Ngày Tết với mâm cao cỗ đầy, món ngon vật lạ…có lẽ đã trở thành một thói quen, một sự mặc định trong đời sống của người Việt.

No đủ trong ba ngày Tết với đời sống người Việt có lẽ không chỉ là ăn lấy no, lấy ngon mà còn có ý nghĩa về một sự sung túc, may mắn cả năm. Chẳng thế mà trước đây, người ta có thể túng thiếu cả năm, nhưng ba ngày Tết cũng phải cố gắng chạy vạy để có được bữa Tết ấm no.

No ba ngày Tết

Ảnh minh họa

Tết của thời bao cấp, những ngày 28, 29 Tết ở nông thôn miền Bắc, vài ba nhà chung nhau thịt một con lợn, người ta còn gọi là đụng lợn. Con lợn gần tạ được ngả ra với quả mông để giã giò lụa, ít thịt thủ để gói giò xào, chút xương nấu bát canh khoai hay canh măng, chỗ thịt ba chỉ để gói bánh chưng…

Đám trẻ con vác rá sang chỗ đụng lợn, hí hửng mang về nhà chút dồi lợn nóng hổi, miếng gan bùi bùi…Đứa nào khỏe nhất được phân công mang về nồi nước xuýt luộc lòng thơm thơm nổi đầy váng mỡ. Và khi bếp lửa luộc bánh chưng bắt đầu bập bùng là lúc tiếng cười nói râm ran bên mâm cơm cuối năm, nơi đàn ông trong nhà nhấp ngụm rượu để khen tiết canh giòn, đông đặc, còn lũ trẻ con tắc lẻm miếng dồi, những người phụ nữ vừa ăn vừa xuýt xoa nhà này nhà kia gói bao nhiêu chiếc bánh chưng…

Đời sống ngày càng phát triển và việc ăn Tết cũng theo đó mà tăng mạnh, từ ăn no đến ăn ngon, ăn sản vật hiếm. Chỉ cần lướt Facebook thôi, không khó để bắt gặp bạn bè khoe nhau những món ngon vật lạ chuẩn bị cho việc ăn Tết. Từ những con gà hàng triệu bạc, đến những cân lợn nuôi thảo dược có giá gấp 3-4 lần thịt lợn thường. Bên cạnh đó là đặc sản vùng miền được mang về hiện diện trong căn bếp mỗi nhà như măng Tuyên Quang, nấm hương rừng Hà Giang, thịt trâu gác bếp Sơn La, gạo nếp nương Điện Biên…

Ngoài sản vật trong nước, còn phải kể đến những đồ ngoại nhập phục vụ cho ngày Tết của người Việt hiện nay. Trong đó Tết Mậu Tuất 2018 với sự lên ngôi của lườn ngỗng Nga xông khói, đùi gà tây xông gói Hàn Quốc thay cho món gà truyền thống. Rồi nho mẫu đơn Nhật Bản, Cherry New Zealand, dâu tây Hàn Quốc…cũng được người tiêu dùng Việt lùng mua để ăn Tết.

Mua nhiều, sắm nhiều cho ba ngày Tết dù cả năm chẳng hề thiếu thốn dường như vẫn là thói quen khó bỏ của người Việt. Tủ lạnh nhà ai cũng kêu chật ních đồ ăn, và Tết đến lại loanh quanh ăn uống. Ăn đến rằm tháng Giêng mà đồ ăn chưa vãn, và lại thở than với nhau là ăn đồ cũ, phát ngán lên rồi. Rồi lại dặn nhau sang năm mua ít thôi.

Dặn thì dặn đấy, nhưng thói quen mua sắm ê hề cho việc ăn Tết vẫn là hiện thực. Số liệu của Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy tháng 1/2018, Việt Nam chi hơn 167 triệu USD để nhập hoa quả các loại, kim ngạch tăng hơn cùng kỳ năm trước hơn 70%. Dịp cao điểm Tết Mậu Tuất, lượng nhập khẩu rau quả của Việt Nam ngày càng tăng, trong đó ba thị trường nhập hoa quả lớn nhất của người Việt là thị trường Thái Lan khi chi tới 73 triệu USD, Trung Quốc 38 triệu USD và Mỹ là hơn 18 triệu USD để nhập hoa quả các loại.

Còn theo báo cáo đánh giá sơ bộ của Bộ Công thương, lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán 2018 ước đạt hơn 230.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10-15% so với Tết năm trước.

Tết ấm, Tết no, phản ánh sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội là điều đáng mừng. Nhưng nếu ăn Tết đến mức ê hề, thừa mứa lại cần phải suy nghĩ. Nhưng để thay đổi tư duy “đói quanh năm, no ba ngày Tết” có lẽ sẽ không dễ dàng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
No ba ngày Tết