Người cùng giới được đăng ký kết hôn?

05/01/2014 14:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là đề tài được nhiều đại biểu cho ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi khu vực phía Nam do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Đây là đề tài được nhiều đại biểu cho ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi khu vực phía Nam do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

 

Không cấm quan hệ cùng giới

 

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định kết hôn giữa những người cùng giới thuộc trường hợp pháp luật cấm. Tuy nhiên, dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi (HN&GĐ) đã “thoáng” hơn, Nhà nước không cấm nhưng cũng không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của người đồng giới được giải quyết giống trường hợp người chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Riêng đối với người sinh con là mẹ của đứa bé; người nhận con nuôi là mẹ nuôi hoặc cha nuôi của đứa trẻ. Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ và con của người cùng giới được thực hiện theo quy định chung của pháp luật.

 

Thẩm phán Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Chánh tòa Tòa Hành chính, TAND tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, đồng tình với những quy định mới của LHN&GĐ về người cùng giới, chúng ta không nên cấm vì những người bị đồng tính là do khiếm khuyết của cơ thể không ai mong muốn, họ đã chịu nhiều thiệt thòi. Pháp luật nên “bỏ ngỏ” vấn đề này nhưng phải có quy định pháp luật điều chỉnh mối quan hệ phát sinh của quan hệ đồng tính như: tài sản, con cái. Đồng quan điểm này, Thẩm phán Nguyễn Thị Phương Bắc, TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, hoàn cảnh của những người đồng tính rất đáng thương, cần được xã hội thông cảm, chia sẻ nhưng không nên cổ vũ cho quan hệ đồng tính, hậu quả của hôn nhân rất phức tạp. Theo ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban soạn thảo Dự án LHN&GĐ thì hiện nay tỷ lệ người đồng tính trên thế giới khoảng 3%, nhưng chỉ có 7 quốc gia công nhận hôn nhân cùng giới, riêng Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người. Trước đây, LHN&GĐ năm 2000 cấm, nhưng thực tế đã phát sinh nên có những quy định điều chỉnh quan hệ này trong luật mới là hợp lý, nhất là những quy định giải quyết tranh chấp về tài sản. Mặc dù không cấm nhưng Nhà nước không công nhận do nhiều nguyên nhân, nên những những người quan hệ cùng giới không được cơ quan hộ tịch cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. 

 

Người cùng giới được đăng ký kết hôn?

 

Ly thân phải ra Tòa

 

Ly thân là quy định mới trong dự thảo LHN&GĐ, nếu vợ chồng chung sống với nhau không hạnh phúc nhưng chưa muốn ly hôn thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly thân. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn ly thân có cần đến phán quyết Tòa án? Thẩm phán Trần Ngọc Quang, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang là người quyết liệt phản đối đưa quy định ly thân vào luật. Theo ông Quang, Tòa án tuyên cho vợ chồng ly thân nhưng ai bảo đảm bản án, quyết định được thi hành? Thi hành án như thế nào? Ly thân mà không ly hôn nhưng luật quy định cho phép vợ chồng được yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Ở thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay mối quan hệ kinh tế rất phức tạp, không khéo chúng ta đặt ra chế định ly thân sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”, rất nguy hiểm, mục đích của ly hôn sẽ bị lợi dụng để tẩu tán tài sản, trốn trách nghĩa vụ thanh toán. Tán thành quan điểm này, một Thẩm phán TAND tỉnh Trà Vinh cho rằng, ly thân xét về mặt tích cực thì ít nhưng tiêu cực thì nhiều. Ly thân là giải pháp nhằm tránh mặc cảm với xã hội, con cái khi phải ly hôn nhưng trong luật quy định điều kiện, thẩm quyền giải quyết ly thân giống ly hôn thì nên cho ly hôn luôn. Thực tế nhu cầu của xã hội về ly thân không nhiều vì vậy không nên đặt ra trong luật, tránh được tình trạng tẩu tán tài sản. Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Phạm Văn Cheo, Chủ tịch Hội Công chức Tp HCM cho rằng, khái niệm ly thân không phải là mới, trước đây khi có rất nhiều người dân đến phòng công chứng yêu cầu công chứng chia tài sản trước khi ly hôn. Ông đồng tình đưa khái niệm ly thân vào luật, tuy nhiên thủ tục, thẩm quyền giải quyết ly thân theo dự thảo luật là quá phức tạp, gây tình trạng quá tải cho ngành Tòa án. Nếu hai vợ chồng tự nguyện ly thân thì chỉ cần văn bản thỏa thuận có công chứng là đủ. Trong văn bản này có thể thỏa thuận trách nhiệm nuôi con, cấp dưỡng, thăm nuôi, phân chia tài sản, trách nhiệm trả nợ thuế. Mặc khác, luật nên quy định cụ thể thời hạn ly thân của vợ chồng. 

 

Người cùng giới được đăng ký kết hôn?

 

Về vấn đề mang thai hộ, nhiều đại biểu đồng tình với những quy định của dự thảo luật như: người vợ không thể mang thai và sinh con; vợ chồng chưa có con chung; người mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích cùng hàng với vợ hoặc chồng và đã từng sinh con. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về tính nhân đạo trong mang thai hộ, nên cần có quy định rõ ràng hơn để tránh lợi dụng mang thai hộ để trục lợi, tống tiền hay tranh giành con sau khi sinh. Mặt khác, luật cần quy định mức bồi dưỡng hợp lý cho người mang thai hộ, mức bồi dưỡng phải đảm bảo bù đắp đủ thu nhập bị mất trong thời gian mang thai và sức khỏe cho thai nhi lẫn người mang thai hộ. Đối với quy định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi của người mẹ, nhiều đại biểu có ý kiến luật không nên quy định “cứng” như vậy. Thẩm phán Trương Văn Bình, Chánh án TAND tỉnh Cà Mau nêu một trường hợp Tòa án tỉnh này đã đưa ra xét xử, bà mẹ sinh con được 7 ngày tuổi rồi bỏ đi biền biệt, giao con cho gia đình chồng nuôi dưỡng. Nhưng đến khi bé được 2 tuổi thì người mẹ quay về khởi kiện yêu cầu được nuôi con. Theo luật, Tòa án phải chấp nhận. Cũng có trường hợp mẹ sinh con nhưng không nuôi, nhưng khi quay về “tống tiền” nhà chồng, nếu không đưa sẽ kiện ra tòa “lấy” con lại. Ông Bình kiến nghị, luật nên mở ra cho người có điều kiện được nuôi và chăm sóc trẻ tốt hơn. Đặc biệt, luật phải ưu tiên người đang nuôi trẻ dưới 36 tháng tiếp tục được nuôi nếu có điều kiện chăm sóc tốt. 

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Phó Trưởng Ban soạn thảo cho biết, LHN&GĐ sửa đổi đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình nước ta trong tình hình mới; đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân đã có nhiều sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp sửa đổi. Trong các Hội nghị lấy ý kiến góp ý vừa qua, còn nhiều ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để Luật LHN&GĐ sửa đổi thật sự là chuẩn mực pháp lý trong cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội.

 

Quang Trung

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cùng giới được đăng ký kết hôn?