Non sông nhớ bóng anh hùng

Trung Thành-Nam Quân| 20/02/2018 13:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông/Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát trắng mênh mông/Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng…”.

Câu thơ của nhà thơ Bế Kiến Quốc đưa chúng tôi về với Trà Khúc, dòng sông từng được nhà thơ Cao Bá Quát ví như “lưỡi gươm đầm ánh bạc” khi về thăm Quảng Ngãi. cũng bên dòng sông ấy, đã có một anh hùng được sinh ra. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang  - nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng Cốc Lếu và Đại đội An ninh vũ trang tỉnh Phú Yên, người đã làm rạng danh cho quê hương đất nước bằng những chiến công mãi mãi đi vào sử sách.

Non sông nhớ bóng anh  hùng

Thầy và trò Trường THCS Nguyễn Kim Vang chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Kim Vang

Đất nghèo nuôi dưỡng anh hùng

Mỗi khi nhắc đến những cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang, tôi thường nghĩ tới câu chuyện của những dòng sông. Những dòng sông chảy từ miền trầm tích, đưa nước lành và phù sa mát ngọt về bồi đắp nên bao vùng quê trù mật. Với gần bốn trăm con sông được định danh, mỗi dòng chảy ấy cứ lặng lẽ bắt nguồn từ biên giới, vượt qua thác ghềnh, qua châu thổ rồi hiền hòa tan chảy vào biển Đông. Dù là ở biên cương, nơi những dòng sông bắt đầu hành trình chở khí thiêng ngàn năm hội tụ của đại ngàn, đến những vùng hạ lưu với bờ biển xoải dài luôn có dáng đứng kiêu hãnh của những người lính mang trên mình sắc áo màu xanh. Nhiều người trong số họ luôn ấp ủ trong kí ức hình dáng của bến sông tuổi thơ để yêu hơn những thác ghềnh dữ dội nơi biên giới.

Và có một người lính đã mang tình yêu dành cho dòng Trà Khúc hiền hòa để “gặp quê hương trên mọi quê hương”, để yêu đến thiết tha những dòng sông trên toàn xứ sở. Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), liệt sỹ Nguyễn Kim Vang, sinh năm 1944, tại thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ông nguyên là Chính trị viên Đồn Biên phòng Cốc Lếu, Chỉ huy trưởng Biệt đội An ninh vũ trang tỉnh Phú Yên, người được sinh ra, lớn lên, được tắm mình trong khí thiêng của núi Ấn sông Trà để rồi tham gia cách mạng và hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.

Tròn 45 năm, kể từ ngày ông ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, chúng tôi tìm về Nghĩa Hành, mảnh “đất nghèo nuôi những anh hùng/Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên”, để nghe lại những câu chuyện về ông, về “Cậu bé thép” năm nào như vẫn còn đang rì rầm trong mạch nguồn lịch sử.

Cũng như bao người dân Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh li loạn, tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Kim Vang gắn liền với những tháng ngày cơ cực. Ngay từ nhỏ, khi phải chứng kiến quê hương bị tàn phá, người thân ruột thịt cũng như hàng xóm láng giềng của mình phải sống trong tận cùng đói khổ, Kim Vang đã sớm nuôi chí căm thù giặc.

Non sông nhớ bóng anh  hùng

Thầy và trò cùng ôn lại  tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Kim Vang 

Năm 1954, khi mới 10 tuổi, Nguyễn Kim Vang cùng gia đình tập kết ra Bắc. Trường cấp III Hà Nam chính là cái bệ phóng đầu tiên để chàng thanh niên trẻ xứ Quảng trưởng thành và trở thành biểu tượng về ý chí phấn đấu cũng như tinh thần vượt khó.

Ngày 22/1/1962, khi Bác Hồ về thăm Hải Phòng, Nguyễn Kim Vang lúc đó đương là Bí thư Đoàn thanh niên được Ban Giám hiệu cử đứng đầu đoàn học sinh để đón Bác và báo cáo thành tích học tập. Bác đã đến ôm hôn Kim Vang và ân cần hỏi:

- “Các cháu ăn có no không? Kết quả học tập của các cháu như thế nào?”.

“Thủ lĩnh” Đoàn liền dõng dạc báo cáo với Bác:

-“Dạ thưa Bác, chúng cháu ăn no ạ! Và tất cả chúng cháu đều quyết tâm học tập thật giỏi, để sau này trở về chiến đấu cùng đồng bào, giải phóng miền Nam!”.

Thời đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào hồi cam go, ác liệt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, thanh niên cả nước sục sôi khí thế, rùng rùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. “Học để vào miền Nam chiến đấu” đó cũng chính là khẩu hiệu, là động lực thúc đẩy  Nguyễn Kim Vang cùng các bạn của mình ngày đêm “dùi mài kinh sử”.

“Ngang lưng ngọn giáo vào ngàn hang beo”

Năm 1963, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) về trường tuyển chọn 100 con em học sinh miền Nam về đào tạo. Khi biết được thông tin, Kim Vang liền đăng ký và trúng tuyển, rồi được biên chế vào Tiểu đội 9, Đại đội 1, tham gia lớp huấn luyện tại thị xã Kiến An, thành phố Hải Phòng.

Thời đó, lực lượng Công an nhân dân vũ trang dưới sự lãnh đạo của Tư lệnh, Chính ủy Phạm Kiệt - cũng là một người con ưu tú của núi Ấn sông Trà - là một trong những lực lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các phong trào cách mạng ở miền Bắc. Được học tập, rèn luyện trong môi trường đầy khí thế cách mạng tiến công, cộng với sự dìu dắt tận tình của các lớp đàn anh đi trước, Nguyễn Kim Vang nhanh chóng trở thành cánh chim đầu đàn trong các phong trào học tập của Đại đội. Cái danh xưng “Cậu bé thép” gắn với Kim Vang cũng bắt đầu từ đó.

Non sông nhớ bóng anh  hùng

Những kỷ vật của Anh hùng LLVT nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Kim Vang tại Phòng truyền thống Công an tỉnh Phú Yên

Sau thời gian huấn luyện, Nguyễn Kim Vang được biên chế về Đồn 149, Tiểu khu 78, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Nghệ An. Thời bấy giờ, khắp vùng biên giới Kỳ Sơn còn hoang vu, khuất nẻo đến tột cùng. Lợi dụng địa hình hiểm trở, phỉ Vàng Pao, do tên Già Xay Xua, kẻ tự xưng là Châu Phà - tức “Vua trời” - cầm đầu, hoạt động ráo riết. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo và ép buộc đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào tổ chức để chống lại chính quyền.

Dẫu “Múa gươm rượu tiễn chưa tàn/Ngang lưng ngọn giáo vào ngàn hang beo”, song với tố chất của người “thủ lĩnh” Đoàn năm xưa cùng với hành trang là lời dặn dò của Bác: “54 dân tộc anh em đều là đồng bào ta hết. Nhưng đồng bào ta hiện nay trình độ hiểu biết còn giới hạn nên dễ nghe theo lời kẻ xấu. Nếu các cháu đều coi đồng bào là thù thì đánh cả đời không hết giặc, đất nước sẽ không bao giờ được hòa bình. Muốn thắng được Châu Phà thì phải cảm hóa được đồng bào, làm cho họ biết cái tốt, cái xấu, nói cho họ thấy sai lầm, rõ được chân tướng của kẻ thù và bè lũ cướp nước”, Nguyễn Kim Vang cùng với người đồng đội của mình là Anh hùng LLVTND Vừ Chông Pao đã từng bước chiêu hàng lính Vàng Pao, cô lập rồi dần dần chế ngự được “Vua trời”.

Giờ, khi ngược về phía biên giới Kỳ Sơn - nơi sông Lam, hay còn gọi là sông Ngàn Cả, bắt đầu hành trình chảy vào đất Việt - dù có đi đường bộ hay đường thủy, người ta đều thấy làng bản ấm êm với lốc cốc mõ trâu quấn quện khói lam chiều. Tất cả những hình ảnh, thanh âm đó gợi lên cảm giác thanh bình vô hạn. Để có một miền biên viễn an yên như thế, thật khó để nhắc nhớ hết công lao của những người lính áo xanh như Anh hùng Nguyễn Kim Vang, Anh hùng Vừ Chông Pao trong quá trình khai phóng biên cương đầy nhọc nhằn một thủa.

“Cho dù Đồn ở đâu, Nam hay Bắc, biển hay núi thì Đồn vẫn phải ở giữa lòng dân. Đã là người lính thì phải gần dân, sát dân và yêu thương dân như chính người thân của mình”. Minh triết ấy là thành quả mà người lính Nguyễn Kim Vang thu được sau những ngày tháng nếm mật nằm gai, lăn lộn khắp dọc dài sơn lam chướng khí Kỳ Sơn. Để rồi khi nhận nhiệm vụ Chính trị viên Đồn Biên phòng Cốc Lếu ở Lào Cai vào năm 1966, ông đã mang những kinh nghiệm quý báu đó ra áp dụng, đặc biệt là trong việc phát động, xây dựng các phong trào quần chúng tấn công chính trị đối với các đối tượng có ý đồ chống đối cách mạng, vượt biên và câu móc vượt biên. Ông đã cùng đồng đội từng bước xây dựng Đồn ngày càng vững mạnh và trở thành chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng các dân tộc ở nơi “con sông Hồng chảy vào nước Việt”.

Chiến công ghi tạc sử xanh

Đời người cũng như sông, chưa bao giờ ngừng cuộn chảy. Sông lưu dấu bao thăng trầm dưới cát sỏi nghìn sâu, người lưu dấu những mưa nắng bão giông, những gian nan, vất vả để luyện nên tư duy, khí phách. Vùng quê giàu truyền thống cách mạng Nghĩa Hành đã hun đúc, trui rèn bản lĩnh và truyền lửa cho Nguyễn Kim Vang, để người lính ấy tiếp tục mang ngọn lửa ấy sưởi ấm, phụng sự cho các vùng quê cam khó của Tổ quốc.

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”. Với tâm thế ấy, năm 1967, Nguyễn Kim Vang xin tình nguyện “đi B”, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào hồi cam go, quyết liệt. Ngay khi vào Nam, ông được điều động về làm Chính trị viên Đại đội An ninh vũ trang, thuộc Ban An ninh tỉnh Phú Yên. Đến giờ, trong ký ức của những người đồng đội năm xưa, hình ảnh về người Chính trị viên tài trí Nguyễn Kim Vang vẫn còn đọng mãi.

Non sông nhớ bóng anh  hùng

Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Lê Thị Minh Hãnh - một trong những học trò xuất sắc năm xưa của Anh hùng Nguyễn Kim Vang

Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Thị Minh Hãnh, nguyên Bí thư Chi bộ Đội nữ biệt động Ban An ninh tỉnh Phú Yên, đã vô cùng xúc động khi bồi hồi nhớ lại hình ảnh về người anh, người đồng đội, về người thầy Nguyễn Kim Vang của mình: “Tuy chỉ được sát cánh, chiến đấu cùng với anh Vang trong thời gian ngắn, nhưng ấn tượng của tôi về anh mãi không phai. Anh vừa là người anh, vừa là người thầy và cũng là ngọn lửa, là sợi dây tinh thần để Đội Nữ biệt động quyết tâm vượt qua tất cả. Ngày ấy, chúng tôi vẫn luôn lấy lời dạy của anh “tiền tài, sắc đẹp, địa vị không bao giờ khuất phục được ý chí của con người cộng sản” để nhắc nhở nhau trước giờ làm nhiệm vụ. Trong một lần bị địch vây ráp, nhờ có sự mưu trí, dũng cảm và những nhận định, phân tích, đánh giá tình hình chính xác của anh mà chúng tôi đã vượt thoát ra khỏi mưa bom bão đạn để trở về căn cứ an toàn. Giờ mỗi khi gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, chúng tôi vẫn hay nhắc về anh, như nhắc đến “ân nhân” của đời mình”.

Còn Đại tá Nguyễn Hữu Phỉ, Trưởng phòng Công tác Chính trị, Công an tỉnh Phú Yên, mỗi khi nhắc nhớ về người chỉ huy mưu trí, gan dạ năm xưa, ông đều không ngăn được xúc động: “Bình thường, anh Vang là người ân cần, chu đáo, nhưng khi lâm trận, anh trở thành con người khác. Nhanh như sóc, thoắt ẩn thoắt hiện khắp các chiến hào. Chỗ nào nguy hiểm, khó khăn nhất là anh có mặt. Tinh thần dũng cảm và sự mưu trí, quyết đoán của anh đã làm vững lòng các cán bộ, chiến sĩ trong Đại đội”.

Dưới sự chỉ huy của Chính trị viên Nguyễn Kim Vang, Đại đội An ninh đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bảo vệ an toàn vùng căn cứ cách mạng. Nhiều trận đánh của Đại đội thời đó đã trở thành huyền thoại và được lưu và sử sách, như trận chống càn ở Hòn Giang vào khoảng trung tuần tháng 8/1969, khi Nguyễn Kim Vang đã chỉ huy đơn vị quần nhau với địch suốt 3 ngày đêm, đánh lui 2 tiểu đoàn bộ binh Nam Triều Tiên, tiêu diệt nhiều tên địch, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo. Đây được xem là đỉnh cao của nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”, nó cho thấy sự tài tình trong tư duy quân sự của Chính trị viên Nguyễn Kim Vang. Với chiến công xuất sắc đó, Đại đội An ninh vũ trang đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trước đó, vào Tết Mậu Thân năm 1968, Nguyễn Kim Vang chỉ huy Đại đội An ninh vũ trang của mình phối hợp với các lực lượng tiến công vào hang ổ của địch tại thị xã Tuy Hoà, diệt hơn 250 tên tề ngụy ác ôn, giải thoát cán bộ, đảng viên và đồng bào ta bị địch giam cầm. Chiến công nối tiếp chiến công, Đại đội An ninh vũ trang dần trở thành nỗi khiếp sợ của quân địch và bè lũ tay sai.

Ngày 26/1/1972, trên đường xuống địa bàn thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hòa để xử lý một cơ sở bị vỡ, Nguyễn Kim Vang không may lọt vào ổ phục kích của địch. Quyết không để địch bắt sống, anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 28.

Tiếc thương người Anh hùng đã hy sinh tuổi xanh để cho đất nước ta nở hoa và có được thành quả chiến thắng thu giang sơn về một mối, ngày 6/6/1976, Nguyễn Kim Vang vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Lưu danh muôn thuở

Để tưởng nhớ công lao của người Anh hùng Nguyễn Kim Vang, tỉnh Phú Yên đã cho xây dựng một ngôi trường mang tên ông, đó là Trường tiểu học Nguyễn Kim Vang, ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Và vào tháng 3/2011, Trường THCS Hành Đức, thuộc xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, quê hương của “Cậu bé thép”, cũng long trọng tổ chức lễ công bố quyết định đổi tên Trường THCS Hành Đức thành Trường THCS Nguyễn Kim Vang. Như vậy là cho đến nay, ở miền Trung có 2 trường mang tên người Anh hùng Nguyễn Kim Vang.

Thầy Nguyễn Tám, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Kim Vang (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) tâm sự: “Đối với thầy và trò chúng tôi, được giảng dạy và học tập trong ngôi trường mang tên người Anh hùng Nguyễn Kim Vang là niềm vinh dự và tự hào rất lớn. Trong suốt những năm vừa qua, chúng tôi vẫn luôn phấn đấu thi đua “dạy tốt, học tốt” để xứng đáng với niềm vinh dự đó. Nhờ sự cố gắng đó, đến nay trường cũng đã đạt chuẩn quốc gia. Nhằm giáo dục về lòng tự hào, trân trọng những thành quả mà thế hệ cha anh đã để lại, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức ôn lại tiểu sử và tấm gương chiến đấu, tinh thần “vị quốc vong thân” của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Kim Vang cho các em, nhất là trong những dịp lễ lớn của đất nước. Còn cứ đến ngày 26/1 hàng năm, tức là ngày mất của ông, trường đều tổ chức dâng hương tượng niệm”.

Cũng trong niềm xúc động và đầy tự hào, thầy Nguyễn Bá Sâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Kim Vang (Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Phát huy truyền thống và lòng tự hào khi được học tập và công tác trong ngôi trường mang tên người anh hùng, vào đầu mỗi năm học, chúng tôi đều tổ chức ôn lại tiểu sử và tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Kim Vang. Hoạt động này nhằm giáo dục cho các em biết trân trọng lịch sử, biết nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ra sức học tập, rèn luyện để sau này xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Non sông nhớ bóng anh  hùng

Để xứng đáng với người anh hùng đã khuất, thầy và trò Trường THCS Nguyễn Kim Vang đã và đang cố gắng dạy tốt học tốt

Về thăm trường và thăm các em, chúng tôi gặp em Trịnh Minh Tịnh, lớp 9A, một trong những học sinh có thành tích học tập xuất sắc của Trường THCS Nguyễn Kim Vang, em xúc động bày tỏ: “Chúng em rất tự hào khi đang được học tập trong ngôi trường mang tên của Anh hùng LLVTND Nguyễn Kim Vang. Càng tự hào hơn khi được nghe kể về tiểu sử và những cống hiến của ông cho quê hương, đất nước. Do vậy, chúng em nguyện sẽ phấn đấu nỗ lực học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn ấy”.

Một mùa Xuân lại về, và ngoài kia sông Trà vẫn mê mải chảy. Không biết dưới dòng nước đang thao thiết đổ về biển kia có hồn cốt của người Anh hùng đã từng sinh ra và lớn lên từ mặn mòi phù sa của Trà giang thưở ấy? Hay ông đã hóa thân vào ngọn lúa, rặng tre ven làng trên khắp dải đất hình chữ S này để cùng con cháu hòa nhịp cuộc sống đương đại từng bước vươn lên?

Ông hy sinh ở tuổi thanh xuân, tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng ông vẫn còn, còn mãi, và mãi mãi tuổi thanh xuân như thế! Lực lượng Công an nhân dân và Bộ đội Biên phòng nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung mãi mãi ghi nhớ công lao cùng với những câu chuyện về ông, về người con ưu tú của núi Ấn sông Trà quanh năm rì rào sóng vỗ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Non sông nhớ bóng anh hùng