Quyền hình ảnh cá nhân trên báo chí: Những khoảng trống cần lấp đầy

Bảo Nam| 18/06/2015 14:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có chế định về quyền hình ảnh của cá nhân và quyền thông tin của báo chí, nhưng thực tế đã phát sinh những khoảng trống cần phải quy định cụ thể.

Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình nên việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Ngoài ra, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chỉ cho phép báo chí đăng ảnh những người có lệnh truy nã, các phiên tòa xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án… và các trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tuy nhiên, trên  thực tế, không ít trường hợp quyền hình ảnh cá nhân bị vi phạm. Một người thực hiện hành vi phạm tội nếu họ chưa bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật thì chưa bị coi là có tội. Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng... và báo chí phải có thái độ tôn trọng quyền nhân thân, hình ảnh, tài sản của người chưa có tội. Ở một số nước, kể cả phiên tòa được xét xử công khai, thì báo chí cũng chỉ được quyền đăng hình ảnh minh họa. Việc quy định chặt chẽ về quyền hình ảnh đối với báo chí ngay cả khi đang xét xử nhằm đề cao quyền con người, không làm cho công lý bị tác động, chi phối thông qua “bản án dư luận”...

Nghị định 51/2002/NÐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ đã điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí "không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó", trừ một số trường hợp cụ thể. Ðiều 5 khoản 3 Nghị định 51 đã loại bỏ yêu cầu phải có sự đồng ý của chủ nhân hay người được giao quyền sử dụng hình ảnh. Một số ý kiến cho rằng quy định trên không phù hợp với tinh thần của Ðiều 31 BLDS và không đủ để bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh, đi ngược với xu thế đề cao quyền bí mật đời tư cá nhân.

Quyền hình ảnh cá nhân trên báo chí: Những khoảng trống cần lấp đầy

Báo chí được đăng ảnh các phiên tòa xét xử công khai

Tại hội nghị của Bộ TT&TT góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi vừa qua, đối với quyền của cá nhân với hình ảnh, ý kiến của Bộ là quy định hiện hành về cơ bản là đúng, nhưng không cần quá chặt chẽ rằng "việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó", khi không quy định cụ thể thế nào là đồng ý.

Trong khi đó, các quy định của báo chí, xuất bản, thông tin trên cơ sở tôn trọng các quyền công dân do hiến định có những quy định phù hợp hơn tạo điều kiện cho các nhà báo khi tác nghiệp như nếu không vi phạm các điều cấm như "xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân" thì nếu cá nhân không có ý kiến phản đối đương nhiên được sử dụng hình ảnh để phục vụ thông tin đầy đủ trong bài báo.

Trong dự thảo mới, quy định "Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý" là không sát thực tế, do trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội thông tin điện tử, việc sử dụng hình ảnh con người là không thể thiếu và là yêu cầu đặc thù của sự việc đòi hỏi phải có, là xu thế chung và phổ biến trong cả nước cũng như trên thế giới.

Do vậy, bộ luật cần quy định cụ thể hơn theo hướng tạo ra nguyên tắc nếu sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích thu lợi nhuận phải được người đó đồng ý và trả tiền thù lao theo hợp đồng. Còn trong trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, pháp luật một số nước cũng đưa ra các hạn chế đối với việc sử dụng hình ảnh của một số đối tượng yếu thế lên các phương tiện thông tin đại chúng nếu không được người đó hoặc người bảo hộ của người đó đồng ý như đối với người khuyết tật, trẻ em, người mất năng lực hành vi...

Quy định theo hướng như đã nêu sẽ vừa đảm bảo quyền lợi vật chất cho người có hình ảnh, vừa tạo điều kiện cho các chủ thể khác sử dụng hình ảnh của người khác một cách thuận lợi mà không vi phạm đến quyền về hình ảnh của cá nhân người khác, là ý kiến của Bộ TT&TT.

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, cũng như các quyền nhân thân khác của cá nhân, được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề tương đối mới trong pháp luật Việt Nam, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Trong khi đó, các hành vi xâm phạm ngày càng phức tạp và tinh vi, được hỗ trợ bởi các thiết bị hiện đại và internet. Ðể đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới, phù hợp với xu thế của thế giới tăng cường bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần sớm điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành, loại bỏ những khoảng trống và bất hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền hình ảnh cá nhân trên báo chí: Những khoảng trống cần lấp đầy