Người làm báo và "chiếc la bàn” đạo đức nghề nghiệp

Nhật Minh| 21/06/2018 15:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp - “chiếc la bàn vàng” của người làm báo.

Người làm báo và

Nhà báo Dương Xuân Nam

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Người đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Tài và đức là hai mặt bổ sung chặt chẽ cho nhau, có cả đức lẫn tài con người mới trở nên hoàn thiện; trong đó đức là yếu tố quyết định nhất, nhưng không phải là cái chung chung, trừu tượng mà phải thể hiện một cách cụ thể trong việc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao. Chiếu sang nghề báo, cùng với nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp được khẳng định như nền tảng, xương sống, rường cột đảm bảo cho sự phát triển của một cơ quan báo chí nói riêng và cả một nền báo chí nói chung. Bởi người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là yếu tố liên quan và thuộc về tư chất của cá nhân, với hai nét đặc trưng là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo đối với công việc - mà những yếu tố này chỉ có thể hình thành trên cơ sở tự ý thức.

2. Những năm gần đây, nền báo chí Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Hoạt động báo chí cho thấy nhiều ưu điểm khi tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần vào sự phát triển của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường thời mở cửa, hội nhập nên hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Đặc biệt, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ của mạng xã hội và phổ biến là Facebook, ở diễn đàn tự do của hàng triệu con người này, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, đa diện hơn. Tuy nhiên, chính mạng xã hội lại cũng là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ buôn bán thông tin giả trú ngụ khiến nhiều con mồi mang thân là “phóng viên salon”, “biên tập viên”… bị “sập bẫy”. Tất cả chỉ bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian, áp lực… chạy đua để tin mình được xuất bản đầu tiên và được Google quét về v.v… và v.vv… khiến nhiều người làm báo bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin dù đã có phần lăn tăn, băn khoăn. 

Còn nhớ dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, khi trả lời một tờ báo về vấn đề người làm báo cần “làm gì để giữ đạo đức nghề nghiệp” trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, TS. Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, từng nói rằng: “Trước sức ép cạnh tranh, khi có một sự việc xảy ra được mạng xã hội đăng tải, không ít phóng viên sử dụng tin trên mạng coi như tin của mình; sử dụng các tin trên mạng sau đó xào xáo, chế biến thành bài của mình; xem clip trên mạng rồi tường thuật lại như đang có mặt ở hiện trường, dựa vào thông trên mạng rồi “thêm mắm, thêm muối” để viết bài, thậm chí viết hàng loạt bài”. Theo ông “đây là các hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức báo chí. Chỉ có phóng viên bản lĩnh kém, đạo đức nghề nghiệp không được trau dồi, chạy theo tiền bạc mới bị cuốn vào. Chỉ có Tổng biên tập kém bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp mới cho phép, thậm chí mở đường cho phóng viên làm việc này”. Và chúng ta có thể đưa ra một số dẫn chứng điển hình về những vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong thời gian qua như hiện tượng có phóng viên, nhà báo cố tình vi phạm tính chân thực, khách quan để thực hiện hành vi “tư lợi” bằng cách tô hồng, đánh bóng doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hoặc ngược lại hù dọa, o ép một đơn vị kinh doanh nào đó… để đem lại quảng cáo, hợp đồng truyền thông v.v… và v.v…

3. Là một phần đạo đức xã hội, đạo đức nghề báo góp phần hình thành nên quy tắc tác nghiệp trong nghề báo; và ngược lại, quy tắc nghề nghiệp cũng sẽ góp phần xây dựng đạo đức nghề báo. Và để hướng tới mục đích chung là phục vụ độc giả, mang lại cho bạn đọc những tin tức trung thực nhất, các tổ chức, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã xây dựng những quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Ở nước ta, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được luật hóa thông qua Luật Báo chí năm 2016 và gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí quy định: Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Quy định này không chỉ khẳng định đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi người làm báo, tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp mà còn đồng thời khẳng định yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, không phân biệt giữa người làm báo có Thẻ nhà báo, hay người làm báo không có Thẻ nhà báo.

Tại buổi họp báo Công bố 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam hồi tháng 12/2016, các nhà báo đã đánh giá cao về những nội dung đã được đưa ra trong Quy định với nhiều điểm mới. Bên cạnh đó, các ý kiến đặc biệt quan tâm đến Điều 5 của Quy định: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác” và muốn làm rõ thêm về khái niệm của từ “chuẩn mực” và “trách nhiệm”. Về vấn đề này, khi ấy, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, đây là bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp dựa trên nền tảng rất chung đó là “các giá trị đã được xã hội thừa nhận”. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng, trong một văn bản dù có chi tiết đến mấy thì cũng không thể nói rõ được tất cả mọi thứ, kể cả văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, về tiêu chí “chuẩn mực” và “trách nhiệm” trên mạng xã hội thì rõ ràng cái gì trong xã hội tất cả đều thừa nhận là đúng hoặc không đúng thì những người làm báo cũng phải nhận thức rõ được điều đó để không những bản thân mình nhận thức đúng mà còn định hướng dư luận xã hội.

Còn nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, trong quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam tựu trung lại có hai điều cơ bản, đó là: Lương tâm và Trách nhiệm. Theo ông, có những thông tin dù pháp luật không cấm đưa lên báo nhưng với lương tâm và trách nhiệm người làm báo cũng không được phép đưa. “Bởi, nếu đưa lên báo có thể làm tổn hại đến người khác, nhất là những chuyện về đời sống riêng tư, kể cả đời sống riêng tư của các phạm nhân…”. Nhà báo Dương Xuân Nam nhấn mạnh: “Tôi thiển nghĩ 10 quy định trên là cần thiết, còn điều thứ 5 theo tôi thì người làm báo khi viết ra mỗi câu, mỗi chữ, lúc nào cũng phải chuẩn mực và trách nhiệm chứ không phải chỉ khi tham gia mạng xã hội…

Nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong kể thêm, khi còn là một phóng viên trẻ, chưa có những bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp về nghề báo như Hội Nhà báo Việt Nam ban hành như hiện nay. Thế nhưng theo ông, “thời đó chưa có các nhóm lợi ích chi phối đời sống xã hội như bây giờ, đạo đức xã hội chưa có nhiều biểu hiện xuống cấp, đạo đức người làm báo cũng rất trong sáng. Mỗi chữ, mỗi câu phóng viên viết ra đều được duyệt rất cẩn thận, qua Phó ban, Trưởng ban, Thư ký Tòa soạn, rồi Tổng biên tập. Nghĩa là rất nhiều tầng, nhiều nấc đọc. Sai sót trong báo chí thời đó chủ yếu là sai sót về nghiệp vụ chứ ít có những sai sót do liên quan đến phẩm chất, đạo đức người làm báo…”.

4. Làm bất cứ công việc gì cũng phải có đạo đức. Nói cách khác, tương ứng với mỗi nghề trong xã hội sẽ có những quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp điều chỉnh hành vi, hoạt động của những người làm nghề. Đạo đức nghề nghiệp hiểu một cách giản đơn là những quan điểm, quy tắc và chuẩn mực hành vi đạo đức xã hội có tính đặc trưng của nghề nghiệp, đòi hỏi phải tuân theo trong hoạt động nghề nghiệp, nó giống như chiếc la bàn chỉ đường cho người bộ hành. Trong khi đó, nghề báo trong xã hội là một nghề mang tính đặc thù, mỗi thông tin trên báo chí đều có ảnh hưởng nhất định tới dư luận xã hội; và nếu thông tin khi xuất hiện trên mặt báo trong hình hài bị cắt xén, chèn “ẩn ý” của người viết hoặc không chính xác thì có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể, một cộng đồng và cả lợi ích quốc gia. Tất nhiên khi để xảy ra hiện tượng đó, tờ báo ấy, người đứng đầu tờ báo ấy, tập thể những con người hoạt động tại tờ báo ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí phải trả giá; và cái giá lớn nhất, đau đớn nhất ấy chính là uy tín, là niềm tin của độc giả. Vì thế, để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp - “chiếc la bàn vàng” của người làm báo.

10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật; Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người làm báo và "chiếc la bàn” đạo đức nghề nghiệp