Nỗi lo… không điện

congly.com.vn| 13/04/2012 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là một thị trấn nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, những tháng qua, câu chuyện về điện sinh hoạt đang là vấn đề nổi cộm tại Lam Sơn (huyện Thọ Xuân). Hơn 1.500 hộ dân ở đây đang đứng trước nguy cơ sẽ không có điện để dùng khi doanh nghiệp và chính quyền sở tại vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc bán điện.

Công ty vẫn muốn bán điện


Được thành lập từ năm 1991, đến nay Lam Sơn là một thị trấn khá phát triển về mọi mặt nhưng việc quản lý, quy hoạch sử dụng điện ở đây còn quá nhiều phức tạp. Từ năm 1999, các hộ sử dụng nguồn điện từ các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và Hợp tác xã điện lực Lam Sơn. Cho đến năm 2003, Hợp tác xã điện lực Lam Sơn chuyển đổi thành Công ty Điện lực Lam Sơn (ĐLLS), đã từng bước đầu tư để bán điện cho 1.600 hộ dân tại 6 tiểu khu và 2 thôn của thị trấn. Mâu thuẫn giữa người dân và Công ty, Công ty và chính quyền bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 5-2011 khi Công ty ĐLLS thu tiền điện của dân trái với quy định của ngành điện và Thông tư số 05/2011 của Bộ Công thương. Cụ thể: Chỉ trong tháng 7-2011, Công ty ĐLLS đã thu tiền điện sinh hoạt lên tới 1.639 đồng/kw, với lý do một số hộ dân chưa ký hợp đồng với Công ty nên Công ty đã tự ý thu thêm 7% tiền thuê tài sản là hệ thống truyền tải điện.

Ông Nguyễn Chí Thu, Giám đốc Công ty điện và cán bộ công ty đang trao đổi với PV

Đến ngày 18-6-2011, bỗng dưng Công ty ĐLLS ra một thông báo ngừng bán điện cho các hộ dân từ 21-12-2011, mặc dù trước đó, ngày 19-6-2011, UBND thị trấn đã làm việc với Công ty để làm rõ những nguyên nhân trên. Trong buổi làm việc, Công ty đã thông báo lý do để Công ty ngừng bán điện là vì kinh doanh thua lỗ.


Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thu, Giám đốc Công ty cho hay: Chúng tôi đã gắn bó với nhân dân thị trấn Lam Sơn từ hơn 20 năm, nay để đưa ra quyết định ngừng bán điện, bản thân tôi đã rất trăn trở nhưng chúng tôi đã không còn cách nào khác. Là đơn vị kinh doanh tư nhân, lại không được hỗ trợ bất cứ khoản nào của Nhà nước dẫn tới việc kinh doanh bị thua lỗ nặng, hiện tại Công ty mỗi tháng phải bù lỗ hơn 10 triệu đồng.

Ông Lâm Tuấn Hiếu đang chỉ lên đường dây diện của Công ty điện Lam Sơn


Khi được hỏi về việc thu thêm của người dân 7% mà Công ty tính vào tiền thuê tài sản, ông Thu phân trần: Chúng tôi chấp nhận vay lãi để huy động nguồn vốn từ dân nhưng vẫn không đủ để tiếp tục đầu tư cho trang thiết bị, do đó buộc phải đi thuê trạm biến áp ở nơi khác nên Công ty đã kêu gọi các hộ dân hỗ trợ thêm 7% để chia sẻ bớt khó khăn. Chúng tôi chỉ mới thu được 2 tháng là tháng 5 và 6, nhưng khi ngành điện lực Thanh Hoá về làm việc, Công ty đã ngừng không thu nữa nên mấy tháng nay Công ty phải bù lỗ. Nếu được các hộ dân chia sẻ bớt những khó khăn về tài chính, Công ty sẽ tiếp tục phục vụ nhân dân. Đồng thời, ông Thu cho biết: Công ty sẵn sàng chuyển nhượng lại hệ thống đường điện, máy móc nếu bà con có ý định mua lại và chắc chắn giá bán sẽ thấp hơn nhiều so với việc xây dựng hệ một đường điện mới.


Chính quyền lại bảo “không”


Mang những vấn đề trên tới gặp ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch UBND thị trấn Lam Sơn thì được biết: Cách kinh doanh điện của Công ty ĐLLS gây rất nhiều bức xúc trong dân. Sau khi Công ty có thông báo sẽ ngừng bán điện, UBND thị trấn Lam Sơn đã có buổi làm việc với Công ty, phía Công ty đã cho biết sẽ không bán lại tài sản của mình cho UBND thị trấn. Với quyết tâm sẽ làm một cuộc cải tổ về đường điện cho dân, chính quyền địa phương dự định sẽ đưa vấn đề ra bàn bạc với dân để tìm giải pháp tốt nhất với hy vọng là sẽ huy động được nguồn vốn từ dân để làm đường điện mới. Với 1.524 hộ dân, để làm được đường điện mới mỗi hộ sẽ phải đóng 3.800.000 đồng, trong đó số hộ nghèo và cận nghèo chỉ phải đóng 2.000.000 đồng và sẽ chia ra thu làm 3 đợt.


Ông Lâm Tuấn Hiếu, trú tại tiểu khu 3, thị trấn Lam Sơn nói: Nếu Công ty không bán điện cho dân nữa buộc địa phương sẽ phải tìm một phương án nào đó tối ưu nhất cho dân. Nhưng việc xây dựng đường điện mới thì quả là quá tốn kém, gánh nặng chi phí sẽ đè nặng lên vai những người dân nghèo. Tại sao người dân dùng điện, đã trả tiền điện cho Nhà nước lại phải đầu tư một khoản tiền lớn như vậy? Sao chính quyền không thỏa thuận với Công ty ĐLLS để mua lại cơ sở hạ tầng của họ, như thế có phải sẽ đỡ cho dân hơn không?


Căn cứ vào sự chỉ đạo của huyện, lãnh đạo thị trấn đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến của nhân dân. Đa số người dân đã đồng ý để xây dựng một hệ thống đường điện mới. Ngày 7-10 vừa qua, UBND huyện Thọ Xuân ra Văn bản số 749/UBND - CT chỉ đạo UBND thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình lưới điện hạ thế nông thôn. Tuy nhiên, người dân băn khoăn: Khi đường điện mới chưa hoàn thành mà Công ty ngừng bán điện, người dân sẽ lấy đâu ra điện để dùng? Lẽ nào chính quyền địa phương lại để mặc cho dân tự tìm lối thoát cho mình?


Lê Duẩn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo… không điện