PGS.Trịnh Hòa Bình: Tục “cướp…” trong lễ hội diễn ra một cách trần trụi theo nghĩa đen

Ý Thơ| 28/02/2015 08:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trò chơi cướp cờ đâu làm bị thương đối thủ. Nhưng giờ người ta sẵn sàng vật lộn, cướp giật với nhau để kiếm một cái lộc…sẵn sàng làm người khác bị thương và mình gặt hái”, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình nhận định.

Những ngày này, nhân dân cả nước lại nô nức đi trảy hội, lễ chùa. Đây là nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tuy nhiên, việc tìm đến những chốn tâm linh hiện đang bị nhiều người làm lệch lạc khiến nét đẹp này trở nên “méo mó, biến dạng, biến tướng”.

Bên cạnh đó, khi mùa lễ hội vừa mới bắt đầu thì dư luận đã liên tục tranh cãi về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), cảnh “ẩu đả” cướp lộc tại Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), hay chen nhau cướp “chiếu thiêng” tại lễ hội “đúc Bụt” (Vĩnh Phúc)… Hình ảnh lễ hội đầu xuân dần trở nên không đẹp mắt và bị nhìn nhận một cách sai lệch.

Chuyên gia tâm lý, PGS-TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã đưa ra những quan điểm thẳng thắn xung quanh vấn đề văn hóa cúng lễ và lễ hội với Báo Công lý điện tử.

PGS.Trịnh Hòa Bình: Tục “cướp…” trong lễ hội diễn ra một cách trần trụi theo nghĩa đen

Chuyên gia tâm lý, PGS-TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Chuyện “tiền vàng sính lễ”… xuất phát từ lòng tham và tâm lý đua chen

Theo các vị thượng tọa, người đi chùa chỉ cần cúng xôi, hoa quả là đủ, nhưng người dân mình mang cả tiền vàng đi lễ với tâm niệm “lễ càng nhiều thì lộc càng to”.

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình: Quan niệm người nào dâng tặng sính lễ lớn thì nhận lại được phần quà tặng của các đấng siêu nhiên, nhận lại được phần ân điển của các lực lượng thần bí như vậy là một cách nghĩ tồn tại từ lâu. Chuyện tiền vàng đi lễ chùa hoặc đặt ở đền đài miếu mạo thì lẽ ra chỉ mang tính chất biểu trưng, tượng trưng, thể hiện lòng thành rằng biết ơn, cũng như biểu tỏ sự hiểu biết, chia sẻ, sự với tới các lực lượng thần linh, siêu nhiên.

Ngay cả văn hóa quà cáp, biếu xén ban đầu cũng như vậy. Cho nên, người ta có thể bình luận rằng xung quanh chuyện tiền, quà, hương, hoa, xôi, oản… dâng tặng các vị thần linh cũng có ý nghĩa như các món quà tặng của chúng ta trong lịch sử.

Và đã nói đến quà tặng thì không mang hàm nghĩa rằng mệnh phải giá lớn, phải tương ứng với một món của cải, tài sản nhất định nào đó thì mới có ý nghĩa. Tất nhiên cũng không thể bèo bọt đến mức không thể cầm đếm được… Nhưng chắc chắn rằng ai đó đừng nghĩ rằng người khác “quà cáp, biếu xén” cho các đấng thần linh, các lực lượng siêu nhiên nhiều thì sẽ lay động đến tâm can, đánh thức sự quan tâm của những người ở ngoài trần thế. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm!

Vậy tại sao lại phát sinh ra chuyện như vậy, thưa ông?

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình: Bởi con người thường có quan niệm trần sao âm vậy. Bởi việc ăn tiêu, tiêu dùng, sản xuất, tương tác để có các mối quan hệ ở xã hội đời thường nơi trần thế nhuốm màu thực dụng. Và rồi người ta có lý do, có luận thuyết rằng lòng thành có ngần này, nhưng nếu đầu tư thêm lòng thành thêm thì sẽ được nhiều hơn… Suy nghĩ ấy lúc đầu vừa thực dụng, vừa giản đơn, nhưng sau đó trở thành xu hướng, trào lưu của xã hội khiến mọi người đua nhau.

Nhưng chúng ta cũng nên đặt vấn đề rằng, nếu mọi người không có của ăn của để, sản xuất ra không có đủ để chi dùng thì chắc chắn món quà tặng, đồ sính lễ không thể nào cao được.

PGS.Trịnh Hòa Bình: Tục “cướp…” trong lễ hội diễn ra một cách trần trụi theo nghĩa đen

PGS.Trịnh Hòa Bình: Tục “cướp…” trong lễ hội diễn ra một cách trần trụi theo nghĩa đen

Phủ Tây Hồ đầu năm quá tải người đến lễ và quá tải… đồ cúng lễ. Ảnh: VOV

Song nên nhớ rằng đây không phải là suy nghĩ logic, tự nhiên như nhiên, không bắt buộc, và cái mà hối thúc nó, đẩy tới chuyện biếu xén, quà cáp, tiền vàng sính lễ, tiền nhỏ tiền to là do thói trọc phú ở đời.

Một bộ phận muốn biểu tỏ mình có điều kiện “đánh thức” lực lượng siêu nhiên bằng khối lượng vật chất của cải lớn để nhận được “sự quan tâm” nhiều hơn. Và đây thực chất cũng xuất phát từ lòng tham mà thôi.

Bộ phận khác thì không phải để khoe mẽ, nhưng người ta cũng theo đua nhau. Khi thiên hạ mừng thế này thế kia, mà mình món quà nhỏ thì xem như không được. Vô hình chung, nó trở thành một thứ áp lực chung cho những người đi biếu xén, dâng tặng, sính lễ… và từ đó dẫn đến câu chuyện mệnh giá đồng tiền mà người ta mang đi lễ đền, lễ chùa dường như cũng cao dần theo năm tháng...

Việc “đầu tư” ở nơi cúng lễ với một số tiền quá lớn cũng có thể gọi như một hình thức “cống nạp” các lực lượng siêu nhiên không hiển hiện ra bên ngoài bằng xương bằng thịt nhằm mưu lợi…

Ở đời người ta thường có thói đua nhau, như câu chuyện xây nhà, nhà sau phải cao hơn nhà trước. Và trong câu chuyện cúng lễ cũng vậy, cũng tìm cách hơn người với mong muốn lấy lại sự đầu tư, sự chiếu cố, sự hậu thuẫn, ủng hộ của các lực lượng siêu nhiên nhiều hơn.

Đây là một tâm trạng đua chen, muốn được biểu tỏ lòng thành và trên cơ sở biểu tỏ nhiều như vậy muốn giành về mình nhiều “lộc lá”, nhiều lợi ích hơn.

Văn hóa tế lễ bị… “ô nhiễm”

Ở chùa thường khuyến khích các Phật tử chỉ nên đốt một nén nhang “thành tâm” và hạn chế đốt vàng mã; cấm đặt tiền, rải tiền vào tay, miệng tượng Phật và đã có những biển quy định về văn hóa lễ chùa, song thực tế thì…

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình: Hầu hết nhà chùa, các cơ sở cúng lễ đều có quy định đó. Và có những nơi có đầu tư nhân viên nhắc nhở thì mọi người thực hiện nghiêm hơn. Tuy nhiên, tâm lý đám đông thường như vậy…

Ở đây, có thể mạnh dạn nói rằng văn hóa tế lễ của chúng ta đang có sự khập khiễng, ô nhiễm và bùng nổ một cách tự phát, đua chen một cách phản khoa học.

Ví dụ, mặc dù ở các chùa có đưa ra một “quy định” rằng chỉ đốt một nén nhang với một đoàn người đi. Song ai nấy cũng thích tự mình phải được tự cắm, tự đốt nhang thì mới thể hiện được sự thành tâm của mình và lay động được “sự quan tâm” của các đấng siêu nhiên, với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

PGS.Trịnh Hòa Bình: Tục “cướp…” trong lễ hội diễn ra một cách trần trụi theo nghĩa đen

Hình ảnh một bức tượng tại chùa Bái Đính bị đút tiền lẻ vào miệng (năm 2013). Ảnh: VietNamNet

Người ta cũng hoàn toàn biết được rằng có những chỗ không thể đặt hay rải được tiền. Chẳng hạn như ở chùa Phúc Khánh có đàn giải oan, không thể rải được tiền, nhưng vì “ô nhiễm về dòng người” lớn quá nên bạ chỗ nào họ cũng rải, và họ nghĩ rằng “cứ rải thì sẽ có lợi”. Đây là một thứ tâm lý “đầu tư tâm linh” không có giới hạn, và trên hết là tâm lý vụ lợi thì mới xử sự thiếu suy nghĩ như vậy.

Rõ ràng, vẫn tồn tại một ranh giới không thể bóc tách được giữa tâm lý thực và ảo, giữa duy vật và duy tâm, và khi người ta cảm thấy mong manh, chưa đủ độ tin cậy lắm, thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, và đó suy cho cùng chỉ là sự giải thích, biện minh, thậm chí trong nhiều trường hợp rất yếu ớt và không thuyết phục.

Tục lệ “cướp…” trong lễ hội bị biến tướng, méo mó

Ông nghĩ gì về những câu chuyện diễn ra xung quanh các lễ hội truyền thống của nước ta có tục “cướp…”?

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình: Ngày xưa, bản thân chữ “cướp” là “giành lấy cho mình”. Nó thể hiện tính năng động, tính chủ động nhất định nào đó trong một kỳ dịp, một lễ hội. Nó thể hiện sự cạnh tranh, sự thi đua để thể hiện năng lực cá nhân của mình và nó có tính tích cực trong văn hóa ứng xử, văn hóa tâm linh.

Những tập tục “cướp” này được diễn ra trong một bình minh lịch sử của chúng ta khi đất chắc chắn không rộng, người chắc chắn không đông, nếu không muốn gọi là thưa, thì nó thanh bình, nhàn tản. Nên nhớ rằng những tập tục này diễn ra như một nghi thức văn hóa, một sự thỏa mãn nhiều hơn.

Lấy ví dụ như vùng Sóc Sơn hay một số vùng ngoại thành Hà Nội còn có tục cướp giò hoa tre... họ có thể vật lộn nhau, thậm chí ngã xuống ao để lấy, nhưng không theo nghĩa trục lợi, thực dụng, hay làm đau người khác.

PGS.Trịnh Hòa Bình: Tục “cướp…” trong lễ hội diễn ra một cách trần trụi theo nghĩa đen

Cướp giò hoa tre cầu may tại Lễ hội Gióng ở Sóc Sơn ngày 24/02 vừa qua. Ảnh: Kinh tế Đô thị

Tuy nhiên, chuyện “cướp” bây giờ có thể nói là đúng theo kiểu “cướp giật”, bằng mọi cách để đạt tới, thậm chí làm mọi người bị thương. Nếu ai đó khắt khe có thể nói đó là sự xuống cấp của đạo đức trong việc tranh giành “sự quan tâm” của các đấng siêu nhiên, của các thế lực thần bí, cũng như của “thế giới ảo”.

Con người chúng ta “thờ phụng” một cách tuyệt đối chữ “Cướp”, và để nó diễn ra một cách trần trụi theo đúng giá trị từ nguyên nghĩa đen của nó thì là đáng buồn chứ không phải hay ho gì.

Chẳng hạn trò chơi cướp cờ đâu làm bị thương đối thủ. Nhưng giờ người ta sẵn sàng vật lộn cướp giật với nhau để kiếm một cái lộc, một cái miếng gì đó ở trong cộng đồng, trong làng, giữa các ban thờ, các nhà chùa, sẵn sàng làm người khác bị thương và mình gặt hái.

Đó là cái khác biệt và cũng là sự méo mó, biến tướng và đẩy tới ý nghĩa tuyệt đối của từ “cướp”.

Các nhà hoạt động văn hóa, các nhà hoạt động xã hội liệu có biện pháp gì để làm cho văn hóa tế lễ, văn hóa lễ hội trở nên văn minh hơn, thưa ông?

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình: Chúng ta thấy, có nhiều người đi cầu quan lộc ở khắp nơi… và nó trở thành một thứ văn hóa phổ quát. Và thậm chí chúng ta có thể đặt vấn đề phải chăng có sự suy vi về tâm thế, về mặt tư tưởng, tình cảm của con người, mà đến mức người ta sợ tất cả mọi thứ?

Còn để làm cho văn hóa tế lễ, văn hóa lễ hội trở nên văn minh hơn như bạn nói, đòi hỏi có sự vận động văn hóa của cả một xã hội một cách rộng lớn và là câu chuyện của mỗi nhà, của mỗi nhóm xã hội, và của tất cả mọi nhóm xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.Trịnh Hòa Bình: Tục “cướp…” trong lễ hội diễn ra một cách trần trụi theo nghĩa đen