Những nông dân thành tỷ phú nhờ phật thủ

Huy Hùng| 15/01/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm gần đây, cây phật thủ đã trở nên quen thuộc đối với người Việt Nam vào các dịp lễ,Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Nguồn cung cấp phật thủ lớn nhất được biết đến là ở Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội). Hơn 80% người dân ở đây trồng phật thủ để bán trong dịp Tết vì nó đem lại giá trị kinh tế lớn.

Về làng phật thủ Đắc Sở

Cây phật thủ là loài cây thuộc họ cam chanh, quả phật thủ có vỏ ngoài màu xanh hoặc vàng tùy theo tuổi của nó, bên trong quả có ruột đặc màu trắng tương tự như ruột của quả bưởi.

Các hộ dân trồng phật thủ cho biết: Sở dĩ có tên gọi là cây phật thủ bởi cây cho ra loại quả có những hình ngón tay giống ngón tay Phật. Quả cây dùng để làm cảnh, thờ cúng. Từ khi ngắt khỏi cây, quả có thể giữ nguyên vẹn màu sắc suốt thời gian dài.

Trước năm 2004, người dân Đắc Sở chủ yếu trồng cây cam và cây nông nghiệp, đến nay hầu hết các hộ đã chuyển sang trồng phật thủ, loại quả có giá trị kinh tế cao. Quả phật thủ mỗi năm thu hoạch 2 vụ, khoảng tháng 6, tháng 7 một vụ và dịp Tết Nguyên đán, nhưng người dân Đắc Sở thu nhiều lợi nhuận nhất vẫn là vào dịp Tết.

Những nông dân thành tỷ phú nhờ phật thủ

Trước đây chỉ có thôn Đông Hạ trồng phật thủ, giờ phật thủ đã lan rộng ra 6 thôn với diện tích lên tới 75ha.

Người đầu tiên nhân giống cây phật thủ thành công ở Đắc Sở là ông Nguyễn Văn Thiết ở xóm 4 (thôn Đông Hạ), vài năm sau, hàng chục hộ dân ở Đắc Sở đã đưa cây phật thủ ra trồng trên những đồng bãi trước đây trồng rau màu. Hiện nay, ở Đắc Sở có hơn 100 hộ trồng phật thủ, hộ ít thì 200 cây, hộ nhiều thì khoảng 400 cây mỗi vườn.

Điển hình, vườn phật thủ nhà anh Nguyễn Trí Lan (58 tuổi) có khoảng gần 1000 gốc cây. Phật thủ sai tuỳ cây, có cây 20 – 30 quả, có cây lại lên đến 50 – 60 quả/cây. Trung bình mỗi năm vườn phật thủ nhà anh Lan sẽ cho ra gần 4 vạn quả phật thủ.

Mảnh vườn trồng phật thủ khoảng 1 mẫu được người dân ở đây bán với giá từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Giá mua sỉ tại vườn khoảng 60.000- 90.000 đồng/quả nhưng đến ngày Tết mỗi quả có thể bán từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.

Những nông dân thành tỷ phú nhờ phật thủ

Vườn phật thủ nhà anh Trí Lan (58 tuổi)  - được cho là khu vườn có những trái phật thủ "khủng" nhất Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội)

Theo thông tin từ UBND xã Đắc Sở thì trước đây, chỉ có thôn Đông Hạ trồng phật thủ, giờ phật thủ đã lan rộng ra 6 thôn với diện tích lên tới 75ha, chiếm hơn 70% diện tích đất canh tác. Đặc biệt phật thủ ở đây luôn trong tình trạng “cháy hàng” vì thương lái đổ về mua.

Phật thủ trở thành thương hiệu của người Đắc Sở. Nhiều nơi khác lấy giống ở Đắc Sở về trồng, nhưng quả không có ngón hoặc ngón bị teo nhỏ, không cho quả to, đẹp, nhiều ngón, nhiều tầng như ở đây.

Hiện nay, có thể nói tại Hà Nội, Đắc Sở là nơi cung ứng lượng phật thủ lớn nhất ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Tại đây hiện có hàng chục hộ gia đình có thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng từ phật thủ, hơn 10 hộ có nhu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đặt phật thủ độc, lạ chơi Tết

Phật thủ đắt khách là bởi quan niệm tâm linh cho rằng, đây loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên để phù hộ cho gia chủ. Quả phật thủ bày trên ban thờ ngoài hương thơm thoang thoảng, chúng còn tươi lâu, trung bình độ bền từ 3 tháng, chất lượng tốt có khi được 5- 6 tháng, sẽ mang lộc đến cho gia đình.

Những nông dân thành tỷ phú nhờ phật thủ

Những trái phật thủ có dáng đẹp, ngón to bung xòe, nhiều tầng như thế này được nhiều đại gia tìm về tận vườn trả giá 10 triệu từ nhiều tháng trước Tết.

Phật thủ thu hút nhiều người bởi hình thù đặc biệt của nó. Phật thủ có những tua nhọn  giống với những cánh tay Phật. Một quả phật thủ đẹp, có giá trị cao và được người mua ưu tiên chọn là một quả căng, vỏ ngoài sáng bóng, các tua nhọn hay các “ngón tay” đều và đẹp.

Theo các chủ vườn, hình dáng quả phật thủ là do tự nhiên chứ chưa ai có thể tác động vào để tạo được quả phật thủ theo ý muốn. Những quả phật thủ đẹp, độc, lạ vườn nào cũng có nhưng chiếm số lượng rất ít. Chính vì độ khan hiếm mà những quả phật thủ đẹp ở đây có thể bán giá hơn chục triệu đồng.

“Quả càng nhiều ngón thì giá càng cao, khi đếm số ngón trên quả, hội tụ đủ các yếu tố Thịnh - Suy - Bĩ – Thái là chuẩn. Ngón tay cuối cùng rơi vào chữ Thịnh mang ý nghĩa năm mới phát tài, sung túc cho gia chủ. Với những quả đáp ứng đầy đủ các điều kiện như trên thì nhiều đại gia sẵn sàng chi tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng để được sở hữu” – Anh Lan cho biết.

Những nông dân thành tỷ phú nhờ phật thủ

Quả Phật thủ mỗi năm thu hoạch 2 vụ, khoảng tháng 6, tháng 7 một vụ và dịp Tết Nguyên đán, nhưng người dân Đắc Sở thu nhiều lợi nhuận nhất vẫn là vào dịp Tết cổ truyền.

Phật thủ Đắc Sở có thể để được 6 đến 8 tháng mà không bị hỏng. Lúc mới mua, quả có màu vàng chanh, để một thời gian thì quả chín ngả sang vàng rực, màu giàu sang, phú quý và tỏa hương thơm rất dễ chịu. Ngón tay phật thủ càng to, mọng thì càng để được lâu.

Với các đại gia chịu chơi, giá cả không quan trọng, nhưng quả phải độc đáo. Bởi vậy, thông thường từ trước Tết 2 tháng, những người nhiều tiền có thú chơi phật thủ đã tìm đến từng vườn ở Đắc Sở để tận mắt xem từng quả, chọn những quả đắc địa nhất để đặt trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nông dân thành tỷ phú nhờ phật thủ