Ngược cổng trời thăm vùng đất anh hùng

Gia Bảo| 29/04/2020 06:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Bình là tỉnh tuyến đầu miền Bắc và là hậu phương trực tiếp chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chính vì thế mà vùng đất này phải gánh chịu hàng tấn bom đạn của quân thù.

Để ngăn chặn đường hành quân và tiếp tế của ta, Mỹ - Ngụy đã dội xuống Cha Lo hàng trăm tấn bom đạn hòng cắt đứt tuyến đường 12A, một trong những nhánh trọng yếu của đường mòn Hồ Chí Minh. Song đất và người Cha Lo vẫn vững vàng trong bão lửa.

Ngược cổng trời thăm vùng đất anh hùng

Đường lên Cổng trời – Cha Lo

“Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”

 Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, nhân dân Quảng Bình không quản ngại hy sinh gian khổ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia mở đường, san lấp hố bom, rà phá bom, mìn, vận chuyển lương thực, vũ khí cho “Miền Nam ruột thịt”… Trên bến dưới thuyền, từ đồng bằng đến miền núi xa xôi, đâu đâu cũng rộn ràng khí thế thi đua “giết giặc lập công, bảo đảm giao thông thông suốt”.

Với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”, Quảng Bình đã huy động hàng triệu ngày công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… để đào đắp đường giao thông, bảo đảm cho hoạt động và cơ động của các lực lượng.

Dẫu phải gánh chịu hàng trăm tấn bom đạn, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Bình vẫn kiên cường chiến đấu, góp phần giữ vững các tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1, Đường 10, Đường 12A, Đường 20 Quyết thắng, Đường 15A nối với Đường Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên một hệ thống đường giao thông liên hoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vận tải chiến lược chi viện cho miền Nam. Những địa danh như đồi Cha Quang, ngã ba Khe Ve, ngầm Trạ Ang, phà Gianh, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, đèo Mụ Giạ, đèo Phu La Nhích và đặc biệt là Cổng Trời - Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên quê hương “hai giỏi”.

Vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi quốc lộ 1 và đường 15 bị chặn lại bởi dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 và hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, đường 12A trở thành con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, khí tài, nhân lực ngược lên miền tây Quảng Bình, vòng qua Lào tiếp sức cho chiến trường miền Nam. Hòng ngăn chặn đường hành quân và tiếp tế của ta, Mỹ - Ngụy đã dội xuống toàn tuyến 12A nói chung và “điểm nóng” Cha Lo nói riêng hàng trăm tấn bom đạn. Song đất và người Cha Lo vẫn vững vàng trong bão lửa.

Trong một đêm xuân năm 1969, người nhạc sĩ tài hoa Phạm Tuyên đã có một đêm thức trọn cùng biên giới Cha Lo và viết lên những dòng nhạc đầy tự hào về người lính công an nhân dân vũ trang Cha Lo năm ấy. Bài hát Đêm trên Cha Lo không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật giá trị mà hơn hết, đó còn là một minh chứng lịch sử, khắc họa rõ nét rằng sự khốc liệt ở Cha Lo.

Có thể nói, mỗi mét đường, mỗi gốc cây ngọn cỏ Cha Lo đều thấm đượm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng, liệt sỹ. Phần lớn những anh hùng, liệt sỹ ấy tuổi đời đều rất trẻ, vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân và xương máu của mình. Thật khó để kể hết những tấm gương hi sinh anh dũng để bảo vệ cho tuyến đường huyết mạch.

“Nhằm thẳng quân thù, bắn”

Trên con đường 12A này, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đã tạo nên một biểu tượng của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Trong trận đánh diễn ra vào ngày 18/11/1964, Mỹ huy động nhiều tốp máy bay tấn công vào Cha Lo. Ngay đợt đầu, 3 chiếc máy bay F.100 bất ngờ lao vào trận địa của đại đội Nguyễn Viết Xuân. Bất chấp nguy hiểm, Nguyễn Viết Xuân lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn”.

Giữa làn mưa bom bão đạn, tiếng hô dõng dạc của Nguyễn Viết Xuân vang lên đã trở thành khẩu hiệu khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn đơn vị và sau này lan ra khắp các chiến trường. Trận chiến vừa tạm dứt, anh đi khắp các khẩu đội để nắm bắt tình hình động viên chiến sĩ, tuy nhiên máy bay địch bất ngờ quay lại và nhả đạn. Không may bị thương nặng, gãy nát đùi bên phải nhưng Nguyễn Viết Xuân đã yêu cầu y tá cắt nốt phần thịt dính vào chân cho đỡ vướng và tiếp tục theo dõi cuộc chiến, biểu dương kịp thời các chiến sĩ lập công. Sau trận chiến đó, anh đã hy sinh.

Năm 1967, Nguyễn Viết Xuân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đến giờ, nơi diễn ra trận đánh ác liệt ấy vẫn còn tấm bia di tích ghi lại trận đánh lịch sử của anh cùng đồng đội như một chứng tích về lòng quả cảm.

Cha Lo, cũng là quê hương của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hồ Phòm, một người con ưu tú của dân tộc Khùa, người đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho đất nước. Đến giờ, những câu chuyện về ông vẫn được người già ở vùng đất biên viễn này kể cho con cháu nghe mỗi đêm khuya, bên bếp lửa.

Năm 1954, Hồ Phòm lên đường nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên tuyến biên giới Việt - Lào. Năm 1959, đơn vị ông chuyển về lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Là người địa phương, lại giỏi tiếng Lào, Hồ Phòm thường cải trang thành người dân để thu thập thông tin về các đồn của địch ở Lằng Khằng, điểm chốt La Te thuộc tỉnh Khăm Muộn, đối diện với Đồn Cha Lo. Những thông tin hữu ích mà Hồ Phòm thu được đã giúp lực lượng cách mạng Lào đánh tan đồn Lằng Khằng và điểm chốt La Te vào năm 1961.

Ngày 25/8/1970, Đại úy Hồ Phòm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và trở thành người Khùa đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở huyện Minh Hóa được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Đất nước giải phóng, Đại úy Hồ Phòm xin được phục viên, bởi ông cho rằng: “Những năm tháng tuổi trẻ, tôi đã tạm gác lại việc gia đình để cống hiến cho cách mạng. Đất nước hòa bình, tôi muốn dành thời gian cùng vợ nuôi đàn con thơ khôn lớn”. Và người lính ấy đã nuôi dạy những người con trai, con gái của mình trưởng thành và luôn có trách nhiệm với nơi mình sinh sống...

Ngược cổng trời thăm vùng đất anh hùng

Cửa khẩu Cha Lo

Hồi sinh “vùng đất chết”

Chiến tranh lùi xa 45 năm, đường 12A, với sứ mệnh mới của mình đã nối liền vùng đồng bằng ven biển với vùng phía tây rộng lớn của Quảng Bình. Đặc biệt, kể từ khi được nâng cấp trở thành tuyến đường Xuyên Á, cầu Hữu Nghị nối tỉnh Khăm Muộn (Lào) với tỉnh Nakhonphanom (Thái Lan), đường 12A trở thành cung đường ngắn nhất để hàng hóa từ vùng đông bắc Thái Lan tới Việt Nam và xuất khẩu đi nước thứ ba. Và con đường này cũng chính là đòn bẩy kinh tế giúp Minh Hóa nói chung và Cha Lo nói riêng “thay da đổi thịt” mỗi ngày.

Hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM), những năm qua nhiều xã bản ở Minh Hóa đã cụ thể hóa thành những phong trào phù hợp với thực tế cơ sở như phong trào “bê tông hóa” đường giao thông nông thôn, huy động sự tham gia đóng góp của người dân để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, công trình thắp sáng đường quê...

Cha Lo, “vùng đất lửa” năm nào giờ đang hồi sinh mãnh liệt. Nhà cửa, làng mạc mọc lên, màu xanh đã dần phủ lên những hố bom. Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cũng được xây dựng khang trang, bề thế để tiện cho việc giao lưu kinh tế với các nước láng giềng. Theo thời gian, cửa khẩu này dần trở thành một trong những cửa khẩu sầm uất và đạt giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất trong số 10 cửa khẩu của Việt Nam thông thương với nước bạn Lào.

Nếu trước đây, chỉ những doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Bình thông quan qua Cha Lo thì nay cả doanh nghiệp của Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An và các tỉnh phía bắc, phía nam cũng mở tờ khai qua cửa khẩu quốc tế này. Đó là bởi Cha Lo đã cho áp dụng việc làm thủ tục thông quan điện tử, tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Hơn nữa, hàng hóa từ Thái Lan hay về Việt Nam theo đường 12A ra cảng Vũng Áng vừa gần, lại vừa tiết kiệm được nhiều chi phí...

45 năm, với ý chí quyết tâm vượt khó, người dân Minh Hóa đã và đang nỗ lực vươn lên, làm giàu, làm đẹp quê hương. Để rồi hôm nay đây, trên vùng đất lửa năm xưa, cuộc sống mới đã hồi sinh. Kinh tế, văn hóa xã hội phát triển, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, cuộc sống mới đã lan tỏa đến từng nhà. Cho dù ở các xã bản ven quốc lộ 12A hay tít tắp vùng sâu, người dân không còn chỉ lo “ăn no, mặc ấm” mà hướng đến “ăn ngon, mặc đẹp”. Vùng đất Anh hùng này đang chính thức chuyển mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngược cổng trời thăm vùng đất anh hùng