Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trải lòng về làm báo thời CMCN 4.0

Vũ Minh (Thực hiện)| 21/06/2019 06:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với nhà báo Đặng Tiến Trung, Trưởng phòng Tin nhanh, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xung quanh câu chuyện làm báo thời cách mạng công nghiệp 4.0.

PV: Cuộc CMCN 4.0 mang lại thay đổi vô cùng to lớn về mọi mặt đối với thế giới hiện nay, trong đó có báo chí. Câu chuyện này tác động như thế nào tới công việc của các phóng viên mảng quốc tế tại TTXVN?

Nhà báo Đặng Tiến Trung: Như chúng ta đã biết, CMCN 4.0 được hiểu là một cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ mà ở đó các hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo. Cuộc cách mạng này rõ ràng đã và đang tác động mạnh mẽ đến nền báo chí Việt Nam ở nhiều chiều khác nhau. Vì vậy, các cơ quan báo chí, trong đó có TTXVN với vai trò là một ngân hàng thông tin quốc gia, buộc phải có những điều chỉnh trong quy trình sản xuất sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức sản xuất thông tin để nâng cao chất lượng thông tin, đẩy nhanh tốc độ thông tin nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng đa dạng và đòi hỏi khắt khe của độc giả, cũng như là các khách hàng. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các phóng viên mảng thông tin quốc tế đối nội của TTXVN.

Phóng viên mảng thông tin quốc tế của TTXVN hiện đang hoạt động thường trú tại 30 cơ quan thường trú ngoài nước thuộc 28 quốc gia, trải đều khắp 5 châu lục. Trong thời đại CMCN 4.0, trước sự cạnh tranh gay gắt của các cơ quan truyền thông, phóng viên mảng quốc tế của TTXVN luôn phải căng mình tác nghiệp với cường độ và tốc độ cao để có thể cho ra đời những sản phẩm thông tin quốc tế chuyên biệt, mang đậm dấu ấn phóng viên TTXVN mà không lo “đụng hàng” với bất kỳ cơ quan báo chí nào.

Để làm được điều này, bản thân mỗi phóng viên TTXVN ngoài việc phải luôn tự học hỏi và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, chúng tôi còn phải tự tìm tòi và học hỏi về công nghệ thông tin, kỹ thuật số để nắm bắt và làm chủ các công nghệ ứng dụng cần thiết đối với hoạt động báo chí, hòa nhịp với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong thời kỳ CMCN 4.0. Đến nay, các sản phẩm thông tin quốc tế của TTXVN luôn được độc giả và khách hàng tin tưởng, đánh giá cao. Đó là một thành công và niềm tự hào của những phóng viên mảng quốc tế TTXVN chúng tôi.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trải lòng về làm báo thời CMCN 4.0

Nhà báo Đặng Tiến Trung

PV: Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong thời kỳ CMCN 4.0 hiện nay đối với các phóng viên, nhà báo là ngoại ngữ. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp làm báo thông tin trong nước, nhất là các phóng viên trẻ?

Nhà báo Đặng Tiến Trung: Tất nhiên, ngoại ngữ luôn là một trong những yếu  tố quan trọng hàng đầu đối với nhà báo trong thời kỳ CMCN 4.0 hiện nay, khi mà toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ từ lâu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có báo chí, truyền thông.

Đối với một phóng viên, nhà báo, khi nắm vững được ngoại ngữ chủ đạo hiện nay là tiếng Anh, nghĩa là phóng viên, nhà báo đó sẽ có thể làm chủ mảng công việc của mình dù là ở trong nước hay nước ngoài, có thể tra cứu những thông tin trên mạng nước ngoài liên quan lĩnh vực mà mình đang cần thông tin tác nghiệp. Và quan trọng hơn, ngay cả trong trường hợp phải đi tác nghiệp ở nước ngoài, việc nắm vững ngoại ngữ bản địa, hoặc tiếng Anh, sẽ giúp phóng viên, nhà báo đó dễ dàng tác nghiệp trong môi trường ngôn ngữ như ở trong nước mà không có gì phải lo lắng hay e ngại về mặt ngôn ngữ. Điều đó sẽ giúp việc tác nghiệp của phóng viên, nhà báo trở nên dễ dàng.

Với các phóng viên mảng quốc tế của TTXVN, nhìn chung chúng tôi đều nắm vững ít nhất hai ngoại ngữ, là tiếng Anh và ngôn ngữ của địa bàn công tác. Ngoài trình độ chuyên môn, đây cũng là yếu tố hàng đầu trong việc tuyển chọn phóng viên TTXVN đi thường trú tại nước ngoài. Việc nắm vững hai ngoại ngữ sẽ giúp các phóng viên TTXVN dễ dàng tiếp nhận và xử lý thông tin trong mọi điều kiện và hoàn cảnh khi tác nghiệp tại nước ngoài.

Mặc dù vậy, chúng ta cũng luôn luôn phải trau dồi tiếng Việt, bởi dù có giỏi ngoại ngữ đến mức nào thì ngôn ngữ chính mà chúng ta cần chuyển tải đến độc giả vẫn là tiếng Việt.

PV: Môi trường công nghệ số mở ra rất nhiều tiện ích phục vụ công việc của các nhà báo. Tuy nhiên, mặt trái của nó gây ra những tác động không nhỏ, ví dụ như trong việc sàng lọc, kiểm chứng thông tin...Theo kinh nghiệm làm tin quốc tế của anh, các phóng viên cần làm gì để hạn chế các tác động này?

Nhà báo Đặng Tiến Trung: Đúng là công nghệ số đem lại rất nhiều tiện ích và tiện lợi cho các nhà báo, nhưng cũng gây ra những tác động không nhỏ đối với việc sàng lọc và kiểm chứng thông tin, đặc biệt là những thông tin xuất hiện trên mạng xã hội hay những thông tin xuất hiện dưới dạng Fake News (tin giả). Vì vậy, việc  sàng lọc và kiểm chứng thông tin trong những trường hợp như vậy là vô cùng quan trọng. Nếu làm không tốt khâu này, chắc chắn nhà báo sẽ gây ra thảm họa thông tin, đẩy tòa soạn vào tình thế khó khăn.

Theo kinh nghiệm làm thông tin quốc tế của tôi, để tránh những trường hợp như vậy, khi lấy thông tin trên mạng, chúng ta cần kiểm tra kỹ nguồn thông tin, hạn chế tối đa việc lấy thông tin qua các nguồn tin không xác thực trên mạng xã hội, hay các trang mạng thiếu uy tín. Khi cần kiểm chứng một thông tin nào đó, chúng ta nên tra cứu và đối chiếu kỹ lưỡng với các trang mạng của những báo lớn, các hãng truyền thông uy tín. Phần lớn các thông tin quan trọng đều được các báo, hãng thông tấn lớn đưa tin. Vì vậy, khi kiểm chứng thông tin, nếu thấy các hãng cũng đưa như vậy  nghĩa là thông tin chúng ta đang kiểm chứng có độ an toàn cao, đảm bảo tính chính xác và đảm bảo sự an toàn cho tòa soạn, và cho cả nhà báo.

Đối với mảng quốc tế của TTXVN, chúng tôi còn có thể kiểm chứng bằng cách liên lạc trực tiếp với phóng viên thường trú tại địa bàn ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin. Trong trường hợp không kiểm chứng được thông tin trên mạng thì đây là cách tốt nhất để chúng tôi có thể kiểm chứng thông tin ở nước ngoài.

PV: Đạo đức người làm báo trong thời kỳ CMCN 4.0 là vấn đề bức thiết phải đặt ra đối với các nhà báo hiện nay khi mà rừng thông tin vàng thau lẫn lộn bày sẵn trước mặt vào mỗi sáng thức giấc. Các phóng viên quốc tế đối mặt với câu chuyện này ra sao, thưa anh?

Nhà báo Đặng Tiến Trung: Mỗi tờ báo có tôn chỉ, mục đích hoạt động khác nhau. Là cán bộ, phóng viên của một hãng thông tấn quốc gia, một cơ quan báo chí chính thống nên chúng tôi luôn hoạt động với tôn chỉ mục đích hàng đầu là tôn trọng độc giả và đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Chúng tôi không chạy theo những thông tin của “báo lá cải” hay những thông tin mang tính chất giật gân câu khách, câu view rẻ tiền, mà tập trung vào những thông tin đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn thông tin để đăng tải được chúng tôi tiến hành hết sức khắt khe và thận trọng, trải qua nhiều khâu kiểm duyệt và biên tập kỹ lưỡng trước khi đưa thông tin đến với khách hàng và độc giả.

PV: Anh có thể bật mí một chút với các đồng nghiệp làm tin trong nước về công việc làm thông tin quốc tế hàng ngày tại TTXVN?

Nhà báo Đặng Tiến Trung: Ban Biên tập tin Thế giới nơi tôi đang công tác hiện là đơn vị chủ lực làm công tác thông tin quốc tế đối nội của TTXVN. Ngoài việc sản xuất các loại hình thông tin text và hình phục vụ khách hàng, chúng tôi còn sản xuất nhiều loại hình thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các ban, ngành của đất nước.

Giống như nhiều cơ quan báo chí trong nước hiện nay, chúng tôi cũng sản xuất thông tin quốc tế dựa trên thông tin của các hãng thông tấn và các báo nước ngoài. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng nhất là so với tất cả các cơ quan báo chí khác trong nước hiện nay, chúng tôi hiện có đội ngũ phóng viên quốc tế vào loại hùng hậu nhất, với gần 100 phóng viên thường trú tại 30 cơ quan thường trú ở nước ngoài. Đây là những phóng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, dày dạn kinh nghiệm, luôn hoạt động tích cực, góp phần quan trọng làm nên thương hiệu TTXVN uy tín trong nhiều năm qua.

PV: Xin cảm ơn anh. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trải lòng về làm báo thời CMCN 4.0