Những thanh xuân nằm lại với non sông

Nam Hoàng| 26/03/2018 18:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp vô cùng to lớn.

Có đến hàng trăm anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng ngàn liệt sĩ là người con của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Những cống hiến, hy sinh của họ sẽ mãi được lưu vào sử sách, mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Những thanh xuân nằm lại với non sông

Ông Vừ Gà Lử (thứ 2 từ trái sang phải), anh trai của Anh hùng Vừ A Dính: “Từ nhỏ, em Dính đã tỏ ra thông minh, nhanh nhẹn và dũng cảm” 

“Người con ưu tú” của Sóc Hà

Ngay từ khi mới được thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Đội VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có rất nhiều chiến sỹ là người dân tộc thiểu số tham gia vào lực lượng. Cụ thể, trong số 34 cán bộ, chiến sĩ của đội thì dân tộc Nùng có 8 người, dân tộc Mông 1 người, dân tộc Dao 1 người, dân tộc Kinh 5 người. Đông nhất là dân tộc Tày với 19 người, trong đó có Hoàng Văn Nhủng, người đã anh dũng hy sinh khi chỉ huy tiểu đội đánh Đồn Đồng Mu, Bảo Lạc, Cao Bằng. Và ông cũng là liệt sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Liệt sỹ Hoàng Văn Nhủng (SN 1909), người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1936, khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển, lan rộng đến tận núi cao châu Hà Quảng, Hoàng Văn Nhủng - khi đó mới 18 tuổi, và em trai Hoàng Văn Vân được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc viên. Năm 1939, cả hai anh em bị bọn mật thám bắt. Dù bị tra tấn dã man trong suốt nửa năm, các anh vẫn kiên quyết không khai. Sau khi được trả tự do, hai anh em Hoàng Văn Nhủng - Hoàng Văn Vân lại tiếp tục hoạt động. Để che mắt bọn mật thám, anh Nhủng lấy bí danh Xuân Trường.

Thông minh, gan dạ, dũng cảm lại được tổ chức cách mạng rèn giũa nên anh Nhủng nhanh chóng trưởng thành và trở thành cán bộ tiêu biểu trong phong trào Thanh niên phản đế của châu Hà Quảng. Giữa năm 1940, Xuân Trường cùng với một số cán bộ cách mạng tiêu biểu của Cao Bằng được cử đi học quân sự tại Hoàng Phố, Liễu Châu, Trung Quốc. Năm 1944, trở về nước, Hoàng Văn Nhủng lúc này có bí danh là Xuân Trường tham gia hoạt động chủ yếu từ xã Trường Hà lên vùng Lục Khu (Hà Quảng), tích cực vận động xây dựng đội tự vệ thường và tự vệ chiến đấu của các xã, góp phần vào việc xây dựng đội vũ trang châu Hà Quảng.

Ngày 22/12/1944, Xuân Trường là một trong số những đội viên xuất sắc của châu Hà Quảng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn vào Đội VNTTGPQ và cử giữ chức Tiểu đội trưởng một tiểu đội. Sau hai trận Phai Khắt, Nà Ngần giành thắng lợi, Tiểu đội trưởng Xuân Trường cùng Đội hành quân về Lũng Dẻ, xã Trùng Khuôn (Nguyên Bình, Cao Bằng) và khu Việt Minh Thiện Thuật (nay thuộc xã Trương Lương, Hòa An, Cao Bằng) tuyển thêm quân để thành lập Đại đội đầu tiên của ĐVNTTGPQ, củng cố lực lượng, bổ sung thêm trang bị vũ khí, sau đó tiếp tục hành quân đi đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc).

Sau khi trinh sát nắm tình hình, Ban Chỉ huy nhận định không thể áp dụng cách đánh như khi đánh đồn Phai Khắt - Nà Ngần (cải trang đột nhập) mà phải lợi dụng đêm tối bí mật, tiến công, tiêu diệt địch. Trận công đồn diễn ra vào đêm mồng 4, rạng sáng ngày 5/2/1945, diễn ra khá ác liệt. Quân ta tổ chức thành 3 mũi do 3 đồng chí Quang Trung, Nam Long, Xuân Trường chỉ huy, tấn công vào cả ba cửa.

Khi cả 3 tổ đã vượt qua hàng rào thép gai tiến vào đến sân đồn thì bị lộ. Địch lập tức ném lựu đạn xuống tới tấp và bắn ra tới tấp. Trước tình hình đó, Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ xung phong đột nhập qua cửa sổ, dùng súng tiểu liên diệt ngay tên gác cổng và một số tên khác. Khi đạn trong băng hết, anh đang thay băng mới thì bị một viên đạn địch bắn xuyên qua ngực. Xuân Trường gượng dậy gọi đồng chí Thế Hậu và nói: “Mình bị trúng đạn rồi, cậu lấy ngay khẩu súng của mình bắn đi”. Thế Hậu chạy đến định dìu Xuân Trường về phía sau, nhưng anh gạt đi và thúc giục đồng đội tiếp tục tấn công. Sau đó, anh trút hơi thở cuối cùng.

Cuộc chiến đấu kéo dài từ 23 giờ ngày 4 đến 2 giờ ngày 5/2/1945, quân ta tiêu diệt 20 tên địch, bắt sống 3 tù binh, thu 5 khẩu súng và nhiều đạn dược. Do bị thiệt hại nặng, bọn địch còn lại trong đồn buộc phải tháo chạy, xã Ân Quang được giải phóng. Còn Xuân Trường được các đồng đội chôn cất tại cánh đồng ngay dưới chân đồn...

Để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Nhủng, nhân dân xã Ân Quang đã xin được đổi tên xã thành xã Xuân Trường. Nhiều năm sau, khi nghĩa trang huyện được xây dựng, di hài của anh được đưa về đây chôn cất, xong nhân dân thương nhớ vẫn giữ nguyên phần mộ bia cũ của anh trên đất biên cương. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, khu vực này được quy tập thêm hài cốt của các chiến sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới và được nhân dân các dân tộc xã Xuân Trường hương khói hàng năm.

Ngày 19/8/1961, đồng chí Hoàng Văn Nhủng được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công, được công nhận là liệt sỹ. Đặc biệt, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, quê hương của liệt sỹ cũng được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVTND trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp”.

Khí tiết cách mạng còn sáng mãi

Cũng sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, cậu bé Mông Vừ A Dính, ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (trước thuộc tỉnh Lai Châu, nay thuộc tỉnh Điện Biên) đã sớm nuôi chí căm thù giặc. 13 tuổi, Dính xin vào làm liên lạc cho Đội vũ trang huyện Tuần Giáo và hy sinh khi mới tròn 15 tuổi. Câu chuyện về người thiếu niên anh hùng ấy đã được truyền đi khắp các bản làng Tây Bắc, trở thành nguồn động lực soi đường cho thanh niên, trai tráng người Xá, người Thái, người Mông khắp vùng tìm đến cách mạng, tìm đến con đường giải phóng cho toàn dân tộc.

Trong cuốn “Cẩm nang cho người phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”, do NXB Giáo dục ấn hành năm 2003 có viết: “Vừ A Dính là con một gia đình dân tộc Mèo ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu. Lúc 13 tuổi, Vừ A Dính đã hăng hái xin gia nhập đội võ trang và ngày ngày làm nhiệm vụ canh gác, liên lạc, tiếp tế gạo, muối cho nhân dân… Một hôm vừa đi công tác về bị địch vây bắt, đánh đập dã man, bắt chỉ đường đi bắt cán bộ và đồng bào. Vừ A Dính bày mưu bắt chúng làm cáng khiêng anh đi một ngày đường để lại trở về nơi cây đào là nơi xuất phát mà chả tìm được gì. Căm tức, giặc treo Vừ A Dính lên cành đào rồi bắn chết. Ghi công Vừ A Dính, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Còn ông Vừ Gà Lử, anh trai và là người duy nhất sống sót trong đại gia đình 10 người của Anh hùng Vừ A Dính bị giặc thủ tiêu, thì kể rằng, ngày xưa, Pú Nhung luôn bị giặc đột kích vào cướp bóc, đốt nhà, bắt người. Vì thế dân làng phải cử người canh gác để phát hiện giặc. Lúc còn nhỏ, Vừ A Dính đã xung phong được đi canh gác như các anh chị lớn. 13 tuổi, Dính đã thoát ly gia đình trở thành đội viên liên lạc của Đội vũ trang huyện Tuần Giáo, hoạt động trên địa bàn từ châu Điện Biên ra châu Tuần Giáo rồi ngược lên châu Tủa Chùa. Cái chân đã quen đường rừng, thạo rông núi nên lần nào nhận nhiệm vụ Dính cũng hoàn thành trước thời hạn và đảm bảo an toàn. Đã vậy, anh rất ham học, lúc nào trong ngực áo cũng cuộn một cuốn sách để tranh thủ học. Rồi Dính còn có sáng kiến chặt ngang thân cây chuối rồi khoét ruột cây chuối để lấy nước sinh hoạt cho bộ đội vào mùa khô…

Sau Cách mạng tháng Tám, giặc chiếm lại Lai Châu, chúng cướp của, đốt nhà, đánh đập người già, phá nương rẫy, hãm hiếp phụ nữ, bắt trai bản đi lính... Không thể trốn mãi trên rừng, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Tuần Lai, mặc dù chỉ có vũ khí thô sơ: cung nỏ, tên thuốc độc, bẫy đá, súng tự tạo của du kích, người Mông Pú Nhung đã đoàn kết cùng các dân tộc anh em trong huyện kiên cường đứng lên chiến đấu. Đội du kích Pú Nhung, trong đó có Vừ A Dính, dưới sự chỉ huy của người Đội trưởng Sùng Phái Sinh đã lập nhiều chiến công vang dội. Không may sau đó, Vừ A Dính bị bắt.

“Hôm ấy, tôi lên núi nên không bị bắt. Còn em Dính được đơn vị phái xuống tìm cách liên lạc và nắm tình hình địch để chuẩn bị cho bộ đội đánh đồn. Khi nắm được tin giặc chuẩn bị đưa quân lên đánh khu du kích Pú Nhung, mẹ đã trốn trại ra bìa rừng gặp Dính để báo tin này. Mẹ còn chuyển cho Dính hơn 100 viên đạn lấy trộm được của giặc. Trên đường trở về trại giam, một tốp lính đi tuần phát hiện ra mẹ. Không tìm thấy gì nhưng chúng vẫn nghi mẹ liên lạc với Việt Minh nên đã khám nơi giam cầm và phát hiện ra nhiều đạn mà mẹ và mọi người đã lấy trộm. Giặc đã lôi cả 22 người trong trại giam ra bắn, trong đó có ông nội, mẹ, chị gái và các em tôi... Sau đó không lâu, em Dính cũng bị giặc bắt. Dù bị tra tấn dã man nhưng Dính vẫn một dạ kiên trung, không khai báo cơ sở cách mạng. Quân địch đã treo ngược em lên một cành đào, rồi xả súng bắn... Còn bố tôi, Vừ Chống Lầu cũng bị tra tấn đến chết trong nhà ngục”, ông Lử bùi ngùi nhớ lại.

Đến khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Huyện đội Tuần Giáo đã đưa hài cốt Vừ A Dính về  an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Năm 1952, Chính phủ đã truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba cho Vừ A Dính - chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi của Đội vũ trang huyện Tuần Giáo. Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhận Vừ A Dính là một trong những thiếu nhi anh hùng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Luôn tự hào và phát huy những truyền thống yêu nước của cha ông, giờ đây, trên mảnh đất Hà Quảng (Cao Bằng), Tuần Giáo (Điện Biên), quê hương của liệt sỹ Hà Văn Nhủng và Anh hùng Vừ A Dính nói riêng và trên khắp rộng dài miền núi phía Bắc nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang từng bước chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vươn mình cùng đất nước.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thanh xuân nằm lại với non sông