Người M’nông với những món ăn đặc biệt trong ngày lễ Tết

Cao Nguyên| 17/02/2018 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào những ngày lễ hội, đặc biệt là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, người M’nông trên vùng đất Tây Nguyên tập hợp lại với nhau từ khắp các buôn làng, tất cả cùng quây quần bên bếp lửa hòa lẫn tiếng cồng chiêng, hương rượu cần.

Và một hương vị không thể thiếu là những món ăn đặc trưng như canh thụt, cơm lam…của người M’nông.

Người M’nông với những món ăn đặc biệt trong ngày lễ Tết

Chuẩn bị khai hội chào mừng năm mới

Từ tháng 10-11, người M’nông khắp các bon làng bắt đầu chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc. Cũng như bao dân tộc khác trên cả nước, họ chuẩn bị rất chu đáo, dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa, chuẩn bị heo, gà, có gia đình chuẩn bị giết bò, trâu để mở hội; người thì vệ sinh đường bon, nhà văn hóa cộng đồng…rồi chuẩn bị nguyên liệu để thực hiện các món ăn đặc trưng.

Vào các ngày lễ Tết, người M’nông thường nấu cơm nếp thay cơm gạo tẻ và nấu theo cách thức truyền thống, gọi là nấu cơm lam. Họ vào rừng chặt những ống lồ ô còn non, giữ lại mấu ở một đầu ống rồi cho gạo nếp và nước vào, xong nút lại đem đốt bằng lửa và than. Những ống cơm lam, ngoài vỏ tuy nhem đen, nhưng khi tước bỏ lớp vỏ thì lộ ra lớp cơm nếp thơm ngon, hấp dẫn. Hương nếp quyện với mùi thơm của tre tươi qua lửa làm cho cơm lam có một hương vị đặc biệt, hơn hẳn cơm nếp hấp trong chõ, nấu trong nồi.

Thịt là thực phẩm chủ yếu trong các món ăn ngày Tết. Người M’nông làm lông con vật bằng cách thui đốt. Có món gần giống với thức ăn của chúng ta như thịt nướng, món tiết canh, nem sống ở dạng thô sơ hoặc dùng phèo lấy từ ruột con vật bốn chân đem băm sống và trộn bóp với huyết. Những món ăn này dùng để dâng cúng thần linh. Ngoài ra, họ còn chế biến các món theo kiểu khác như: Món thịt băm nhỏ trộn với muối đựng trong ống tre; món thịt trộn với phèo rồi gói lá; món thịt trộn với tiết, phèo và muối ớt để trên lá; món thịt, ruột non, gan, ruột già hỗn hợp đựng trong ống tre; món thịt băm, tiết, phèo, muối ớt trộn nhuyễn; món da bóp với phèo... Món thường gặp là gan và lá sách thái miếng xiên xen kẽ vào que tre để nướng. 

Theo nhiều già làng M’nông kể lại, món ăn này có từ rất xa xưa. Trước đây, khi mùa lễ hội đến hay vào dịp đón khách quý, các thiếu nữ M’nông thường phải lên rừng trước một ngày tìm nguyên liệu để làm canh thụt. Bây giờ ở nhiều nơi, dân đã bán những nguyên liệu này. Ít nhất có mười loại nguyên liệu được dùng để chế biến canh thụt, như da bò khô, lá nhíp, cà đắng, đọt mây, ớt xanh.

Đặc biệt hơn, trong dịp Tết cổ truyền món canh thụt không thể thiếu đối với họ trong các bữa ăn. Canh thụt là món ăn truyền thống của người M’nông được chế biến từ các nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên. Theo ông Điều Hiền, trú tại xã Đắk Nia, huyện Đắk G’Long (Đắk Nông), người đã có thâm niên hơn 20 năm đi tìm nguyên liệu và chế biến món canh thụt cho biết: “Nguyên liệu chính để chế biến món canh thụt truyền thống có sẵn trong tự nhiên, bao gồm: lá bép (hay còn gọi là lá nhíp), đọt mây, cà đắng, ớt xiêm rừng, cá suối hoặc thịt động vật.  Ngoài ra, để món ăn có thêm nhiều hương vị đặc trưng và đậm đà hơn có thể cho thêm vào cá khô, sườn heo, gia vị chính là mì chính, muối, không dùng đường và các chất phụ gia khác”. Ông Điều Hiền cho biết thêm, trước khi nấu, phải chặt một ống lồ ô có lóng dài không quá già mà cũng không quá non. Sau đó cho tất cả nguyên liệu vào nấu và khi nấu phải có một chiếc que dài để thụt vào ống cho các thành phần của món canh nhuyễn và chín đều.

Hầu như trong tất cả các lễ hội cũng như ngày tết của người M’nông trên vùng đất Tây Nguyên, rượu cần là thức uống không thể thiếu được trong các ngày lễ Tết. Thường thì trong mỗi nhà đều có sẵn vài cái ché để cất rượu dành sử dụng trong dịp Tết. Rượu cần Tết được làm cẩn thận hơn, nguyên liệu chủ yếu là lúa nếp. Trong những ngày Tết, ché rượu đã được ủ từ trước được để giữa nhà đã được châm đầy nước. Khách tới thăm cùng ngồi trên chiếu, chuyền nhau giữa khách và chủ, nói chuyện mùa màng, bà con dòng tộc, rồi thì cứ ngậm cần rượu mà uống mà say mà vui hết ngày này qua ngày khác.Thức nhắm được đặt gần bên các ché rượu, có lót lá chuối đặt vào chiếc rá (rổ) để thực khách vừa nhâm nhi thưởng thức vừa chuyện trò, thỉnh thoảng đưa tay bốc một nhúm thức ăn đưa lên miệng.

Trong không khí cộng đồng ngày lễ Tết, việc ăn uống diễn ra với nhiều ý nghĩa, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu no bụng, ngon miệng mà còn đáp ứng nhu cầu về tình làng nghĩa xóm trong bon, quan hệ giữa con người với nhau. Ý nghĩa càng cao đẹp hơn của những món ăn trong ngày lễ Tết còn là sự thể hiện đời sống tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, kết nối giữa người sống với người chết, giữa người trần với thần linh, giữa con người với vạn vật sinh linh. Chính vì vậy mà ẩm thực vào ngày lễ Tết đối với người M’nông có ý nghĩa thiêng liêng và đặc biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người M’nông với những món ăn đặc biệt trong ngày lễ Tết