừng nghỉ. Tên tuổi của bà được nhắc nhiều trên văn đàn công khai ở Nam bộ trong những năm đầu thế kỷ XX. Hiện nay tên bà được đặt cho một con đường ở quận 1 và một ngôi trường ở quận 10, TP Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sương Nguyệt Anh: Nữ chủ bút đầu tiên trong làng báo Việt Nam