Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Thơ vào sách giáo khoa - đừng vênh với nguyên bản

Nguyễn Minh Nguyên| 20/11/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, dư luận nói chung, nhất là phụ huynh học sinh tiểu học, đang bức xúc về bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976) được đưa vào sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt, tập 1, lớp Hai, hiện hành.

Người ta băn khoăn vì bài thơ thiếu nhi rất hay này được trích in một cách dễ dãi, khiên cưỡng, làm mất đi cái hay cái đẹp vốn có của nó. Nếu nhà thơ Tú Mỡ mà sống lại có lẽ ông cũng đồng tình với dư luận.

Theo nguyên bản “Thương ông”, bài thơ gồm 36 câu, thuộc thể thơ bốn chữ, được viết liền một mạch. Bài thơ không chia ra thành từng đoạn, hay các khổ thơ khác nhau. Đọc lên nghe đầy nhạc điệu, hóm hỉnh, từ đầu chí cuối. Nó thể hiện đúng chất Tú Mỡ. Trẻ con thích đã đành, người lớn đọc cũng thú! “Ông bị đau chân/ Nó sưng nó tấy/ Đi phải chống gậy/ Khập khiễn khập khà/ Bước lên thềm nhà/ Nhấc chân quá khó/ Thấy ông nhăn nhó/ Việt chơi ngoài sân/ Lon ton lại gần/ Âu yếm nhanh nhảu/ Ông vịn vai cháu/ Cháu đỡ ông lên/ Ông bước lên thềm/ Trong lòng vui sướng”(nguyên bản)… Nhưng, khi đọc bài thơ được trích in trong sách Tiếng Việt, cảm giác lại hoàn toàn khác. Bài thơ đã được lược bỏ 8 câu, còn 28 câu, chia ra thành bốn khổ rõ ràng. Có chỗ đánh dấu gạch đầu dòng đối thoại ông cháu. Đây hoàn toàn khác về cấu trúc so với bản gốc, người biên tập đã “sáng tạo” thêm.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Thơ vào sách giáo khoa - đừng vênh với nguyên bản

Ảnh minh họa

Điều đáng nói là cái cách “trích” bài thơ của NXB. Không trích hẳn một đoạn hay nửa bài, mà theo cách“rút tỉa”câu, đoạn. Đây thực chất là biên tập lại bài thơ. Có những câu hay bị bỏ đáng tiếc, như câu“Khập khiễng khập khà”. Có lẽ, đây là  yêu cầu của một cuốn SGK lớp hai, theo chủ đề “Tập đọc”? Vậy, giả thiết, tác giả không đồng ý làm như thế thì sao? Dù thế nào, việc lược bỏ một số câu, đã vô tình làm hỏng bài thơ “Thương ông”. Theo tôi, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, thì nên trích hẳn một đoạn như trường hợp bài thơ “Tiếng võng kêu”(trích) của Trần Đăng Khoa, cũng  in trong cuốn sách này. Nhà phê bình văn học Vân Thanh, một chuyên gia hàng đầu về văn học thiếu nhi nước ta, đã viết về thơ Tú Mỡ như sau: “Đặc biệt thành công là thơ Tú Mỡ nói về tình ông cháu. Ở đây có cái khó không phải là ở chỗ nói cho hết cái thiết tha của tình yêu ông cháu, mà là qua tình cảm, qua cách nhìn của người ông, những nét mới mẻ, đáng yêu trong tính cách của đứa cháu ngoan được phát hiện” (Vân Thanh, “Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam”, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2006, tr.526).

Từ trường hợp bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ, đặt ra  vấn đề đổi mới biên soạn SGK, trong đó đưa một tác phẩm văn học vào SGK, như thế nào, để tránh sự “xung đột” có thể có, giữa NXB và tác giả, tránh “mâu thuẫn” có thể xảy ra, giữa nguyên bản tác phẩm và bản in trong SGK. Mục đích cuối cùng là vì học sinh, để các em được thụ hưởng một tác phẩm văn học hay, không có sự “vênh nhau” về chất lượng giữa nguyên bản và bản in trong SGK. Vì ấn tượng ban đầu sẽ theo các em đi suốt cuộc đời. Nếu việc này làm không tốt sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nhận thức, thẩm mỹ của các em. Ta có thể lấy bài thơ “Thương ông”của nhà thơ Tú Mỡ được đưa vào SGK Tiếng Việt vừa nói làm ví dụ soi chiếu.                  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Thơ vào sách giáo khoa - đừng vênh với nguyên bản