Nhiều chính sách hỗ trợ người dân sau lũ

Thanh Phương| 21/10/2017 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ngập úng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề, chính quyền tỉnh đã quyết định nhiều chính sách hỗ trợ người dân sau lũ.

Theo ước tính, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thiệt hại khoảng 3.335 tỷ đồng. Đã có 16 người chết, 3 người mất tích và 7 người bị thương; trên 2.700 nhà bị thiệt hại, trên 46.000 nhà bị ngập và ảnh hưởng do sạt lở đất; toàn bộ diện tích lúa, rau màu các loại và cây ăn quả bị thiệt hại; trên 25.500 con gia súc, trên 630.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề.

Nhiều công trình hạ tầng giáo dục, y tế, văn hoá bị hư hại; nhiều công trình hồ đập, đê điều, trạm bơm, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; xảy ra 52 sự cố đê điều từ cấp III đến cấp I, 94 sự cố về đê điều từ cấp IV trở xuống, 6 tuyến quốc lộ, 27 tuyến đường tỉnh bị sạt lở xói trôi kèm theo khối lượng đất đá rất lớn đổ xuống nên nhiều tuyến giao thông đến nay mới có thể khắc phục tạm thời, có những đoạn vẫn chưa xử lý xong.

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân sau lũ

Cơ sở vật chất, hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng

Do thiệt hại nặng nề trên diện rộng với mức độ nghiêm trọng, nên tỉnh Thanh Hoá đã đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để tỉnh xử lý cấp bách các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông ngay trong năm 2017; Bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và sớm bố trí nguồn vốn để tu bổ, khắc phục các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông bị hư hỏng nặng do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh; cho chủ trương để Thanh Hoá lập dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đê từ nguồn vốn ODA gồm: đê tả, hữu sông Hoạt, đê tả sông Yên, đê sông Hoàng, đê sông Nhơm; Hỗ trợ hiện vật như cơ số thuốc, hoá chất và thiết bị xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, giống cây trồng để khôi phục sản xuất, hỗ trợ các hộ dân có cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản bị thiệt hại. Còn nguồn ngân sách tỉnh dành để hỗ trợ xử lý khẩn cấp các công trình thuỷ lợi, giao thông, đê điều bị hư hỏng.

Sau mưa lũ, các phương án khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân nhanh chóng được cấp uỷ, chính quyền các cấp ưu tiên đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do Thanh Hoá thiệt hại quá lớn, quá nặng nề trên diện rộng nên phải nhanh chóng đề nghị Trung ương và ban hành ngay chính sách hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân sau lũ

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đi kiểm tra, khắc phục thiệt hại sau lũ

Thường trực Tỉnh ủy thống nhất về việc phải ban hành ngay chính sách hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau lũ lụt và đưa tất cả các hoạt động về phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội, quốc phòng – an ninh trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất. Trước mắt, huy động lực lượng, phương tiện và tập trung cao nhất để tìm kiếm những người đang bị mất tích do lũ lụt cuốn trôi và đảm bảo mọi chính sách, chế độ theo quy định, lo đầy đủ các thủ tục để gia đình có người bị thiệt hại an lòng.

Có chính sách hỗ trợ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các thiệt hại khác. UBND tỉnh căn cứ tình hình thực tế, tính toán chính xác để ban hành ngay chính sách để hỗ trợ nhân dân. Các ngành Môi trường, Y tế, Nông nghiệp xử lý toàn bộ môi trường của tỉnh xong trước 25/10. Trong xử lý môi trường phải ưu tiên nơi chôn gia súc số 1, tiếp đến là xử lý các bãi rác và những nơi sâu trũng, nước rút chậm. Nếu xử lý chậm, để phát sinh dịch bệnh do môi trường các ngành phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Giao UBND tỉnh quyết định các loại rau, hạt cần hỗ trợ, thực hiện theo kế hoạch cụ thể, giám sát chặt chẽ việc thực hiện ở các huyện. Để  đảm bảo an sinh xã hội, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thống nhất phương châm lấy sản xuất để đảm bảo lâu dài về an sinh xã hội. Đối với những hộ dân trước mắt gặp khó khăn, yêu cầu Sở LĐTBXH nắm lại số hộ để đề nghị trung ương hỗ trợ kịp thời.

Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ thị về chính sách hỗ trợ gia đình có người chết, người bị thương, nhà bị sập, tài sản của tổ chức, cá nhân đã được trưng thu để xử lý các trường hợp khẩn cấp: Hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có người chết; hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình có người đang bị mất tích; hỗ trợ từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng cho người bị thương (giao cho các huyện quyết định mức cụ thể tùy theo mức độ bị thương); hỗ trợ 25 triệu đồng đối với 01 nhà bị sập. Hỗ trợ ngang bằng giá trị tài sản của tổ chức, cá nhân đã được trưng thu để xử lý các trường hợp khẩn cấp về sự cố đê điều trong đợt mưa lũ vừa qua. Các chế độ, chính sách khác thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Hiện nay nhiều địa phương ở Thạch Thành nước chưa rút hết, khiến hàng nghìn hộ dân chưa thể về nhà. Tại các huyện Yên Định, Thường Xuân, Nông Cống, Vĩnh Lộc... sau khi nước rút để lại ngỗn ngang rác thải, gia súc, gia cầm chết, công trình giao thông bị phá hủy nghiêm trọng. Người dân đang phải gồng mình dọn dẹp, khôi phục sản xuất để có thể sớm ổn định trở lại.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách hỗ trợ người dân sau lũ