Sonadezi Long Thành xả thải đầu độc rạch Bà Chèo

congly.com.vn| 13/04/2012 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng tôi trở lại Xã Tam An huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai hơn 8 tháng kể từ khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường bắt quả tang nhà máy xử lý nước thải của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành xả hàng ngàn m3 nước thải chưa qua xử lý đầu độc rạch Bà Chèo.

8 tháng qua, sự kiện trên trở thành đề tài nóng trên các phương tiện truyền thông. Đến thời điểm này, đã có tổng cộng hơn 270 đơn kiện của người dân đòi Sonadezi Long Thành bồi thường với tổng thiệt hại gần 19 tỉ đồng.

Cống xả nước thải của Sonadezi Long Thành

Nông dân Tam An bao đời nay sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,… Cuộc sống trước đây trong trí nhớ của mọi người thì “không giàu nhưng cũng đủ sống” và rất thanh bình. Đầu những năm 90, nhiều gia đình ở Tam An chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đây, khắp xã cây công nghiệp lên xanh mơn mởn, những hộ ít đất sản xuất thì theo nghề chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và cuộc sống vì thế mà đi lên. Ông Nguyễn Văn Hải (ấp 2), trầm ngâm tiếc nhớ những ngày tươi đẹp : "Nhà tôi bao đời nay làm nghề nuôi trồng thủy sản ở rạch Bà Chèo, trước đây vùng này cá nhiều lắm, đặc biệt tôm càng xanh thì ngon có tiếng. Nhưng từ năm 2004 đến nay tôm cá cứ vắng dần, cả xã có mấy chục hộ làm nghề chài lưới nhưng nay họ bỏ nghề hết rồi”.

Ông Nguyễn Văn Trai (ấp 3) dẫn chúng tôi đi “thị sát” tình hình. Ông bảo, trước ông từng làm Chủ tịch rồi Bí thư xã này nên ông hiểu dân Tam An. Ông nói: Cái lợi từ khu công nghiệp Long Thành đưa lại, theo người dân trong xã họ chẳng được hưởng là bao. Việc xây nhà trọ cho thuê thì những người trên thị trấn có vốn về mua đất để xây, buôn bán thì chỉ một số ít người có điều kiện mới làm được. Tìm việc làm trong khu công nghiệp thì nhiều công ty không nhận thanh niên địa phương. Vậy là, đa số người dân Tam An vẫn bám ruộng, bám vườn.

Nước thải của Sonadezi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Ảnh: Thanh niên)

Tuy nhiên, những năm qua, biết bao nông dân xứ này đã phải chặt bỏ hàng trăm cây công nghiệp vì nguồn nước bị ô nhiễm. Ông Trai buồn bã: “Năm 1997 tôi trồng 200 gốc sầu riêng, sau đó mỗi năm, nhà tôi thu hoạch trên dưới 200 triệu đồng từ loại cây này. Nhưng nguồn nước ô nhiễm quá, sầu riêng cứ chết dần nên nhà tôi đã chặt bỏ hết rồi”.

Những năm qua, ngoài ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, mất việc làm,… người dân nơi đây còn gánh chịu thêm cảnh những chiếc xe tải chở đất hoạt động suốt ngày trên Hương lộ 21. Từ sáng sớm đến chiều tối trên con đường này có hàng trăm xe tải ầm ào hoạt động. Hương lộ 21 vì thế mà xuống cấp trầm trọng với la liệt ổ voi, ổ gà. Đường đi khó, nên người dân Tam An hiện đã coi Hương lộ 21 là đường chỉ giành riêng cho xe tải chở đất ?

Ông Võ Văn Luật, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết: Hiện huyện cũng đã mở nhiều lớp dạy nghề cho những lao động mất đất sản xuất do di dời xây dựng khu công nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số người dân không muốn đi học. Một số công ty không nhận thanh niên địa phương vào làm việc là do thanh niên vùng này trước làm ở các công ty thường quậy phá, đánh lộn. Những thiệt hại do Sonadezi Long Thành xả thải gây ra dân cũng đang bức xúc, song xã phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng mới trả lời người dân được.

Vừa qua, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM đã xác định mức độ thiệt hại do việc xả thải của Công ty Sonadezi Long Thành gây ra tại Tam An. Theo đó, có 113,6ha/682,8ha diện tích tự nhiên của lưu vực rạch Bà Chèo bị ảnh hưởng do nước thải của nhà máy xả ra. Trong đó, thiệt hại về sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên là 100%; về cây trồng trên cạn của nhóm cây ăn trái là 100% đối với cây trồng trên 5 năm tuổi, tính đến đầu năm 2008. Thiệt hại đối với cây trồng tại khu vực là do tác động cùng lúc 3 yếu tố: ngập úng, nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai, những hộ dân bị thiệt hại do việc xả thải của Sonadezi Long Thành sẽ được đền bù. Hiện Sở đang tiếp tục điều tra về mức độ thiệt hại của những người dân nơi bị ô nhiễm và sau đó sẽ đồng ý mức đền bù cụ thể đối với các hộ. Ông Trai bức xúc: Từ tháng 8/2011, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) bắt quả tang công ty xả thải chưa đạt chuẩn ra môi trường, từ đó đến nay dân cứ chờ đợi, hi vọng. Ngày 27-2, chúng tôi lên gặp UBND xã để hỏi tình hình, sau đó nghe xã nói là ngày 27-3 chúng tôi sẽ được trả lời. Tuy nhiên giờ đã qua ngày 27-3 mà vẫn chưa thấy gì càng làm cho người dân xã Tam An không thể an lòng ngồi chờ!

Công Phong

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sonadezi Long Thành xả thải đầu độc rạch Bà Chèo