Ở nơi người dân sống trong sợ hãi

Đắc Chuyên| 13/07/2015 14:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở thế kỷ 21, giữa thủ đô Hà Nội, vẫn tồn tại một khu tập thể mà ở đó người dân phải sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp, không những thế, họ còn nơm nớp lo sợ ngôi nhà đang ở có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Có nhà mà phải đi thuê

Ở nơi người dân sống trong sợ hãi

Cảnh sinh hoạt của người dân ở khu tập thể H36

Khu tập thể H36, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội vốn là khu nhà tạm do Công ty Xây lắp hóa chất xây dựng vào đầu những năm 80 cho công nhân ở, thời điểm ban đầu có 3 dãy nhà 2 tầng, 5 dãy nhà cấp bốn 5 gian và 8 gian. Theo tiêu chuẩn của công ty, nếu hộ đơn thân thì công ty sẽ cấp cho một gian nhà 8m2, còn nếu là gia đình có cả vợ và chồng cùng làm trong công ty thì sẽ được cấp một gian nhà 18m2.

Lâu dần, những người công nhân quyết định gắn cuộc đời mình với công ty đã coi đây là ngôi nhà của mình dù trước đó chỉ là nhà tạm. Họ lập gia đình và sinh con đẻ cái ở đây, khu nhà tạm được đổi tên thành khu tập thể H36.

Thời gian trôi đi, mưa nắng dãi dầu, khu tập thể xuống cấp trầm trọng, trong khi đó mật độ dân cư ở đây cứ đều đặn năm sau tăng lên so với năm trước. Hàng loạt các vấn đề bức thiết được đặt ra, nào là chỗ ở chật chội, xuống cấp, xập xệ, nhà vệ sinh tập thể không đảm bảo vệ sinh, không có không gian cho trẻ em vui chơi…

Ở khu tập thể này, chuyện một nhà 3 thế hệ sống chung trong 18m2 hay 9m2 nhiều vô kể. Cũng từ đó mà nhiều chuyện nảy sinh dẫn đến việc con trai sang nhà vợ ở, con gái cùng chồng ôm đồ ra ngoài thuê nhà sống riêng.

Điển hình như nhà bà Lộc, vốn là công nhân nghỉ hưu, mưu sinh bằng nghề đồng nát. Bà Lộc kể, nhà bà có 2 vợ chồng với 2 cậu con trai đã lập gia đình sống trong căn nhà nhỏ chật không thở nổi, đến nỗi khách đến nhà là mời lên giường vì không biết để khách ngồi ở đâu. Ở nhà bà, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên giường từ đón khách, ăn cơm cho đến ngủ nghỉ. Cực chẳng đã, hai cậu con trai đành phải mang vợ con sang tá túc nhà ngoại và cứ đến cuối tuần thì cho con về thăm ông bà nội.

Còn nhà bà Mạch thì có duy nhất một cô con gái, thế nhưng bà cũng đành để con gái và con rể đi thuê nhà ở riêng, vì với 8m2 thì 4 con người làm sao sống nổi. Mỗi tháng mất 3 triệu tiền thuê nhà, nhưng các con bà cũng đành cắn răng vì nhà quá chật, người lớn đã vậy, trẻ nhỏ tính sao.

Một trong những biện pháp được những người dân nơi đây áp dụng nhằm tăng diện tích sinh hoạt lên đó là chia đôi khoảng không gian trong nhà làm gác xép. Cứ tưởng, biện pháp này chỉ là tình thế đối với những hộ gia đình có con nhỏ, hoặc để chứa đồ nhưng đối với các gia đình có con lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng thì đây thật sự là một giải pháp cứu cánh, khi kinh tế gia đình quá eo hẹp, không đủ điều kiện cho con ra thuê nhà ở riêng. Hà Nội những ngày nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè mà phải sống ở gác xép trên tầng hai của khu tập thể thì đúng là cực hình.

Đấy là chưa kể đến chuyện vào mỗi buổi sáng, người dân khu tập thể lại rồng rắn đứng trước cửa nhà vệ sinh đợi đến lượt mình, bởi từ bao năm nay, khu tập thể H36 vẫn duy trì cảnh nhà vệ sinh tập thể.

Ngày mưa bê chậu hứng nước, ngày nắng ngủ dưới gầm giường

Ở nơi người dân sống trong sợ hãi

Bà Nga phải chui gầm giường ngủ tránh nóng

Sống trong khu tập thể xây dựng từ đầu những năm 80 cho nên chuyện chật chội, xuống cấp, mất vệ sinh, ...là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, khi nghe bà Nga kể cảnh sống của mình thì thật mấy ai có thể tưởng tượng ra, bà Nga cho biết, vào những ngày mưa, bà ngồi trong nhà mà không khác ngoài trời, nào xô, chậu, xoong, nồi bà huy động hết để hứng nước mưa. Những vệt loang lổ, vằn vệt trên trần nhà là dấu tích của những trận mưa vừa qua để lại, bà Nga bảo, ngày mưa thì vậy, còn ngày nắng khổ cũng không kém.

Nhà bà Nga là tầng 2 của dãy nhà nên rất nóng, dù đã làm đủ mọi cách để chống nóng nhưng bà vẫn không tài nào chống chọi được với cái nóng khủng khiếp của mùa hè, nhất là những ngày đầu tháng 7 vừa qua, không còn cách nào khác, bà Nga trải chiếu, chui xuống gầm giường nằm mà vẫn không tài nào ngủ được.

Bà Nga cho biết, suốt trong những ngày Hà Nội nắng nóng, không chỉ bà mà rất nhiều hộ dân ở khu tập thể H36 lấy gầm giường làm nơi tránh nóng. “Cả dãy nhà này có duy nhất 2 nhà có con nhỏ buộc phải lắp điều hòa, còn chúng tôi già cả, tiền ăn còn không đủ tiền đâu mà lắp điều hòa chống nóng”, nói rồi bà Nga lật miếng lót nền nhà lên chỉ cho tôi thấy nền nhà là đất chứ chẳng phải bê tông hay gạch đá gì.

Với hơn 1 triệu tiền lương cộng với nguồn thu nhập duy nhất từ gánh hàng hoa bà Nga sống chắt chiu một mình trong căn nhà tối tăm, ẩm thấp. Bà bảo, vài năm trước người nhà của bà ở dưới quê lên thăm, nhưng ở được một hôm thì về luôn vì không chịu được cảnh khổ.

Dọc hành lang tầng hai của khu tập thể là dãy thùng nhựa đựng nước. Đó là nước ăn, nước sinh hoạt hàng ngày mà các hộ dân trên tầng hai của khu tập thể phải đi xách về. Nói đến chuyện xách nước bà Nga nhớ lại cảnh gần 30 năm rã tay xách nước đi tắm nhờ. Khu tập thể H36 trước đây vốn có một nhà tắm tập thể, nhưng từ ngày hỏng cho đến nay không ai tu sửa thành ra những hộ ở tầng 2 không có nhà tắm, họ phải đi tắm nhờ hoặc quây một góc nhỏ ở hàng lang chật chột tắm trước cửa nhà.

Sống trong sợ hãi vì nhà có thể sập bất cứ lúc nào

Ở nơi người dân sống trong sợ hãi

Người dân lo sợ những ngôi nhà trong khu tập thể H36 có thể sập bất cứ lúc nào

Tận mắt chứng kiến cuộc sống tận cùng khổ của những người dân ở khu tập thể H36 thì thấy rằng, trong muôn vàn cái khổ của họ, điều khổ nhất có lẽ là vừa sống vừa lo nhà sập. Làm sao có thể an tâm sống trong ngôi nhà của mình khi mà vôi vữa rơi từng mảng để lộ những viên gạch, những thanh sắt gỉ sét đen sì, nhuốm màu thời gian trơ ra như thách thức sự can đảm của lòng người. Khu tập thể H36 đúng nghĩa là một khu ổ chuột thế kỷ 21 giữa lòng Hà Nội.

Bước chân vào khu tập thể H36, có cảm giác đang lùi lại quá khứ của mấy mươi năm về trước, khi mà chiến tranh vừa mới kết thúc, khi ấy, mọi thứ thật ngổn ngang, bừa bộn, thiếu thốn và chắp vá. Những mảng màu tối, xám cứ hiện hữu ngay trước mắt, còn người dân ở đây cứ lầm lũi chịu đựng cảnh sống khổ từ năm này qua năm khác. Có lẽ, vì điều kiện, hoàn cảnh người ta cũng dần quen với cái khổ, đến nỗi nó trở nên bình thường như cuộc sống vốn dĩ phải vậy.

Dù đã được người dân sửa chữa, chắp vá bằng đủ thứ vật liệu trên đời từ lợp proximăng, tấm nhựa, song sắt, tranh tre nứa lá cho tới vải bạt nhưng sự xuống cấp ngày càng trở nên trầm trọng. Tính mạng của hơn 400 con người sinh sống tại đây đang bị đe dọa vì những căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Cách đây 10 năm về trước, Công ty Xây lắp hóa chất đã cho phép những người công nhân của mình tự cải tạo, sắp xếp lại khu tập thể H36 bằng cách đập đi xây mới để đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân. Thế nhưng, với đồng lương ít ỏi của mình, 61 hộ đã không có ai đủ điều kiện để làm cái việc mà họ mong ước bấy lâu nay. Vậy là họ lại tiếp tục sống, chịu đựng, và cố gắng tích góp những mong một ngày có gian nhà mới. Nhưng, khi mà những mảng tường ở lan can rơi từ tầng hai xuống đất, những vết nứt ở trần nhà, hành lang ngày càng lớn và dài đã khiến những hộ dân ở đây thật sự thấy bất an.

Rất nhiều cuộc họp tổ dân phố rồi xin ý kiến của các cấp lãnh đạo công ty, chính quyền địa phương đã diễn ra, cuối cùng, đứng trước sự an nguy của hơn 400 con người, một quyết định đã được đưa ra, đó là cho phép 61 hộ dân được sắp xếp lại chỗ ở tại khu tập thể H36 để thực hiện dự án “Khu nhà ở tái định cư và kinh doanh”.

Khi dự án bước đầu được thực hiện, 2 dãy nhà mới đang mọc lên trong sự vui mừng của người dân vì sắp thoát khỏi cảnh nhà sắp sập thì một vài sự việc phát sinh và cho đến nay chưa được giải quyết khiến toàn bộ dự án phải dừng lại. Vậy là, khu tập thể H36 vốn dĩ đã tối tăm bao năm nay, giờ lại thêm mù mịt vì không biết đến bao giờ mới giải quyết xong được những khúc mắc xung quanh dự án xây dựng khu nhà ở tái định cư này. Chỉ biết rằng cuộc sống của người dân vốn đã khổ, không gian chật hẹp nay lại thêm phần bí bách, ngột ngạt.

Ông Nguyễn Văn Hùng tổ trưởng tổ dân phố 30, cụm 7, phường Xuân La, quận Tây Hồ tâm sự: “Ở Hà Nội mà còn khổ hơn ở quê. Nhiều lúc người nhà lên thăm khuyên về quê sống cho rộng rãi, chứ ở trên này chật chội, khổ sở quá. Nhưng vì miếng cơm manh áo mà chúng tôi phải trụ lại nơi này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ở nơi người dân sống trong sợ hãi