Nghiệt ngã voọc rừng Tát Kẻ

congly.com.vn| 13/04/2012 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ trung tâm huyện lỵ Na Hang chúng tôi độc bộ ra Bến Thủy ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Từ đây, phải mất nửa tiếng đồng hồ đi thuyền máy mới cập bờ tới một con đường độc đạo lên Tát Kẻ. Trong chuyến ngao du sơn thủy đến cái nơi thâm sơn cùng cốc này, chúng tôi đã nghe những câu chuyện đau lòng về sự biến mất đột ngột và nước mắt của loài voọc mũi hếch trong cánh r�

Tìm ký ức về loài voọc mũi hếch


Cuối xuân, Khu bảo tồn rừng đặc dụng Tát Kẻ-Bản Bung trời vẫn mưa lâm thâm, cái lạnh vẫn se sắt, núi rừng âm u, tịch mịch. Vượt qua hàng trăm cây số, chúng tôi chỉ muốn tìm lại những ký ức về loài voọc mũi hếch, loài linh trưởng quý hiếm nằm chềnh ềnh trong sách Đỏ. Còn ở rừng xanh, nơi bạt ngàn cổ thụ như Tát Kẻ-Bản Bung voọc mũi hếch giờ như bóng chim, tăm cá.

Con đường độc đạo đưa chúng tôi tới một "bản mồ côi" nằm sâu trong Khu bảo tồn. Khi được hỏi, đàn voọc giờ còn lui tới cánh rừng này nữa hay không thì chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán của dân bản: "Còn đâu voọc nữa, bắn chết hết rồi. Ngày xưa thi thoảng còn thấy đàn voọc kéo nhau về nay thì biệt tăm, biệt tích".


20 năm trước loài voọc quý hiếm này lần đầu tiên thấy xuất hiện ở Na Hang. Nhưng chúng không nghĩ rằng, lúc chúng xuất hiện thì cũng là lúc đại gia đình voọc mũi hếch được dự báo là có nguy cơ tuyệt diệt. Và, khi người ta chính thức đưa ra lệnh cấm thì chúng ta chỉ còn nhìn thấy voọc mũi hếch ở trong tranh ảnh.


Cũng như loài khỉ, voọc mũi hếch sống theo đàn, con đực uy tín được bầu làm "thủ lĩnh" có nhiệm vụ dẫn dắt bầy đàn đi kiếm ăn, cảnh giới, bảo vệ an toàn tính mạng cho các thành viên trong gia đình. Loài voọc quả là tinh khôn khi ngửi thấy mùi thuốc súng cách xa cả hàng trăm mét thế nhưng để hạ sát voọc thì "xạ thủ" lại không cần đến khoảng cách ấy.

Voọc mũi hếch ở Tát Kẻ - Bản Bung



Để săn voọc, những kẻ đi săn thường dùng một loại súng bắn đạn bi tiếng nổ không lớn và giết chết con voọc 9-10 kg một cách dễ dàng. Có những con voọc bị dính đạn vẫn cố chạy xa hàng trăm mét để đánh lạc hướng cho đồng loại thoát thân. Đó là đặc điểm khá ưu tú của loài voọc mũi hếch.

Anh Ma Thanh Hưởng, người thôn Tát Kẻ là một "người rừng" thiện nghệ từng có chục lần làm "hoa tiêu" cho các nhà khoa học đi tìm tung tích voọc mũi hếch khắp các cánh rừng như Pá Pàu, Thâm Pấc, Khau Tép tâm sự: Voọc mũi hếch cái tên tuy khó nghe nhưng là loài động vật rất quý hiếm. Không phải ai ở trong bản này cũng được nhìn thấy con voọc bằng xương bằng thịt. Khoảng hơn chục năm về trước đàn voọc cả chục con thường kéo nhau về đu đưa, nhảy nhót trên tán cây cổ thụ, sau đó thì thưa thớt dần và biến mất khỏi cánh rừng này.


Những nhà nghiên cứu về loài voọc vẫn hi vọng năm này qua năm khác rằng đàn voọc mũi hếch sẽ trở lại. Vẫn có những dự án về bảo vệ voọc được lập ra ưu tiên cho khu rừng Tát Kẻ-Bản Bung thế nhưng bóng dáng của đàn voọc mũi hếch năm xưa dường như chỉ còn lại trong ký ức.

Đàn voọc đi đâu?


Voọc mũi hếch Việt Nam nằm trong số 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Sách đỏ thế giới xếp chúng vào danh sách loài động vật cực kỳ nguy cấp, đứng sát bờ vực tuyệt chủng và cần được bảo vệ. Mà ở nước ta tồn tại một nghịch lý cái gì càng được bảo vệ thì càng có nguy cơ không thể bảo vệ được. Tiếc thay cho loài voọc mũi hếch khi được quan tâm nhất thì cũng là lúc không ai còn thấy voọc ở đâu nữa.


Voọc mũi hếch đã đi đâu? Sự xuất hiện bất ngờ 20 năm trước và biến mất đột ngột 20 năm sau phải có một nguyên nhân căn cơ?

Viên linh dược cao voọc người đi rừng thường mang theo



Năm 2002, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang đặt tại Na Hang chính thức được khởi công xây dựng. Rừng già biến thành công trường, tiếng máy, tiếng khoan, tiếng mìn nổ đì đùng suốt ngày đã làm kinh động, đảo lộn cuộc sống vốn đã không mấy yên bình của gia đình nhà voọc. Những cuộc di dời dân cư từ khu vực lòng hồ vào sâu trong rừng khiến cho nguy cơ tuyệt chủng của loài voọc mũi hếch càng cao hơn.


Song song với tiếng mìn nổ inh tai ở lòng hồ thủy điện thì bên trong khu bảo tồn tiếng súng săn khô khan cũng ngày đêm nã đạn hạ sát voọc mũi hếch. Những con voọc xấu số được tuồn ra khỏi rừng đặt lên bàn nhậu với cái giá hình như chưa không tương xứng với cái danh trong sách Đỏ thế giới là 130 nghìn đồng/1kg. Thứ xương xẩu còn lại của loài vật quý được cho vào nồi nước linh ngày đêm tạo ra thứ thuốc "diệu kỳ" với cái tên dễ gọi hơn: cao voọc.


Anh Hưởng vừa kể vừa như than thở: "Tôi dẫn một đoàn nghiên cứu nước ngoài đi cả tháng trời qua hầu khắp các cánh rừng để tìm dấu tích đàn voọc nhưng vô ích. Có đận, một nghiên cứu sinh của Việt Nam cùng một đoàn sinh viên cũng lên đây với hi vọng tìm được đàn voọc mũi hếch đã mất tích và cũng thất vọng trở về không".


Trước khi đàn voọc còn xuất hiện gần bản, chiều chiều xuống ruộng lấy ngô để ăn nhiều người đã làm bẫy hạ sát được đôi mạng. Những con voọc đầu đàn thấy có bẫy thì hò reo rút lui trốn vào tán rừng rậm rạp. Có hôm vừa kéo nhau về đàn voọc đã nháo nhác bỏ chạy vì dính đạn của thợ săn. Nhìn đồng loại bị bắn rơi voọc đầu đàn kêu gào thảm thiết, còn thợ săn thì hả hê xách "chiến lợi phẩm" ra khỏi rừng.


Anh Bế Văn Minh, một cán bộ bảo vệ rừng đặc dụng Tát Kẻ cho biết: "Ở Tát Kẻ có đến 3-4 đàn voọc tạo thành một quần thể voọc lên đến 40-50 con. Nhưng hiện tại thì không còn nhìn thấy con voọc nào nữa. Có người bảo vì sợ tiếng mìn nên voọc bỏ chạy đi nơi khác, nhưng cũng có người bảo chúng bị hạ sát hết rồi".


Voọc quý và thứ thuốc rẻ tiền chữa bách bệnh?


Ngay sau khi những đàn voọc cực kỳ quý hiếm này biến mất thì người ta thấy thấp thoáng quán nhậu dưới thị xã có món thịt voọc đặt trên bàn nhậu. "Thịt voọc không ngon lại khó ăn nữa. Chỉ có mật ngâm rượu uống rất tốt và xương nấu cao thôi"- một người dân Tát Kẻ "may mắn" khi được ăn thịt động vật trong sách Đỏ thế giới nói với chúng tôi. Người đàn ông này cho biết rằng, có một lần voọc xuống phá ngô họ đã bẫy được một con và đem về làm thịt.


Từ một loài động vật được bảo vệ khẩn cấp thì voọc mũi hếch lại gắn với rượu, cao và lời đồn thổi chữa được bách bệnh nan y. Nhưng lạ thay, thứ thuốc tuyệt diệu ấy lại được đem đi bán rong với giá chỉ vài chục ngàn đồng cho một lạng cao xương. Riêng mật voọc ngâm rượu uống thì được cho là có công dụng cực kỳ hiệu quả chữa bệnh xương khớp và cả yếu sinh lý của các đại gia.


Cứ nghĩ, vì là loài động vật cực kỳ quý hiếm nhiều thì cũng chỉ có vài chục con bằng ấy cũng có vài chục cái mật voọc. Nếu tất thảy chúng đều bị hạ sát dưới nòng súng thì lấy đâu ra cả ngàn bình rượu ngâm mật voọc lại bán với cái giá rẻ như cho. Thậm chí, những người đi rừng ở Tát Kẻ còn luôn mang bên người một viên "linh đan" làm từ cao voọc chỉ cần ăn vào là cả ngày trèo đèo lội suối cũng không biết đến đói là gì.


Chỉ thấy nực cười khi có rất nhiều bài báo ca ngợi những sát thủ săn voọc buông súng để bảo vệ rừng, bảo vệ loài voọc quý. Thế nhưng, những con voọc quý giờ đã nằm yên vị trong các bình rượu, hồn lìa khỏi xác sấy khô làm cảnh và tinh luyện thành cao.


Những người tâm huyết, có ý thức bảo vệ loài voọc mũi hếch quý hiếm, gian nan băng rừng tìm tung tích của voọc chỉ còn biết than: Thôi rồi voọc ơi!

Biên Thùy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiệt ngã voọc rừng Tát Kẻ