Vụ việc Hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú ở Phú Thọ bị khởi tố, tạm giam về hành vi dâm ô với nhiều học sinh nam vừa lắng xuống thì tại Bắc Giang, Thái Bình lại xuất hiện thông tin thầy giáo nhắn tin gạ tình học sinh, có dấu hiệu dâm ô với học sinh.
Điều này cho thấy tình trạng xâm hại trẻ em nơi học đường có xu hướng gia tăng, đáng báo động. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo báo cáo của TANDTC, trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2013 đến 2018) trên cả nước đã xảy ra 8.110 vụ xâm hại tình dục trẻ em với các tội danh khác nhau như: Hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô trẻ em.
Hệ thống tòa án các cấp đã xét xử hơn 7. 600 vụ (hơn 92%). Những vụ trẻ em bị xâm hại đều để lại hậu quả rất nặng nề. Bị hại không chỉ tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và ám ảnh. Đặc biệt các em nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng. Nhiều vụ việc các bé gái sau khi bị xâm hại tình dục do lo sợ bị trả thù vì bị đe dọa và sự thiếu quan tâm chăm sóc của người lớn, đã không dám lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xâm hại dẫn đến bị xâm hại nhiều lần.
Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhiều người cùng chung tay bảo vệ trẻ em nhưng cho đến nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khiến dư luận xã hội không khỏi hoang mang, lo lắng.
PV Báo Công lý đã có buổi trao đổi cùng Ths. Ls Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội về những thực trạng nhức nhối nêu trên.
Ths. Ls Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội
Đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân
PV: Luật sư đánh giá thế nào về những thông tin vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây liên quan tới việc thầy giáo tại Việt Yên, Bắc Giang bị tố dâm ô với 13 cháu học sinh lớp 5 và vụ việc thầy giáo trường cấp 3 lộ tin nhắn “gạ tình” học sinh lớp 10 ?
Ths. Ls Đặng Văn Cường: Có thể nói rằng đó là những thông tin buồn của ngành giáo dục trong những ngày đầu năm nay và là những tin sốc đối với dư luận xã hội. Sau nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục ngay tại nhà trường, bị xâm hại bởi chính các thầy giáo của mình cho thấy môi trường học đường thực sự không còn an toàn cho trẻ.
Thực tiễn cho thấy nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra bất cứ nơi nào, bất cứ với đối tượng nào, đau lòng hơn là những nơi tưởng chừng như là an toàn nhất đối với trẻ, những môi trường sống tất yếu của trẻ như gia đình, trường học lại là những nơi mà trẻ em dễ bị bạo hành, bị xâm hại. Đau lòng hơn, qua thống kê cho thấy những đối tượng chủ yếu bạo hành và thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em lại chính là những người có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục các em như: bố mẹ, người thân, thầy cô giáo…
PV: Với những hành vi dâm ô, quấy dối tình dục như vậy, nếu được các cơ quan chức năng kết luận, làm rõ thì các thầy giáo trên sẽ bị xử lý như thế nào trước pháp luật ?
Ths. Ls Đặng Văn Cường: Hành vi dâm ô bị coi là tội phạm khi đối tượng của hành vi này là trẻ em (người dưới 16 tuổi) và chủ thể là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi).
Trong vụ việc thầy giáo bị tố dâm ô với 13 học sinh lớp 5 xảy ra ở Bắc Giang, cơ quan điều tra sẽ rất thận trọng trong quá trình điều tra để làm rõ hành vi, động cơ, mục đích để xác định đối tượng có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì tội dâm ô với người dưới 16 tuổi hay tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Nếu hành vi thể hiện là sờ mó, nắn bóp vào bộ phận sinh dục của các học sinh mà không nhằm mục đích muốn quan hệ tình dục thì đây là hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi, hành vi này sẽ bị xử lý về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Còn hành vi quấy rối tình dục thì mức độ nguy hiểm ít hơn hành vi dâm ô.
Trong trường hợp thầy giáo nhắn tin cho học sinh phát tán trên mạng xã hội, thể hiện hành vi quấy rối tình dục. Nếu học sinh này chưa đủ 16 tuổi và thầy giáo kia có hành vi sờ mó, đụng chạm, cọ xát vào cơ quan sinh dục của học sinh đó nhưng không nhằm mục đích quan hệ tình dục với em này thì người thầy này sẽ bị xử lý về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Còn trong trường hợp hai người thực hiện hành vi quan hệ tình dục trong khi học sinh chưa đủ 16 tuổi thì người thầy này sẽ bị xử lý hình sự về tội giao cấu với người dưới 16 tuổi. Còn trường hợp học sinh này đã đủ 16 tuổi thì hành vi tán tỉnh, quấy rối của thầy giáo này chỉ có thể bị kỷ luật theo luật viên chức hiện hành.
Vụ việc này, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc làm rõ để có căn cứ xử lý theo pháp luật đảm bảo làm trong sạch đội ngũ giáo viên, gìn giữ thuần phong, mỹ tục quan hệ tốt đẹp trong sáng thầy trò mà cha ông ta đã tạo lập, vun đắp hàng ngàn năm qua.
PV. Với tư cách là một người làm cha, làm mẹ, theo Luật sư thì chúng ta nên phải làm gì khi nghi ngờ con mình bị quấy rối, xâm hại tình dục?
Ths. Ls Đặng Văn Cường: Thực tế cho thấy nhiều em bị xâm hại nhưng không dám nói với cha mẹ vì sợ la mắng, xấu hổ. Bởi vậy, để bảo vệ con mình khỏi nạn xâm hại tình dục thì các bậc phụ huynh cần phải gần gũi các con, chia sẻ với các con để các con có thể tin tưởng mà tâm sự tất cả những suy nghĩ, tâm trạng cũng như có thể sẵn sàng nói ra mọi vấn đề của con.
Khi phát hiện con mình bị xâm hại tình dục, ở bất cứ mức độ thế nào thì các bậc phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, không được chửi bới, la mắng, đánh đập con, cần nhẹ nhàng hỏi han để các con bình tĩnh kể lại câu chuyện và chỉ ra những tổn thương đối với các em. Tiếp theo là tìm cách lưu lại các chứng cứ như chụp ảnh, ghi âm, ghi hình hoặc gọi người thân chứng kiến, không để mất các dấu vết để lại trên cơ thể các con cũng như ấn tượng về sự việc của các con.
Thủ tục tiếp theo là trình báo sự việc với các cơ quan chức năng để vào cuộc làm rõ, thu thập các chứng cứ, tài liệu để xử lý đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng cũng không được để các con bị hoảng loạn, sợ hãi, không được gây tổn thương về tâm lý, sức khỏe của các con trong quá trình thực hiện thủ tục, quá trình tố tụng.
Cần chế tài xử lý nghiêm
PV: Theo luật sư thì những nguyên nhân nào dẫn đến những hành động lệch chuẩn, thậm chí đồi bại, xâm hại tình dục của thầy giáo đối với học sinh như vậy ?
Ths. Ls Đặng Văn Cường: Qua những vụ việc nêu trên và qua nghiên cứu về loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có thể thấy, trong xã hội có những con người bị bệnh lý về tình dục, có nhu cầu tình dục bất thường, thêm vào đó là tâm lý bất ổn, nhận thức lệch lạc, từ đó sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội.
Sự ngây thờ, khờ khạo của các em học sinh mới lớn hoặc các em thiếu kỹ năng trong việc giao tiếp, ứng xử trong các tình huống có thể bị xâm hại tình dục khiến đối tượng nảy sinh ý định xâm hại và dễ dàng thực hiện hành vi xâm hại.
Sự hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến nhận thức lệch lạc, không lường trước được hậu quả pháp lý do mình gây ra hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tình dục mà không hay biết cho đến khi bị phát hiện, bị xử lý.
Bên cạnh đó, việc phát hiện, xử lý các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em chưa kịp thời, có nơi, có lúc còn chưa nghiêm minh dẫn đến hiện tượng một số đối tượng khinh nhờn pháp luật và làm nảy sinh điều kiện, cơ hội cho các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội về tình dục trẻ em, gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội.
PV: Để giảm thiểu những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em như những câu chuyện đau lòng ở trên, theo luật sư thì chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì trong thời gian tới ?
Ths. Ls Đặng Văn Cường: Để đấu tranh với nạn xâm hại tình dục trẻ em thì chúng ta cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng những cơ chế đảm bảo cho việc triển khai, thực hiện các quy phạm pháp luật đó trên thực tế.
Ngoài ra, cần bổ sung kiến thức, kinh nghiệm cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái cũng như bảo vệ con cái mình trước các nạn bạo hành, xâm hại đang có xu hướng gia tăng như giai đoạn hiện nay. Trang bị những kiến thức, kỹ năng cho các em học sinh về tình dục và các biểu hiện xâm hại tình dục, các kỹ năng đối phó, xử lý tình huống khi bị xâm hại tình dục để các em hiểu biết, nắm bắt và ứng dụng trong đời sống xã hội.
Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, tốt hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật sao cho đảm bảo đồng bộ, rộng khắp. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em, phòng chống tội phạm mua bán, chiếm đoạt, xâm hại tình dục trẻ em xuyên quốc gia…
Xin cám ơn Luật sư!