Phòng chống mua bán người ngay từ mỗi gia đình

Đặng Giang| 06/12/2018 08:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với đường biên giới trên đất liền dài khoảng 119km cùng nhiều cửa khẩu, đường tiểu ngạch thông thương với Trung Quốc, Quảng Ninh là địa bàn thuận lợi cho nhiều loại tội phạm hoạt động, trong đó có tội phạm mua bán người qua biên giới.

Thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi

Trong mấy năm gần đây, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh gia tăng đột biến. Điều đáng nói là, bọn buôn người luôn tìm mọi hình thức, mánh khóe, câu móc, dụ dỗ các nạn nhân, kể cả người thân để bán ra nước ngoài hòng kiếm lời. Các vụ mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc được các lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, bắt giữ trong thời gian gần đây phần lớn đều liên quan đến các đối tượng là phụ nữ Việt Nam lấy chồng hoặc làm nghề mại dâm ở Trung Quốc.

Các đối tượng trên đã có sự câu kết chặt chẽ với số đối tượng ở nội địa hình thành các đường dây mua bán người qua biên giới, đưa dẫn nạn nhân bằng cả đường bất hợp pháp (xuất nhập cảnh trái phép) và hợp pháp (xuất nhập cảnh hợp pháp qua cửa khẩu).

Hơn nữa, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người cũng ngày càng tinh vi hơn. Nếu như trước kia còn có đối tượng hoạt động riêng lẻ thì giờ đây chúng thường tổ chức thành đường dây, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, lấy khu vực biên giới làm địa bàn trung gian để giao nhận người bị lừa bán. Để “chắc ăn”, nhiều đối tượng còn làm hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh cho nạn nhân, khi sang Trung Quốc chúng mới thu lại, nhằm tránh cho nạn nhân bỏ trốn.

Đối tượng mà tội phạm mua bán người thường “để mắt” tới là những phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin. Với thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt những đối tượng này đi tìm việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao, sau đó đưa thẳng ra biên giới Móng Cái lừa sang Trung Quốc bán. Hay số phụ nữ thích ăn chơi, đua đòi, lười lao động luôn được đối tượng đưa ra khu vực biên giới tham quan du lịch, thăm người thân, mua hàng hoá giá rẻ... rồi lừa đưa đi Trung Quốc bằng cách làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp hoặc vượt biên giới trái phép.

Phòng chống mua bán người ngay từ mỗi gia đình

Đối tượng Nguyễn Thanh Tuyên

Khi sang đến Trung Quốc, đối tượng ép nạn nhân phải thực hiện theo ý định của chúng. Số nạn nhân bị lừa bán chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tập trung ở các tỉnh, như: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... Địa bàn hoạt động của tội phạm mua bán người qua biên giới Quảng Ninh tập trung chủ yếu ở các phường Hải Hoà, Ka Long, Trần Phú, Ninh Dương và Hải Yên (Móng Cái). Đặc biệt, số nạn nhân do các lực lượng chức năng giải cứu chủ yếu là ở các tỉnh khác, hầu như không phát hiện nạn nhân nào là người có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Quảng Ninh.

Dùng lương cao “câu” đến 4 nạn nhân

Chỉ tính riêng tại địa bàn TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), 5 năm qua lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 30 vụ, 46 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 40 phụ nữ, 11 trẻ em, trong đó có 4 trẻ sơ sinh. Công an TP. Móng Cái phối hợp với các Đồn Biên phòng và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận từ Cục Công an thị xã Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc 116 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.

Gần đây nhất, vào ngày 8/8/2018 vừa qua, Công an TP. Móng Cái đã phá thành công một vụ mua bán người và bắt giữ đối tượng Nguyễn Thanh Tuyên (SN 1996, trú tại thôn 8, xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh). Nạn nhân trong vụ án này là chị H.P.Y. (SN 2001, trú tại trị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La).

Trước đó, vào đầu tháng 8/2018, Công an TP. Móng Cái nhận được tin trình báo của chị H.P.Y. (SN 2001, trú tại trị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) về việc bị một nam thanh niên tên là Hạo Thiên lừa bán sang Trung Quốc làm gái bán dâm. Chị Y cho biết, chị và Hạo Thiên có quen biết với nhau thông qua Facebook. Sau một thời gian nói chuyện, Hạo Thiên biết hoàn cảnh gia đình Y rất khó khăn. Gia đình làm nông, bản thân lại là con cả trong gia đình nên chị Y luôn muốn tìm được việc để cải thiện thu nhập.

Khi nắm bắt được hoàn cảnh của Y, Hạo Thiên đã rủ chị đến làm nhân viên ở một quán bar tại TP. Móng Cái với mức thu nhập từ 35-40 triệu đồng/tháng. Do nhẹ dạ, cả tin và bị choáng ngợp bởi mức thu nhập hấp dẫn, việc nhẹ, lương cao nên chị Y đã nhận lời. Sau đó, Y đón xe từ nhà xuống TP. Móng Cái để gặp Hạo Thiên.

Phòng chống mua bán người ngay từ mỗi gia đình

Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ các đối tượng mua bán người

Tại đây, Hạo Thiên đã giao Y cho 2 người đàn ông quốc tịch Trung Quốc làm nghề bảo kê, trông coi gái mại dâm ở Trung Quốc. Hai đối tượng này đã đưa chị Y đến Quảng Châu, Trung Quốc. Để ép chị “tiếp khách”, bọn chúng đã dùng mọi thủ đoạn từ đánh đập, tra tấn đến đe dọa về tinh thần. Đến khoảng đầu tháng 8/2018, chị Y bỏ trốn và về được TP. Móng Cái. Ngày 3/8, chị Y nhìn thấy kẻ đã lừa bán mình đang ở gần bến xe khách Móng Cái nên đến Công an TP. Móng Cái trình báo. Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Công an TP. Móng Cái đã triệu tập Hạo Thiên đến cơ quan Công an để làm việc.

Tại cơ quan Công an, Hạo Thiên khai nhận tên thật là Nguyễn Thanh Tuyên, có quan hệ quen biết với một người quốc tịch Trung Quốc làm chủ một số cơ sở mại dâm tại Trung Quốc tên là A Sin. A Sin và Tuyên đã bàn bạc, thống nhất với nhau về việc lừa dẫn phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc để làm việc tại các cơ sở mại dâm này. A Sin đã chỉ đạo Tuyên tìm hiểu về những trường hợp phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ, cả tin để đưa sang Trung Quốc. Sau khi thực hiện trót lọt, tại Trung Quốc, Tuyên sẽ được A Sin trả “hoa hồng”. Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã có đủ căn cứ để xác định, ngoài việc bán chị Y cho “động” mại dâm bên kia biên giới, trước đó Tuyên đã lừa bán thành công 3 phụ nữ Việt Nam khác sang Trung Quốc.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Nhằm chủ động đấu tranh với tội phạm mua bán người, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, địa phương về chương trình, kế hoạch hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng tăng cường phối hợp nắm tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua bán người qua biên giới.

Đặc biệt, công an, biên phòng tỉnh Quảng Ninh cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuần tra, kiểm soát, nhất là ở những đường mòn, đường tiểu ngạch; thường xuyên cập nhật, thống kê các đối tượng nghi vấn cũng như trao đổi thông tin về nạn nhân cần giải cứu để đề nghị phía nước bạn phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân...

Cùng với đó, các lực lượng chức năng thường xuyên trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, tiến hành quản lý chặt các đối tượng có tiền án, tiền sử hoặc đối tượng có biểu hiện nghi vấn về hành vi mua bán người, đồng thời rà soát lại các vụ mua bán người trước đây để tiếp tục tìm ra các đối tượng câu kết hình thành băng nhóm, đường dây.

Phòng chống mua bán người ngay từ mỗi gia đình

 Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng nước bạn để giải cứu, trao trả và tiếp nhận nạn nhân

Bên cạnh đó, Công an TP. Móng Cái và Cục Công an thị xã Đông Hưng (Trung Quốc) cũng như các Đồn Biên phòng tuyến biên giới của tỉnh luôn thực hiện nghiêm thoả thuận hợp tác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người nói riêng. Đặc biệt là thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, phối hợp giải cứu, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán và xuất nhập cảnh trái phép, tuyên truyền nâng cao cảnh giác cũng như tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân…

Theo nhiều chuyên gia về phòng chống tội phạm, để công tác phòng chống mua bán người đạt hiệu quả, bên cạnh công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng thì nhất định phải xây dựng được “thế trận lòng dân”, tuyên truyền về công tác phòng chống mua bán người đến mỗi mái nhà. Muốn vậy, cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi 15-30, nâng cao ý thức cảnh giác, các gia đình tự bảo vệ con em mình trước những thủ đoạn tinh vi của tội phạm.

Đối với người dân, khi có nhu cầu tìm việc cần tìm hiểu kĩ nhân thân của họ để tránh rơi vào cạm bẫy của tội phạm. Đặc biệt, khi đã bị lừa đi, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, các nạn nhân hãy nhanh chóng tìm mọi cách thông tin với các lực lượng chức năng, các đồn biên phòng ở khu vực biên giới để giải cứu càng sớm càng tốt, tránh hệ lụy về sau cũng như khó khăn trong quá trình điều tra.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống mua bán người ngay từ mỗi gia đình