Những "cột mốc sống" nơi biên giới Cao Bằng

Đắc Chuyên| 18/10/2014 06:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những người lính và người dân nơi biên giới sẽ làm cho phên giậu của tổ quốc thêm dày, thêm vững chắc và mỗi người trong số họ sẽ là một cột mốc sống nơi biên cương Tổ quốc.

Các chiến sĩ thực hiện công tác tăng gia sản xuất

Các chiến sỹ trong giờ lao động, tăng gia sản xuất

Chiều Cao Bằng lộng gió, tôi đến Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động của bộ đội biên phòng Cao Bằng, đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ ngay từ những ngày đầu nhập ngũ. Các chiến sĩ ở đây đa phần là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, có chiến sĩ nói tiếng Kinh còn chưa rõ, lần đầu xa gia đình lại sống trong môi trường kỷ luật quân đội nên gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và huấn luyện. Nhưng, nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, các chiến sĩ đã dần làm quen, hòa nhập, thích ứng với môi trường mới.

Trước khi bàn giao chiến sĩ về các đồn biên phòng thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ sẽ phải trải qua 3 tháng huấn luyện theo quy định của Bộ Quốc phòng và 1,5 tháng huấn luyện nghiệp vụ biên phòng. Trong 4, 5 tháng sống trong kỷ luật thép, có biết bao cảm xúc, vui có, buồn có, nhưng tựu trung lại các chiến sĩ trẻ đã trưởng thành hơn, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất để bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Tôi có mặt ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động vào lúc 5 giờ chiều, đúng giờ các chiến sĩ đang thực hiện công tác tăng gia sản xuất. Trên những luống rau muống thẳng tắp, xanh mướt các chiến sĩ đang nhổ cỏ, tưới nước. Cạnh đó là những giàn đậu đũa đang ra quả, một vài chiến sĩ đang chắp nối mấy thanh tre bị gãy, mục do phơi nắng, mưa. Phía bên trái là một hàng cây mới trồng, những nhát quốc chắc nịch của các chiến sĩ khiến đám cỏ bị xới tung. Các chiến sĩ vừa làm vừa trò chuyện tíu tít, mồ hôi tuôn ướt áo. Trong sân là một đội đang chơi bóng chuyền, với những pha phản công nhanh, chính xác khiến mấy cán bộ ngồi cổ vũ reo hò ầm ĩ.

Một chiến sĩ trẻ đọc báo để cập nhật <a href=thời sự " src="https://congly.vn/data/news/2014/10/5/86/anh2012jpg1412487903.jpg" style="width: 600px; height: 400px;" />

Đọc báo là một hình thức giải trí của các chiến sỹ biên phòng

Qua đồng chí Chính trị viên, tôi được giới thiệu là một nhà báo trẻ, lên biên giới tìm hiểu về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số và nhiệm vụ, cuộc sống của bộ đội biên phòng nơi biên giới. Các chiến sĩ kể cho tôi nghe về những ngày đầu nhập ngũ, ngủ giường tầng, ăn cơm tập thể, không ra ngoài, không điện thoại, không internet, sinh hoạt gói trọn trong doanh trại quân đội.

Cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới còn nhiều lắm những khó khăn, thiếu thốn, nhưng những tình cảm chân thành giữa những người đồng chí, đồng đội đã giúp họ vượt qua tất cả để học tập, rèn luyện, quyết tâm xây dựng đơn vị xanh – sạch – đẹp như chính ngôi nhà của mình.

Có người lính trẻ nói với tôi rằng, từ ngày vào quân đội đã biết thương bố mẹ nhiều hơn, anh dự định tiết kiệm tiền phụ cấp để sau này khi ra quân sẽ mua tặng bố mẹ một món quà làm kỷ niệm. Trong những lời tâm sự, tôi thấy tân binh nào cũng thể hiện quyết tâm học tập, rèn luyện. Đặc biệt, nhiều tân binh có nguyện vọng ở lại phục vụ lâu dài trong lực lượng bộ đội biên phòng. Ngay lúc đó, tôi có một suy nghĩ rằng, chính những người lính này và mỗi người dân nơi biên giới sẽ làm cho phên giậu của tổ quốc thêm dày, thêm vững chắc và mỗi người trong số họ sẽ là một cột mốc sống nơi biên cương tổ quốc.

Cuộc trò chuyện đã làm cho tôi và các chiến sĩ xích lại gần nhau hơn, cũng giống như tình cảm giữa quân và dân ngày càng thắm thiết. Trong tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng những chiến sĩ này sẽ phát huy được truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ. Rời Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động khi trời đã tối, tôi và những chiến sĩ hẹn mùa xuân tới sẽ gặp nhau trên biên giới Cao Bằng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "cột mốc sống" nơi biên giới Cao Bằng