Phòng chống tệ nạn xã hội còn gặp nhiều khó khăn

Hà Hoa| 17/12/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán người ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Tình hình mại dâm, ma túy còn phức tạp

Ngày 15/12, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ – TB&XH) đã tổ chức Hội thảo quốc tế tham vấn đối tác về lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội tại Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội được nêu tại Hội thảo, tính đến tháng 7/2014, số người bán dâm ước tính là gần 33.000 người. Tuy nhiên theo đánh giá của các tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì số người bán dâm thực tế ước tính là 200.000 người. Con số này cao xấp xỉ so với số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý hiện nay (204.377 người tính đến tháng 9/2014). Tổng số có người bán dâm hồ sơ quản lý là 9.171 người, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ; Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Bộ LĐ – TB&XH cho biết, hiện cả nước có 2.348 đội tình nguyện được thành lập tại 33 tỉnh thành với 15.695 tình nguyện viên đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Để có cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, việc xây dựng mô hình hỗ trợ được tiếp tục chỉ đạo thí điểm ở 40 tỉnh, thành phố với kinh phí hơn 5 tỷ đồng.

Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đã được ban hành hơn 10 năm, do vậy, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới; chưa có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ người bán dâm, thiếu một hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, thân thiện với người bán dâm và nạn nhân của bóc lột tình dục.

Hiệu quả các hoạt động phòng ngừa chưa cao, không đủ sức răn đe. Ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, do vậy, nhiều nhiệm vụ chỉ được thực hiện lồng ghép hoặc chỉ trong một thời điểm nên hiệu quả hạn chế. Quy định chưa khuyến khích cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng.

Phòng chống tệ nạn xã hội còn gặp nhiều khó khăn

Học nghề khâu bóng tại một trung tâm cai nghiện ma túy

 

Tại Việt Nam, tỷ lệ người nghiện ma túy, ma túy tổng hợp không ngừng tăng qua các năm, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng... trong 20 năm từ 1994-2014 đã có 583.900 lượt người được cai nghiện. Trung bình mỗi năm cai nghiện cho 29.000 người, tương đương với 26% số người nghiện có hồ sơ quản lý trung bình hàng năm. Số người cai nghiện tại trung tâm chiếm 67,2%, cai nghiện tại cộng đồng chiếm 32,8%. Công tác cai nghiện phục hồi trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ an ninh, trật tự xã hội, giảm lây nhiễm HIV, gánh nặng kinh tế cho gia đình, xã hội.

 

Nguyên nhân chính là do cai nghiện nhiều nơi vấn còn mang tính hình thức. Quy định của pháp luật không khuyến khích người tư nguyện cai nghiện tại cộng đồng, hoạt động chưa có chiều sâu, thiên về quản lý hành chính, chưa chú trọng kết nối các dịch vụ, năng lực các bộ còn hạn chế, vị trí của các trung tâm cai nghiện không thuận tiện...

Tội phạm buôn bán người ngày càng tinh vi

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2014, tình hình tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức. Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Cămpuchia và Lào, trong đó, địa phương xảy ra nhiều vụ mua bán người là Hà Giang: 120 vụ, Lào Cai 104 vụ, Lai Châu 80 vụ… Hoạt động mua bán người không chỉ xảy ra ở phụ nữ, trẻ em gái mà cả đàn ông cũng bị mua bán như ở Lào Cai, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Giang…

Theo thống kê, có trên 90% số vụ mua bán người là mua bán ra nước ngoài, tuy nhiên, thời gian gần đây phát hiện càng nhiều vụ mua bán người trong nước, ép nạn nhân làm mại dâm hoặc lao động cưỡng bức như: Công an thành phố Hà Nội khám phá 25 vụ, bắt 49 đối tượng, Công an thành phố Hải Phòng khám phá 7 vụ, bắt 17 đối tượng, Công an tỉnh Tây Ninh bắt 22 đối tượng, liên quan đến 105 nạn nhân.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do phần lớn nạn nhân còn mặc cảm tâm lý, không khai báo với chính quyền địa phương, trình độ học vấn thấp, gia đình thiếu sự quan tâm; xã hội còn kỳ thị, thiếu các chính sách cụ thể trong hỗ trợ vay vốn, học nghề, tìm việc làm… nên ảnh hưởng tới tiến trình hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân.

Bên cạnh đó, hệ thống thu thập thông tin, dữ liệu về tình hình nạn nhân bị mua bán trở về địa phương hiện nay còn hạn chế, chưa được cập nhật thường xuyên gây khó khăn cho công tác hỗ trợ nạn nhân, cũng như cho công tác phòng, chống mua bán người nói chung... Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại địa phương còn thiếu và yếu... Trong khi đó, nguồn ngân sách chi thường xuyên cho công tác này không có hoặc rất thấp nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống TNXH cho biết, tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán người ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương. Để phù hợp với tình hình thực tế, việc tiếp cận trong công tác này ở các nước là có sự khác nhau, vì vậy rất mong muốn các tổ chức xã hội, quốc tế không ngừng hỗ trợ, phối hợp với Việt Nam để công tác phòng chống tệ nạn xã hội ngày càng có hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống tệ nạn xã hội còn gặp nhiều khó khăn