Những “bóng hồng” trên biển

Tuệ Lâm| 21/10/2015 10:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ xưa đến nay, người ta vẫn quan niệm rằng, nghề đi biển vốn chỉ dành cho những người đàn ông vạm vỡ, can trường, sức vóc, chứ phụ nữ chân yếu tay mềm, khó lòng chống chọi với sóng gió đại dương.

Thế nhưng, ở ngư trường Cà Mau, có một người phụ nữ đã quyết “vượt qua lời nguyền” ấy để ngày ngày, tháng tháng giong buồm, cưỡi sóng ra khơi. Bà là Nguyễn Thị Lan, thường gọi Tôn Lan - một nữ tài công nổi tiếng của vùng biển Sông Đốc, Cà Mau.

Người đàn bà “cưỡi sóng”

“Tay lái của bả là “số zách”. Mỗi khi ra biển, các tàu đều phải ghé Trạm kiểm soát Biên phòng để trình sổ. Nhiều tài công nam ghé vào trình sổ còn mắc lỗi kỹ thuật, nhất là khi sóng to, gió lớn phải “de” tới, “de” lui, ghé không khéo là tàu va sập cầu trạm hoặc mắc cạn. Nhưng bả chỉ ghé một lần là được hà!”, anh Út Thiêm, một người làm nghề lái đò ngang ở Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nói về bà Lan một cách đầy “ngưỡng mộ”. 

Bà Tôn Lan là một trong những người đầu tiên khởi xướng nghề thu mua cá trên biển của tỉnh Cà Mau. Dù đã gần sáu mươi tuổi nhưng người đàn bà quê gốc Trần Văn Thời này vẫn được dân trong nghề đánh giá là một tài công “cứng cựa”. Hơn hai mươi năm gắn bó với biển, bà thuộc lòng từng tọa độ trên vùng biển Tây Nam. Đặc biệt, bà có kinh nghiệm nhìn trời, nhìn sóng và hướng gió thay đổi để đề phòng sự chuyển biến của thời tiết.

Nồng hậu và nhiệt thành, bà Tôn Lan mời chúng tôi theo bà cùng thủy thủ đoàn ra biển. Nhìn vóc dáng thấp đậm, nước da trắng hồng và mái tóc cắt ngắn, ít ai nghĩ bà có thể lái những con tàu có tải trọng 60-70 tấn lênh đênh hàng chục ngày trên biển cả mênh mông, thậm chí đi trong thời tiết sóng, gió cấp 7, cấp 8.

Bà Lan bảo, việc trở thành tài công cũng do năm xưa quê hương nghèo khổ, gia đình bà chuyển về cửa biển Sông Đốc lập nghiệp. Nhà có tàu nhưng thuê mướn tài công khó khăn. Họ làm việc không nhiệt tình, trách nhiệm nên hiệu quả khai thác không cao. Đã vậy, mỗi lần tàu vào cặp bến cứ va đụng ầm ầm, không sứt be tàu thì cũng đổ cây trụ ở bến. Xót của, lại “tức khí” vì bị đám tài công thách thức, bà quyết tâm học lái tàu và đưa tàu ra khơi đánh cá.

Những “bóng hồng” trên biển

Bà Tôn Lan điều khiển tàu ra khơi

Thời gian đầu, thấy bà Lan xuống tàu ai cũng can ngăn, thậm chí có nhiều dư luận không tốt về chuyện đàn bà đi biển. Bởi, đàn bà thì không được đi biển. Luật tục ở vùng biển này từ xưa đã thế. Công việc chính của họ là quán xuyến việc nhà và ngồi tựa cửa chờ chồng. Và, đến khi chồng về thì cố gắng sinh được những đứa con trai để đi biển. Hàng nghìn năm nay vẫn vậy. Nhưng bà Lan may mắn là được chồng và gia đình ủng hộ. Bắt đầu từ đó, bà theo học lái tàu, quyết dấn thân vào nghề đi biển.

Ban đầu, bà Lan thường chỉ đánh bắt, thu mua ở những vùng biển gần, dần dà những mẻ lưới đầy, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và các thuyền viên đã khích lệ bà vươn xa hơn nữa. Sau vài năm làm tài công tàu cá, bà Tôn Lan chuyển sang hoạt động thu mua trên biển. Việc bà Lan cùng nhiều chủ vựa cá khác khởi xướng cách làm này đã có tác động tích cực cho nghề đánh bắt hải sản trên vùng biển Cà Mau. Các tàu đánh cá không cần phải chạy vào bờ mà vẫn bán được cá với giá hợp lý, tránh được hư hao xăng dầu không cần thiết.

Vậy là chiếc ghe cùng đội quân thu mua gần 20 lao động của bà đã tung hoành trên khắp vùng biển Tây Nam Bộ. Từ vùng biển Phú Quốc, quần đảo Hải Tặc của tỉnh Kiên Giang; đảo Hòn Chuối của tỉnh Cà Mau. Các vùng đánh cá chung của Việt Nam và các nước Thái Lan, Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia... nơi nào có tàu cá của Việt Nam tham gia đánh bắt trên biển là bà Tôn Lan đưa tàu tới kinh doanh.

Để chủ động trong việc thu mua, bà Lan thường liên lạc trước với các tài công đang đánh cá trên biển để nắm được số lượng và thỏa thuận giá cả. Thậm chí, bà phải bắt xe đò về tận các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Tiền Giang... để gặp chủ tàu đặt vấn đề thu mua trực tiếp. Khi tàu của họ đánh bắt tại vùng biển Tây Nam trúng luồng, họ sẽ điện qua máy bộ đàm về cho bà Lan đưa tàu ra lấy cá. Cứ thế, danh tiếng bà Lan trở nên quen thuộc với hàng trăm tàu cá từ nhiều tỉnh đang tham gia đánh bắt trên vùng biển Tây Nam. Nguồn lợi nhuận thu được, bà Lan dành một phần để đóng góp cho địa phương và làm từ thiện, giúp đỡ những người hoạn nạn

“Đội quân tóc dài” trên biển

Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ nữ trong vùng đã đến xin được đi biển cùng bà theo từng chuyến. Khi tình hình đánh bắt không khả quan, tàu thu mua phải nằm bến thì họ làm nhiều nghề khác nhau như buôn bán nhỏ, vá lưới hay sơ chế tôm cá thuê cho các vựa. Tuy không có sức khỏe như nam giới nhưng những chị em này rất khéo léo, dẻo dai và điều quan trọng nhất là không bị say sóng. Thường thì đội tàu gồm 20 người của họ chỉ có khoảng 3 lao động nam để làm các công việc nặng nhọc như móc cá từ hầm lên boong hoặc chuyển cá từ tàu này sang tàu kia, còn lại là các lao động nữ tuổi từ 18 đến 35. Mức lương bà Lan trả cho họ dao động từ 70-100.000 đồng mỗi ngày. Nhiệm vụ chính của những chị em này là theo tàu ra biển thu mua cá, bốc xếp cá vào khoang, lựa chọn, phân loại hàng theo từng chủng loại và thực hiện việc bảo quản cá.

Trong “đội quân tóc dài” của bà Tôn Lan, hầu hết đều là những cô gái còn rất trẻ. Phương Hồng Mỹ, 18 tuổi, người ở Khóm 6, Sông Đốc bảo: “Bọn em đi biển như vầy cực dữ dằn lắm, nhưng mà vui. Ba mẹ em cấm cản riết rồi cũng đồng ý cho đi. Ghệ em (người yêu) chả cũng la dữ lắm. Chả bảo ở nhà chơi cho rồi, chả sẽ cho tiền tiêu chứ đi làm gì cho cực thân”. “Vậy sao Mỹ còn đi biển” tôi hỏi. Mỹ cười hiền khô: “Đi biển vui lắm anh ơi. Ra ngoài đó mình được nhìn ngắm biết bao nhiêu thứ, lại được gặp nhiều người nữa. Cô Lan trả công rất hậu nên bọn em cũng có điều kiện tích lũy chút đỉnh vốn liếng để sau này lập nghiệp”. Nghe Mỹ nói vậy, Phạm Thị My - cô gái có vóc dáng cao lớn, thô ráp như nam giới đứng gần đó xen vào: “Tụi này đi biển đâu có thua kém gì mấy chả. Chuyện gì con trai làm được mà mình cố gắng học thì cũng sẽ làm được. Rồi tui cũng sẽ học lái tàu cho mấy chả coi”.

Đến giờ, My vẫn nhớ về lần thoát chết trên biển cách đây chưa lâu. Lần đó, tàu đang chạy trên vùng biển gần đảo Phú Quốc thì trời nổi giông, gió quất ràn rạt, sóng dựng phủ kín tàu. Từng đợt sóng nối tiếp nhau dềnh lên boong, nước tràn xuống khoang máy. Máy bơm không kịp xả nước làm tàu có nguy cơ bị chìm. Phân loại cá sau khi tàu cập bến. Nhiều chị em chúi cả vào trong buồng lái ôm nhau ngồi khóc. Bà Tôn Lan vừa cầm lái, vừa bình tĩnh động viên tinh thần mọi người, đồng thời chỉ đạo mấy anh em nam giới chuẩn bị phao, can nhựa cột dây quanh lưng từng người. Tất cả đều sẵn sàng để chống lại cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Những “bóng hồng” trên biển

“Đội quân tóc dài” trên biển Cà Mau

Giông mỗi lúc một ngặt, dù rất tiếc số hàng vừa thu mua được nhưng tính mạng người là trên hết, bà Lan hét lên trong tiếng sóng gầm dữ dội, bảo mọi người ném bớt cá xuống biển. Các chị em gái bảo nhau phân thành nhóm, người khỏe và biết bơi giỏi kèm người yếu hơn và bảo nhau cách xử lý khi tình huống xấu nhất xảy ra. Sau hơn mười tiếng vật lộn với sóng lớn trên biển, tàu của họ thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Ai nấy đều nhảy xà bần trên boong mà khóc cười lẫn lộn. Riêng bà Lan thì gần như kiệt sức vì suốt thời gian đó, bà không rời tay lái.

Ở “đội quân tóc dài” này, ưu điểm nổi bật nhất là tính cần cù chịu khó của mỗi thành viên. Giữa lúc giá xăng dầu lên cao, tàu ra biển mà không mua được hàng thì coi như chuyến đó mất không gần trăm triệu nên ai nấy đều bảo nhau khắc phục mọi bất lợi để thu mua hiệu quả. Nhiều khi biển động, hai chiếc tàu chạy song song với nhau nhưng không thể cặp mạn để chuyển cá sang. Trong cái khó ló cái khôn, bà Lan yêu cầu tàu bạn đưa sẵn hàng lên boong rồi cho tàu cặp cách khoảng 2m. Hai bên chia thành từng cặp đứng đối xứng. Thủy thủ tàu cá quăng từng bọc cá qua tàu thu mua. Bên này, các cô gái chuyển từng bọc cá vào cần xé (những chiếc sọt được đan bằng mây tre - PV) rồi đưa xuống hầm. Cứ kiên trì như thế, có ngày họ chuyển được vài tấn cá...

Đó là câu chuyện về những lần gian khó đã qua, còn giờ đây, khi sóng yên biển lặng, những người phụ nữ của biển đang tranh thủ làm đẹp cho nhau. Những cô gái trẻ hí hoáy tô sơn lên móng tay. Vài ba người đã có gia đình, ngồi xâu những con ốc biển nhỏ xíu về làm quà cho con. Bà Tôn Lan vẫn bình thản xoay bánh lái, chuyển hướng tàu về phía khơi xa. Chỉ còn vài giờ nữa là tàu ra tới vùng đánh cá, họ sẽ phải làm việc cật lực để có thể mang những món quà của biển về bờ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “bóng hồng” trên biển