“Phép thử” trên Biển Đông và Tuyên bố của Việt Nam

Trọng Bằng| 30/10/2015 06:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc Mỹ điều tàu tuần tra tới các đảo nhân tạo do Trung Quốc tiến hành xây trái phép những ngày qua đã và đang được dư luận nhiều nước quan tâm. Trước tình hình Biển Đông được ví như "vạc dầu đang sôi", Việt Nam một lần nữa nhất quán quan điểm của mình.

"Phép thử” khó dẫn đến xung đột quân sự giữa hai “ông lớn”

Trong mấy ngày qua, tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, thậm chí không ít dư luận đã nghĩ đến kịch bản về một cuộc xung đột vũ trang giữa hai “ông lớn” khi cả Mỹ và Trung Quốc đều có những động thái và tuyên bố khẳng định lập trường tại vùng biển này.

Căng thẳng gia tăng bắt đầu từ ngày 26/10, khi Nhà Trắng phê chuẩn kế hoạch của Hải quân Mỹ điều một tàu chiến tuần tra gần các đảo Trung Quốc tôn tạo trái phép trên Biển Đông. Theo đó, tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen được giao thực hiện nhiệm vụ này trong vòng 24 giờ.

Ngày 27/10, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các quan chức Mỹ ngày 27/10 đồng loạt khẳng định, đây mới chỉ là diễn biến đầu tiên trong nhiều hoạt động khẳng định “tự do hàng hải” trong vùng biển quốc tế, ở những nơi Trung Quốc xây đảo nhân tạo và có thể giành quyền kiểm soát tuyến đường biển quan trọng trong giao thương trên thế giới.

“Phép thử” trên Biển Đông và Tuyên bố của Việt Nam

Tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền - Ảnh: Hải quân Mỹ 

Việc đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông sau đó đã được đánh giá là lời thách thức mạnh mẽ nhất mà Tổng thống Mỹ Obama giành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hành động này của ông Obama tác động trực tiếp đến tham vọng trong tuyên bố chủ quyền phi lý cũng như mong muốn làm thay đổi hiện trạng địa chính trị châu Á của ông Tập.

Đáp trả việc Washington đưa tàu vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo xây dựng trên Biển Đông, Bắc Kinh đã ngay lập tức triệu tập Đại sứ Mỹ, cáo buộc động thái trên đe dọa chủ quyền của nước này. Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo, động thái của Mỹ đang hủy hoại hòa bình và sự ổn định khu vực, yêu cầu nước này phải “lập tức có động thái sửa sai”.

Cùng với đó, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố nước này đã điều hai tàu khu trục tên lửa “Lan Châu 170″ và “Đài Châu 533″ áp sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái đồng thời cảnh báo quân đội nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp để “duy trì an ninh quốc gia”.

Tuy nhiên, trong cục diện Biển Đông tưởng chừng như cuộn sóng thì khả năng dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang giữa hai “ông lớn” vẫn được các chuyên gia nhận định là khó có thể xảy ra .

Bởi lẽ, trong khi phía Mỹ vẫn tỏ rõ lập trường dứt khoát của mình thì, Trung Quốc phản ứng khá dè dặt dù đã điều tàu khu trục tên lửa theo sát và đưa ra lời cảnh báo đối với tàu chiến Mỹ. Trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ không cố gắng xua đuổi tàu Mỹ ra khỏi khu vực bởi hành động này có thể sẽ khiến Mỹ-Trung đối đầu quân sự.

Nhiều chuyên gia phân tích, Trung Quốc không tin rằng mình sẽ chiến thắng, đặc biệt khi có sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ ở khu vực lân cận. Nếu như đụng độ xảy ra, không quân Trung Quốc sẽ phải hoạt động bên ngoài giới hạn.

Hoạt động tuần tra của Mỹ đang khiến ông Tập chịu nhiều sức ép trong nước, trong “Giấc mơ Trung Hoa” nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, được triển khai đúng vào thời điểm diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 được coi là phép thử đối với lập trường chính trị của ông Tập.

Chuyên gia về biển Đông tại Đại học Nam Kinh Zhu Feng cho rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ hành động hết sức kiềm chế, tránh leo thang trở thành đối đầu quân sự toàn diện ở Biển Đông. Mỹ đã lựa chọn hoạt động tuần tra một cách thận trọng nhưng vẫn đem đến thông điệp mạnh mẽ và sẽ tiếp tục làm điều này trong tương lai, ông Feng cho biết.

Ở một bình diện khác, nhiều chuyên gia của Việt Nam cũng cùng chung nhận định khi cho rằng, việc đưa tàu vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tiến hành bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép trên Biển Đông mặc dù được đánh giá là “hành động mạnh mẽ nhất của Mỹ trước tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trước đó” được coi như một “phép thử”, một hành động “nắn gân” đối với Trung Quốc.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường khi trao đổi với PV báo Đất Việt đã đưa ra một trong ba lý do dẫn đến quyết định trên của Nhà Trắng rằng, “Đây là phép thử đối với Trung Quốc. Mỹ muốn xem phản ứng của Bắc Kinh, mục đích thật sự của nước này khi tiến hành mở rộng, gia cố những diện tích bãi đá ngầm và san hô”.

“Phép thử” trên Biển Đông và Tuyên bố của Việt Nam

Hình ảnh từ vệ tinh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép

Nhận định về mức độ gia tăng căng thẳng giữa hai “ông lớn” Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) trong cuộc phỏng vấn của Zing.vn vừa diễn ra đã cho rằng, “Thời gian tới, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục như một vạc dầu sôi nhưng sẽ khó phun trào…”. 

Theo  phân tích của TS Lê Hồng Hiệp, trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra, khiến cho căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc nói riêng và toàn khu vực nói chung có thể gia tăng. Trung Quốc cũng có thể viện lý do này để tăng cường tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo. 

Đây là điều sớm muộn cũng xảy ra vì mục tiêu xây các đảo nhân tạo của Trung Quốc là để phục vụ quân sự. Mỹ không tuần tra thì họ vẫn sẽ tiến hành. Điều quan trọng giờ đây là cần theo dõi xem Mỹ sẽ duy trì các hoạt động tuần tra của mình đến mức độ nào và các phản ứng của Trung Quốc trong các lần tới sẽ ra sao.

Tuy nhiên có một điều khá rõ ràng đối với các nhà quan sát là, dù căng thẳng gia tăng nhưng xung đột quân sự vẫn sẽ khó xảy ra. Nói cách khác, căng thẳng gia tăng nhưng có thể coi đó là một sự “căng thẳng lành mạnh”, tốt hơn là khi tình hình lắng dịu nhưng bị kiểm soát bởi một bên duy nhất.

Và tuyên bố của Việt Nam

Trong diễn biến của hai nước lớn tại Trường Sa những ngày qua không ít dư luận cho rằng, tình hình tiến triển theo hướng “có lợi”, là “tín hiệu tốt” cho Việt Nam. Trên VTC News Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ đã bày tỏ: “Khi nghe tin Mỹ đưa tàu chiến vào tuần tra theo đúng những gì họ đã tuyên bố thời gian qua, tôi cảm thấy rất vui và cho rằng đây là động thái cần được hoan nghênh. Thường thì trong ngoại giao, các nước lớn ít khi nói đi đôi với làm, hoặc giả nói một đằng làm một nẻo. Tôi nghĩ việc Mỹ đưa tàu chiến vào Biển Đông là việc được dư luận quan tâm lâu nay, để xem Washington có giữ được lời nói của mình trước những yêu sách phi lý của Trung Quốc hay không”.

Tiến sỹ Trần Công Trục cũng nói thêm, việc Mỹ đưa tàu vào khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam là điều hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về luật biển UNCLOS 1982. Vì thế, nên khuyến khích việc đó, thế giới này cần những hành xử đúng đắn, chứ không thể có kiểu một nước đòi áp đặt luật chơi cá nhân cho cả thiên hạ.

Cũng theo Tiến sỹ Trục thì, Giả sử kịch bản xấu là có xung đột vũ trang ở Biển Đông giữa Mỹ với Trung Quốc thì đây là kịch bản xấu, rất xấu mà không ai muốn thấy. Nhưng nếu xảy ra điều đó, thì chúng ta có lợi nhiều hơn bất lợi. Bởi vì chúng ta sẽ có được sự đồng lòng nhất trí của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, Trung Quốc còn đang ít nhiều chia rẽ được vài nước. Nhưng nếu có đụng độ, cả thế giới này sẽ biết ai là kẻ đi xâm lược, đi gây ra chiến tranh. Chắc chắn khi đó, nhiều nước sẽ tạo thành mặt trận cần thiết để chống lại kẻ gây ra tội ác với nhân loại.

Tiến sỹ Trục cũng phân tích thêm, Nếu Mỹ hành xử đúng như những gì họ nói thì Việt Nam không có bất lợi gì. Mỹ hay bất cứ nước nào cũng cần thượng tôn pháp luật, tôn trọng những điều khoản của UNCLOS 1982, và chúng ta cũng luôn ủng hộ những hành xử đúng đắn.

“Tôi nghĩ chỉ có điều đáng đề phòng là một nước nào đó lợi dụng việc này để đẩy các nước trong khu vực vào cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu “đục nước béo cò”. Cho nên, Việt Nam cần luôn tỉnh táo nhìn nhận sự kiện để khi có tình huống nào xảy ra chúng ta cũng có những hành xử đúng đắn cần thiết”, ông Trục bày tỏ

Hôm qua - ngày 29/10/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Hoa Kỳ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

"Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. 

Từ Thủ đô Astana của Kazakhstan, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ủng hộ quyết định của Mỹ. Nói với báo giới, ông cho rằng hành động của Mỹ dựa trên luật pháp quốc tế. “Để bảo vệ vùng biển tự do, cởi mở và hòa bình, chúng tôi sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ - đồng minh của chúng tôi", ông Abe nói.

Tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III khẳng định, hành động của Mỹ khẳng định tự do hàng hải và để cân bằng quyền lực trong khu vực. “Tôi nghĩ rằng bày tỏ sự ủng hộ với việc thiết lập các chuẩn mực hành xử quốc tế không phải là sự tiêu cực. Mọi người nên hoan nghênh sự cân bằng quyền lực ở bất kỳ đâu trên thế giới".

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho hay, Hàn Quốc kêu gọi mạnh mẽ sự kiềm chế bất kỳ hành động nào ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định khu vực. Đồng thời nhấn mạnh các bất đồng cần được giải quyết theo quy tắc quốc tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Phép thử” trên Biển Đông và Tuyên bố của Việt Nam