Những nghịch lý trong cái có lý ở các đền chùa tại Việt Nam

Mai Hiền| 04/03/2018 10:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có những điều trong thế giới tâm linh hiện nay đang diễn ra rất “nghịch lý” nhưng lại rất “có lý”, đó là việc “thương mại hóa các dịch vụ đền chùa”, “buôn thần bán thánh”…

Những điều này dẫn đến sự hỗn loạn và phản cảm, không còn mang tính nghiêm trang thanh tịnh theo đúng giá trị gốc vốn có của nó.

Một thực tế cho thấy tình hình hiện nay đầu tư vào lĩnh vực tâm linh đang là mốt thời thịnh của nhiều doanh nghiệp, hay những cá nhân có khả năng huy động được nguồn kinh phí lớn để xây đền, dựng chùa, tôn tạo di tích danh lam thắng cảnh. Có điều này là vì đầu tư vào đó sẽ thu lại nguồn lợi nhuận khổng lồ và nhanh chóng hơn bất kỳ sự đầu tư nào tại Việt Nam hiện nay.

Sự linh thiêng của đền chùa xây dựng mới như thế nào chưa biết, nhưng nó được đánh giá bởi sự độc đáo, tính quy mô và độ hoành tráng với những kỷ lục mang tính quốc gia, quốc tế. Chùa Ba Vàng, chùa Bái Đính, chùa Đồng… là những nơi được xếp hạng vào hàng bậc cao trong các quốc gia khu vực.

Những nghịch lý trong cái có lý ở các đền chùa tại Việt Nam

Hình ảnh tranh cướp lộc tại cửa chùa. Nguồn: Internet.

Kinh phí để xây dựng đền chùa được các nhà đầu tư là các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đứng ra để thực hiện và sau đó thu lại lợi nhuận từ những hoạt động cung cấp dịch vụ và thu các khoản phí tham quan tại đền chùa. Vậy những cái nghịch lý trong cái có lý từ những việc thương mại hóa dịch vụ đền chùa, mua thần bán thánh này nằm ở chỗ nào?

Theo chuyên gia phong thủy LinhQuang - người đã có nhiều năm nghiên cứu về tâm linh, phong thủy thực hành ứng dụng phát triển tiềm năng con người: Thế giới tâm linh đang ở trong thời kỳ mạt pháp, là giai đoạn của sự hỗn loạn nên rất khó phân định được thật giả, đúng sai. Chính phái, tà phái, âm dương nghịch loạn, các giáo phái, pháp môn về tâm linh nổi lên trên rộng, gây ra nhiều tư tưởng huyễn hoặc rồi mê hoặc tinh thần và ý chí, từ đó dẫn đến bị ảo tưởng và làm nhiều điều khác thường, sai trái không đúng với quy luật của tự nhiên. Sự bất thường này được lợi dụng thông qua tín ngưỡng, lòng tin về tâm linh đối với các vị Thần, vị Thánh và các đức chư Phật. Vạn pháp duy tâm tạo, tâm an vạn sự an. Làm được điều này rất khó, nhất là xã hội ngày càng phát triển, tâm tình tinh thần con người lại càng dễ bị áp lực, bất an, stress, đặc biệt là vì không hiểu, không thông nên mù quáng tin theo những cái không tưởng phi lý nhưng vẫn cứ nghĩ nó đúng, để rồi đến khi phát sinh vấn đề xấu mới hay rằng thì đã muộn rồi.

Cái có lý của hoạt động thương mại hóa lĩnh vực tâm linh đó là một hoạt động đầu tư kinh doanh hệ sinh thái làm du lịch, và bên trong đó kết hợp vấn đề tín ngưỡng hình thành nên một trào lưu của thời đại. Để có được trào lưu này, các nhà đầu tư đã kết hợp nhiều cách PR và marketing để tạo ra một xu hướng của tâm linh đối với những đối tượng là tín đồ của các giáo phái. Tại Việt Nam số lượng phật tử rất lớn, văn hóa thờ Phật và thờ Thánh được đẩy mạnh, cũng chính nguyên nhân này là cơ hội cho các nhà đầu tư đánh mạnh vào việc xây dựng đền chùa để thúc đẩy phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân ngày càng cao hơn. Từ việc này, nhà đầu tư chỉ cần ngồi một chỗ để bán dịch vụ và thu tiền. Số tiền đầu tư có thể là tiền sạch, cũng có thể được huy động từ nhiều nguồn tiền bẩn rất khó kiểm soát như tiền từ nước ngoài về rửa tiền hay tiền tham ô tham nhũng của những cán bộ lãnh đạo…, sau quá trình đầu tư, tiền thu về hoàn toàn sạch. Số tiền này được phân bổ như thế nào lại còn là bài toán lớn giữa nhà đầu tư với các lợi ích nhóm xung quanh. Vì chính cái lý do “tự do tín ngưỡng tâm linh” nên đền chùa được dựng lên một cách ngập tràn từ mọi miền tổ quốc với quy mô hàng trăm ngàn tỷ đồng mà không hiểu tiền từ đâu mà nhiều đến thế, trong khi đó số tiền này nếu đầu tư cho hạ tầng cơ sở, đầu tư cho y tế, giáo dục, khoa học… thì sẽ dễ nâng được đất nước phát triển vượt bực hơn nhiều.

Những nghịch lý trong cái có lý ở các đền chùa tại Việt Nam

Ảnh nguồn Internet.

Một đất nước được gọi là phát triển thì cái đầu tiên cần phải “phát” đó chính là “trí tuệ” của từng con người được giáo dục một cách có hệ thống, đầy đủ bản lĩnh để làm chủ được vận mệnh đất nước. Thế nhưng với cái “tâm u mê” làm cho con người ngày càng bị mê muội, bị dẫn dắt bởi một “xu hướng tâm linh” của chính các thế lực đen phía sau tạo ra mà không hề kiểm soát được. Quá nhiều người không chịu lao động chân chính, mà chỉ luôn nghĩ tới việc đi cầu thần thánh để “xin lộc”, nhưng họ đâu biết rằng những nơi như đền chùa cái cần là để “tâm an và thanh tịnh”, còn lộc lá gì đó thì nằm ở chính “sự vận động” của bản thân họ, ở chính cái kết quả nỗ lực hết mình của họ, chứ không thể nhờ các “ngài bề trên” cho họ được. Làm ăn, sức khỏe, vận hạn… tốt hay xấu là ở “chính mình”, chứ không phải đi cầu xin thần thánh ban cho được. Việc đi lễ cốt chỉ để cho cái tâm thanh thản nhẹ nhàng, trí tuệ mở mang để giúp ích cho bản thân suy nghĩ được tốt hơn, hiểu thông hiểu thấu vấn đề hơn.

Như vậy, vấn đề có lý ở các đền chùa chính là hoạt động kinh doanh tự do mà ít ai quản chế một cách chặt chẽ, tự do thu hút và dẫn dắt tín ngưỡng, tự do đầu tư trên tinh thần có lợi cho nhiều bên. Vấn đề tự do này không có nghĩa là cứ thích làm thì làm, mà là do vấn đề tín ngưỡng nên lại càng thuận lợi hơn bao giờ hết. Cũng chính cái thuận này mà ít ai chú ý tới cái “nghịch lý” ở phía sau nó, đó chính là một đất nước còn đang khá nghèo, người đói khổ còn nhiều, thậm chí nhiều nơi ở vùng miền núi còn chưa có điện, trẻ em không có nơi học hành tử tế, miếng cơm manh áo phải lo hàng ngày không đủ…trong khi Phật chú trọng cái “tâm từ bi hướng thiện”, giúp con người giải thoát để hết khổ…nhưng mà với những số tiền quá lớn để xây dựng một nơi hoàng tráng chỉ để phục vụ lợi ích nào đó mà quên đi cái nhiệm vụ của nhà Phật là cứu khổ cứu nạn. Đây không nghịch lý thì là gì? Thử hỏi hàng trăm ngàn tỷ để xây dựng nên một ngôi chùa có làm được nhiệm vụ cứu khổ cứu nạn cho bách tính muôn dân hay không, hay chỉ là để kiếm tiền từ đó mà thôi? Câu trả lời nằm ở chính cái sự phô trương thanh thế quá đáng dẫn đến làm hư, làm hỏng cái “tâm thức” của nhiều người, cũng từ đó mới bị u mê, lú lẫn, cuồng tín và dễ dẫn đến việc hỗn loạn ảo giác, bạo loạn, dễ bị các thế lực phản động lợi dụng để điều khiển.

Vạn vật đều cần duy trì sự cân bằng, nếu chúng ta không tỉnh táo, nhất là tỉnh táo trong tâm linh tín ngưỡng thì những ngịch lý sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống, gây ra càng nhiều hệ tư tưởng xấu làm ảnh hưởng đến chính vận mệnh của bản thân, rồi từ đó làm ảnh hưởng chung tới vận mệnh cả một thế hệ, vận mệnh của cả một quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nghịch lý trong cái có lý ở các đền chùa tại Việt Nam