Người ơi mưa đấy hay sênh phách

Nam Hoàng| 24/10/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhà thơ Trần Huyền Trân từng viết bài thơ tặng nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ có câu: “Người ơi mưa đấy hay sênh phách/Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa”

Cái tiếng sênh phách mê đắm lòng người ấy tưởng như đã chìm lắng nhưng trong sự tái tạo lại nhịp sống cho ca trù cả nước, có một giáo phường vẫn hàng tuần rộn ràng trống phách những mong lưu giữ lại một nét tinh hoa của nghệ thuật dân gian Việt. Đó là CLB ca trù Hải Phòng.

Vang bóng một thời

Đối với những người ham mê ca trù thủa xưa, có lẽ cái tên Quán Bà Mau đã trở nên rất quen thuộc bởi nơi đây một thời từng là nơi tụ hội của các đào hát, kép đàn ca trù có tiếng của Hải Phòng một thủa như kép Phượng, kép Cổn, kép Thìn, đào Khầm, đào Thắm, đào Út.... Thời ấy, ngoài làng Đông Môn – Thuỷ Nguyên là nơi thờ tổ nghề ra, các ca quán thường tập trung tại hai khu vực chính trong nội thành là Cánh gà trong – dọc đường Dư Hàng Kênh và Cánh gà ngoài – dọc đường Lạch Tray. Muốn đi hát ở hai khu vực trên, quan viên phải trả mỗi tối 5 đồng trong khi hát ở những nơi khác chỉ phải trả từ 2 đến 3 đồng bởi đây là chỗ có nhiều đào nương giỏi, hát hay, phách dẻo.

Theo một số ca nương thì ca trù ở Hải Phòng đã phát triển từ 200 năm về trước gồm có: Hát cửa đình thời Lê rồi đến thời nhà Mạc, nhà Lê - Trịnh. Đến thế kỷ XIX, thời kì Trịnh – Nguyễn phân tranh thì phát triển thêm nhiều giáo phường mới  như giáo phường Trà Phương – Kiến Thuỵ, giáo phường Cung Chúc – Vĩnh Bảo cùng nhiều ca quán tên tuổi như ca quán Cam Lộ – Hồng Bàng;  ca quán Quy Tức – Kiến An và một số làn điệu mới mà sau này trở thành các điệu hát đặc trưng của ca trù.

Vào canh hát, các đào nương mặc áo the thâm, tóc vấn cao ngồi xếp bằng đĩnh đạc giữa phản, kép đàn thì đơn giản hơn có thể mặc áo sa hay áo the tuỳ ý, ôm đàn ngồi vắt chân chữ ngũ bên trái đào nương. Cho dù quan viên sang hèn gì thì các canh hát cũng phải đĩnh đạc, chỉn chu và giữ được nề nếp, phong cách trong nghề. Theo như lời của các nghệ nhân ca trù kể lại thì này xưa, ca trù có thật nhiều các qui định khắt khe do ca trù ngoài hát nhà tơ ra thì còn hát thờ trong các đám tế lễ nơi đình, miếu tôn nghiêm nên khi biểu diễn càng cần phải tinh tế, trang nghiêm, đúng nghi thức.

Sau này, khi đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, thế sự nhiễu nhương nên mới có thêm các đào rượu chuyên mua vui khách, song hầu hết các đào nương, kép đàn vẫn giữ được tư chất chuẩn mực trong nghề.

Hai biệt danh Cánh gà trong, Cánh gà ngoài ngày nay không mấy ai còn nhớ nhưng cái tên Quán Bà Mau đã được đặt cho ngã tư đường nơi ca quán xưa từng một thời vang bóng. Các đào nương, kép đàn, quan viên xưa hiện đều đã vào tuổi xưa nay hiếm, tay đàn đã run, hơi đã chùng và sức khoẻ giảm sút.

Có gặp gỡ và tham dự một buổi sinh hoạt của CLB ca trù Hải Phòng mới thấy được sự khổ luyện để thành nghề cũng như những khó khăn trong việc lưu truyền vốn cổ dân tộc. Được sự giúp đỡ tạo điều kiện của Sở Văn hoá thể thao và du lịch, Bảo tàng thành phố và Hội VNDG thành phố Hải Phòng,  CLB đã có điểm sinh hoạt thường kỳ tại nhà Giải vũ nằm trong quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia đình Hàng Kênh. Các nghệ nhân hàng tuần nhờ con cháu đưa đến CLB để được đàn, được hát. Họ đều không ngờ rằng sẽ có ngày nắn lại gân đàn, sửa năm khổ phách để ngâm ngợi Tỳ Bà Hành, Ba mươi sáu giọng, Mưỡu nói (những làn điệu trong ca trù) hay điểm từng nhịp trống chầu Gối hạc, Tứ bình, Xuyên tâm trù…

Người ơi mưa đấy hay sênh phách

Một canh hát của CLB ca trù Hải Phòng

Nỗ lực gìn giữ tinh hoa cổ nhạc

Nghệ nhân Trần Trọng Quế vốn là một kép đàn có tiếng đã từng theo kép Thìn, kép Cổn diễn tại các ca quán Khâm Thiên và có thời gian đánh đàn cho NSND Quách Thị Hồ hát. Ông thông thạo lối đánh khuôn và cũng rất tài tử trong lối đánh “hàng hoa”. Sau Cách mạng tháng Tám, ông bỏ đàn tham gia cách mạng và bị giặc đưa đi đày ở Phú Quốc. Hoà bình lập lại, ông được trả tự do và trở thành nhạc công trong dàn nhạc cổ truyền của đoàn cải lương Hải Phòng. Cho tới khi 70 tuổi, được mọi người khuyến khích, ông mới tự mình mua nguyên liệu về làm lại cây đàn đáy.

Gần 50 năm mới cầm đến cây đàn, ông  lặng lẽ đóng cửa phòng tập một mình, cố nhớ lại những ngón đàn đã từng chơi từ thời niên thiếu. Cùng với nhà nghiên cứu Giang Thu (đã mất năm 2006) ông đạp xe đi khắp thành phố để tìm những người đào nương, kép đàn năm xưa từng một thời vang bóng, vận động họ tới tập luyện và truyền dạy nghề cho những ca nương, kép đàn trẻ. Với chiếc xe đạp cà tàng, ông đạp xe chở nghệ nhân Nguyễn Thị Chín đến tận nhà từng học viên để truyền dạy.

Ông Quế tự mình làm đàn, làm phách, căng trống để có đủ nhạc cụ tập luyện và sinh hoạt cho câu lạc bộ, mua băng cát xét cho học viên nghe để nâng cao nhạc cảm... Thật hiếm có người  thầy nào lao tâm khổ tứ với học trò của mình như ông. Có lẽ khát vọng níu giữ nghệ thuật ca trù, niềm đam mê nhạc cổ và tâm nguyện được dồn những hơi sức cuối cùng cho cây đàn đáy đã giúp ông làm nên nhiều điều. Ông đã tạo nên một tấm gương về lòng kiên trì, sự say nghề và ý thức trách nhiệm gìn giữ tinh hoa cổ nhạc dù phải vượt qua bao thăng trầm, khổ nạn.

Xuất thân từ giáo phường ca trù Đông Môn - Thuỷ Nguyên, Nghệ nhân Nguyễn Thị Chín thời trẻ là một đào nương tài sắc từng tự mình mở ca quán ở Hải Phòng và Sài Gòn. Khi ấy, không ít người đã dám “chết vì tiếng phách tre” của bà. Dù đã 84 tuổi nhưng giọng hát của bà còn rất khoẻ, nảy hạt, dãi dề nhuần nhuyễn và hát được nhiều làn điệu khó như: Nhịp ba cung Bắc, Ba mươi sáu giọng... Bà bảo giờ già rồi, cố truyền dạy cho lớp trẻ hết những gì mình biết, chỉ hi vọng trò giỏi hơn thầy là phấn khởi.

Cùng truyền dạy cách hát và đánh phách với bà còn có Nghệ nhân Đào Thị Thẩm  - 85 tuổi xuất thân từ giáo phường Ngãi Cầu – Hà Tây. Bà theo chị là Nghệ nhân Đào Thị Bảo, đào đàn duy nhất thời bấy giờ ra Hải Phòng lập nghiệp. Trải qua nhiều gian khổ, đến khi  vừa trở thành đào nương có tiếng ở quán Bà Mau thì cũng là lúc các ca quán sinh thêm tệ đào rượu để phục vụ binh lính Pháp, Nhật và bọn tay sai học làm sang thì bà lặng lẽ rút về làm nghề thủ công, không hé răng với ai một lời rằng mình đã từng làm nghề đào hát và cũng không lấy chồng dù có nhiều người xin cưới.

Người ơi mưa đấy hay sênh phách

Nghệ sỹ Đỗ Quyên

Thắp lửa nghề cho giới trẻ

Nghệ sỹ Đỗ Quyên - chủ nhiệm CLB giới thiệu cho tôi một nghệ nhân khá đặc biệt với vốn hiểu biết sâu rộng và cách điểm trống chầu nhất mực tài tử. Ông trước đây từng là quan viên đi nghe hát cô đầu từ năm 15 tuổi. Khi có phong trào tiền khởi nghĩa, ông tìm vào Đệ tứ chiến khu Đông Triều và theo làm cận vệ dưới quyền của tướng Nguyễn Bình. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông chuyển ra hoạt động ngoại tuyến khu vực đường 5. Cùng đồng đội, ông đã triệt phá được nhiều âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch thời bấy giờ. Cuộc sống của ông về cuối đời rất khó khăn, thiếu thốn kéo theo nhiều chứng bệnh. Ông sáng tác nhiều thơ hát nói và cảm thụ rất tinh tế cách luyến hơi nhả chữ nên được nhiều nghệ nhân trên cả nước xem trọng.

Thật khó có thể kể hết những thăng trầm mà CLB đã trải qua trong suốt mười hai năm qua. Những năm đầu thành lập, CLB trực thuộc Nhà văn Hoá trung tâm thành phố Hải Phòng rồi chuyển về hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hội VNDG Hải Phòng. Hình thức hoạt động hoàn toàn tự giác tập luyện, tự túc trang bị nhạc cụ, y phục cổ và tự liên hệ, tổ chức biểu diễn... Từ số hội viên cao tuổi ban đầu, nay CLB đã phát triển, thu hút được đông đảo hội viên trong đó đa phần là lớp trẻ có trình độ văn hoá, trình độ nghệ thuật và trên hết là lòng say mê, gắn bó với nghề như ca nương Đỗ Quyên, Thu Hằng, Vân Anh, Hải Phượng, kép đàn Hoàng Khoa, Tô Tuyên...  Hầu hết các hội viên đều công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau và phải tranh thủ tập luyện ngoài giờ.

Mỗi khi CLB tổ chức Lễ giỗ tổ nghề, mừng thọ các nghệ nhân hoặc tổ chức các canh hát lớn để đưa ca trù đến với công chúng, các anh chị em hội viên lại tự nguyện đóng góp kinh phí để tổ chức. Với phương châm tự mình phải đi tìm khán giả bởi nghệ thuật ca trù là một loại hình khá kén người nghe, hàng tháng, CLB đều mời quan khách đến cùng tham gia nghe hát tại CLB. Cho dù biểu diễn dưới hình thức gì, cho đối tượng khán giả nào thì anh em hội viên cũng biểu diễn hết mình để cống hiến cho khán giả những lời ca, tiếng đàn đẹp nhất. Phải chăng chính sự đoàn kết, kính trên nhường dưới, gắn bó khăng khít như người một nhà của các thế hệ hội viên CLB ca trù Hải Phòng đã tạo nên một phong thái riêng, một diện mạo mới cho ca trù đất Cảng.

Cùng trong sự trường tồn và phát triển của nghệ thuật ca trù cả nước, CLB ca trù Hải Phòng đã giành được 6 Huy chương vàng trong các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc. Kế thừa những tinh hoa của các nghệ nhân xưa đồng thời tiếp thu sáng tạo của nghệ thuật ca trù hôm nay và làm thế nào để giữ được sắc thái riêng của mình - đó chính là phương châm tập luyện của các nghệ nhân, ca nương, nhạc công trong CLB bởi họ hiểu rằng, con đường để đi tới thành công trong nghệ thuật ca trù không gì khác ngoài sự nỗ lực hết mình.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người ơi mưa đấy hay sênh phách