Nhân tết Trung thu: Viết từ “gợi ý”của… chú tò he!

Nguyễn Minh Nguyên| 25/09/2015 08:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cứ đến tết Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) là tôi lại lan man nghĩ về viết cho các em. Với tôi, bây giờ viết cho con trẻ khó hơn ngày xưa.

Phần vì tuổi tác, vì cảm xúc không còn tươi mới như ngày nào; phần vì tác động của các yếu tố xã hội và nghề nghiệp. Nhưng viết cho các em vẫn có cái thích thú riêng, nên tôi vẫn cầm bút. Viết để nuôi cảm xúc, viết để giữ nghề và viết vì con trẻ. Tôi mới hoàn thành bản thảo tập thơ thiếu nhi Cá Bống chào chị Bống! Tập thơ gồm 12 bài thơ ngắn và một truyện thơ 500 câu. Tôi cố  gắng cập nhật, chuyển tải đề tài môi trường đang nóng hiện nay. Truyện thơ miêu tả chuyến phiêu lưu của cá Bống để thoát  ra  khỏi con sông bị ô nhiễm, tìm về với một dòng nước trong sạch hiếm hoi.

Ngày còn trẻ, vào  những năm 70-80 thế kỷ trước, tôi viết được nhiều cho các em. May mắn cho tôi và cho các nhà văn, nhà thơ hồi đó, là không khí sáng tác, đội ngũ viết cho thiếu nhi đông vui. Mà báo nào cũng có trang văn nghệ dành cho các cháu, gồm thơ, văn, tranh, nhạc, họa… Đủ cả. Vì vậy, các tác giả luôn có nơi để gửi bài, luôn có “đất” để “canh tác”, và cũng có nhiều cơ hội để bài được đăng tải, người viết đến được với các em qua tác phẩm.

Có những dịp tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), tôi được đăng đến bốn bài thơ  trên bốn tờ báo! Trong các báo, tôi lại hay được đăng trên Quân đội nhân dân. Chả là tôi hay viết về các chú bộ đội. Hơn hai  mươi năm rồi mà tôi vẫn nhớ lần báo Quân đội nhân dân đăng bài thơ Chú cóc màu xanh, nói về chiếc ba lô đậu trên lưng chú bộ đội ngộ nghĩnh đáng yêu như chú cóc:

Những năm chiến tranh, các chú bộ đội thường dựng nhà bạt dã chiến giữa cánh đồng. Một hình ảnh trên đường tới trường các cháu thường gặp. Tôi đã viết bài Ngôi nhà của chú bộ đội, cũng đăng trên báo Quân đội nhân dân nhân ngày Quốc tế thiếu nhi(1-6). Giờ đọc bài thơ tôi vẫn nghe thấy tiếng cá búng động gốc lúa, tiếng con nhái bén phồng mồm gọi mưa. Bài thơ có đoạn: Chú bảo ở đây/ Đêm hè thích lắm/ Hương lúa ùa đầy/ Thơm như quả chín/ Tha hồ mà ngắm/ Trăng non trăng già/ Thương con nhái bén/ Phồng mồm gọi mưa! Ở trong ngôi nhà như thế thì ai bảo đời lính không nhẹ nhõm, không lãng mạn!

Nhân tết Trung thu: Viết từ “gợi ý”của… chú tò he!

Tò he, thứ đồ chơi truyền thống

Các báo khác như Nhân Dân, Hà Nội mới, Thiếu niên tiền phong, Phụ nữ Việt Nam, Tiền phong, Văn nghệ, Tác phẩm mới, Văn nghệ quân đội, Đại đoàn kết Độc lập, Ngựa Gióng, NXB Kim Đồng… luôn đón chào các nhà văn viết cho thiếu nhi. Đài phát thanh cũng vậy, văn thơ lên sóng rất hay, rất đẹp. Nhờ thế, các lớp nhà văn, nhà thơ viết cho con trẻ cứ nối tiếp nhau, nhiều tài năng xuất hiện. Nền văn học thiếu nhi vì thế mà hình thành và phát triển. Tôi đã chọn hơn 30 bài đưa vào tập thơ Đại dương hình chữ nhật, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1998. Trong tập thơ này có bài Dàn đồng ca mùa hạ, được nhạc sĩ Lê Minh Châu phổ nhạc và được bình chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20, cuộc bình chọn do báo Thiếu niên tiền phong, phối hợp với Đài THVN, Đài TNVN và Hội Nhạc sĩ VN, ổ chức năm1999. Bài hát Dàn đồng ca mùa hạ đã được đưa vào sách giáo khoa Âm nhạc lớp 5 từ năm 2006. Tôi tâm đắc: Cứ dành thời gian, công sức sáng tác cho tuổi thơ, thể nào  cũng được bù đắp.

Lớp người viết cho thiếu nhi đông đảo năm nào giờ đã lớn tuổi. Họ ít khi gặp nhau, không mấy dịp đàm đạo về viết cho các cháu nhỏ, bàn luận về văn học thiếu nhi. May thay, giữa các “khoảng lặng” đó, các nhà văn, nhà thơ tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, vẫn có thể “gặp”nhau qua cuốn Từ điển Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam của NXB Từ điển bách khoa năm 2006.  Cuốn từ điển ghi lại thành tựu văn học của  224 tác giả trên 906 trang sách. Tiếc là còn thiếu các nhà thơ Trần Hòa Bình, Bùi Đức Khiêm, Xuân Dục… Dù sao thì đây vẫn đựoc xem như một “thư viện” thu nhỏ về văn học thiếu nhi Việt Nam.

Tôi hiểu, không thể đòi hỏi người viết cho thiếu nhi hôm nay và bạn đọc hôm nay theo “tiêu chí”của hôm qua. Mỗi thời mỗi khác, nhưng vẫn có một điểm chung về viết cho thiếu nhi của các thời khác nhau: Người viết có động lực, niềm vui sáng tác và người đọc còn niềm vui đọc sách.

Đôi dòng tản mạn về viết cho con trẻ của tôi là hoài niệm. Nó an ủi lòng tôi, tuyệt nhiên không đề cao gì ở đây. Nói “an ủi” từ những gì mình làm được, từ không khí “ấm áp” vẫn còn đâu đây, trên trang sách của mình, của bè bạn, trên trang Từ điển tác giả thiếu nhi này. Và vì tôi được biết, 10 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) đã giải thể Ban Văn học thiếu nhi của Hội. Hội viên thuộc lĩnh vực văn học này đã cảm nhận cảnh “bơ vơ” nghề nghiệp! Lẽ ra văn học thiếu nhi phải  được quan tâm, ưu ái nhất thì hóa ra lại bị “bỏ rơi”, chí ít là về tổ chức của Hội! Hình như Hội NVVN đã nhận ra “sai lầm”, nên đang rục rịch cho khôi phục Ban Văn học thiếu nhi. Câu “Tất cả vì tương lai con em chúng ta” không phải là khẩu hiệu, hình thức, cả trong văn học thiếu nhi.

Tôi nghe thấy “gợi ý”của chú tò he, dưới ánh đèn ông sao, trong tiếng trống ếch, rằng nên ghi lại những chuyện này. Tôi không thể chối từ mong muốn đáng yêu đó!...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân tết Trung thu: Viết từ “gợi ý”của… chú tò he!